Thanh tra Chính phủ yêu cầu BQL đường sắt đô thị Hà Nội xin lỗi người tố cáo

(PLVN) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá lại việc không bổ nhiệm lại ông Lương Xuân Bình làm Phó BQL dự án đường sắt đô thị Hà Nội (dự án) chỉ vì chưa đủ phiếu tín nhiệm, do thời điểm đó luật quy định kết quả lấy phiếu chỉ để tham khảo. Đồng thời xem xét lại quá trình công tác để bố trí lại vị trí công tác cho ông Bình có tính kế thừa phù hợp.
Ảnh minh họa

TTCP cũng đề nghị Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Trưởng BQL dự án tổ chức công khai xin lỗi với ông Bình về hành vi mang tính trù dập ông Bình.

TTCP phát hiện trong năm 2019, BQL dự án đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-ĐSĐT-VP về việc thành lập Hội đồng kỷ luật viên chức với ông Bình có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Từ năm 2019-2020 tiếp tục ban hành nhiều quyết định, văn bản thông báo về việc thi hành kỷ luật với ông Bình có dấu hiệu trù dập và loại bỏ người tố cáo.

Tại buổi làm việc với TTCP, Trưởng BQL dự án thừa nhận đã xếp ông Bình vào diện dôi dư với ý định áp dụng quy định về giảm biên chế để loại ông Bình ra khỏi biên chế làm việc.

TTCP nhận thấy đây là hành vi có dấu hiệu trù dập diễn ra sau khi Tổng TTCP ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội và trách nhiệm của BQL dự án (chủ đầu tư).

TTCP cũng đề nghị Hà Nội chỉ đạo BQL dự án chấm dứt, không được có bất cứ hành vi trù dập, kỳ thị, phân biệt, đối xử bất công với ông Bình.

Trước đó, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do BQL dự án ường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, tư vấn thực hiện là Công ty Systra (Pháp). Quy mô toàn tuyến dài 12,5 km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội.

Năm 2014, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh danh mục dự án với tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro (vốn ODA gần 958 triệu Euro, vốn đối ứng trong nước trên 218 triệu Euro), gồm nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp AFD, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Châu Âu (EIB) và Ngân sách Hà Nội.

Kết luận của TTCP công bố mới đây cho thấy, trong hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện dự án, ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên (BQL dự án, Tư vấn Systra, các cơ quan thẩm quyền phía Việt Nam và các đơn vị liên quan khác).

Dự án có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng chi xác định thời gian 25 tháng, với tổng giá trị trên 10,6 triệu Euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong thực hiện dự án đặc biệt này.

Việc thực hiện gói thầu về rà phá bom mìn, vật nổ đoạn cầu cạn và khu vực depot của nhà thầu TCty Xây dựng Lũng Lô có dấu hiệu vi phạm pháp luật là có cơ sở. Đến thời điểm thanh tra công tác nghiệm thu và thanh quyết toán vẫn chưa hoàn thành, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chính là hồ sơ nghiệm thu khối lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai khối lượng thi công; hồ sơ hoàn công chưa đúng quy định, có hiện tượng không đúng với thực tế và không đúng với phương án kỹ thuật được phê duyệt...

TTCP cũng nhận định, việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công theo hợp đồng, dẫn đến nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai theo hợp đồng đã ký và nhà thầu yêu cầu bổ sung khoản kinh phí cho việc này khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. 

Đọc thêm