Hàng loạt sự kiện trong suốt năm 2010- Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế về một Chủ tịch ASEAN chủ động, tích cực, trách nhiệm và tin cậy. Nhìn lại chặng đường đã qua với đầy ắp sự kiện sôi động và những khó khăn, thách thức không nhỏ, Việt Nam vui mừng và tự hào về những kết quả đạt được, xét cả về lợi ích chung của ASEAN cũng như lợi ích trực tiếp của Việt Nam.
Nâng tầm vị thế đất nước
Năm 2010, thế giới được chứng kiến những chuyển động to lớn trên lĩnh vực đối ngoại trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế và trước sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng xuất hiện những mảng sáng lớn, tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng một cách vững chắc, đặc biệt là các nước phát triển- thị trường lớn nhất của các nước đang phát triển- làm phức tạp thêm các khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lăm le quay lại trong thương mại toàn cầu.
Ở châu Á và trong khu vực ASEAN, sự lớn mạnh của Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự đặt ra nhiều hệ quả; những vấn đề "nóng" trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản; Trung Quốc với Mỹ và Nga; vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ, của ASEAN, trong đó có Việt Nam với các cường quốc kinh tế đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, đặt ra trước đất nước cả cơ hội lẫn thách thức to lớn.
|
Tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các cấp cao liên quan là hoạt động đối ngọai đỉnh cao của Việt Nam trong năm 2010. |
Trong bối cảnh đó, kiên trì đường lối đối ngoại vì hoà bình và phát triển, đa dạng và đa phương hoá các quan hệ quốc tế, năm 2010, Đảng và Nhà nước ta tiến hành hàng loạt hoạt động đối ngoại được nhân dân trong nước và dư luận quốc tế hoan nghênh. Tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các diễn đàn lớn nhất- LHQ, ASEM, WTO, G.20… trở thành tiếng nói xây dựng, được đánh giá cao.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục bất ổn và G-20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang tăng trưởng mạnh lớn nhất) nổi lên như một thực thể có ảnh hưởng rộng lớn, việc Việt Nam thay mặt ASEAN tham dự các Hội nghị cấp cao G-20 tại Canađa và Hàn Quốc, bàn và quyết định các giải pháp vực dậy kinh tế toàn cầu, có những đóng góp quan trọng và thiết thực cho kết quả của các hội nghị này trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với các nước ASEAN khác, là thành công to lớn không chỉ trên lĩnh vực đối ngoại.
Quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước được tăng cường mạnh mẽ và thực chất. Trong năm 2010, Việt Nam chủ động tổ chức hội đàm và tiếp xúc song phương với lãnh đạo nhiều nước (kể cả cấp cao và cấp bộ trưởng) nhân dịp đến tham dự các Hội nghị của ASEAN để bàn biện pháp tăng cường quan hệ song phương, đạt nhiều thoả thuận quan trọng và thiết thực. Quan hệ song phương giữa nước ta với nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới, nhất là với các đối tác lớn như Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản… có những bước phát triển thực chất và hiệu quả, tiếp tục đi vào chiều sâu.
Bằng nhiều hoạt động trong năm 2010, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc, được củng cố và nâng cao. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 10-2010 của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, hai bên nhất trí thông qua hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các vấn đề tồn tại liên quan đến biển Đông, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác khu vực và trên thế giới. Năm 2010, hàng loạt hoạt động ngoại giao văn hoá, ngoại giao nhân dân được tiến hành thông qua Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; kỷ niệm 120 năm ngày sinh của danh nhân văn hoá, anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh; kỷ niệm 65 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam; 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 35 năm thống nhất đất nước... Thông qua đó, bạn bè quốc tế thêm hiểu về lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam- đất nước yêu chuộng hoà bình và luôn đấu tranh để bảo vệ hoà bình.
Một dẫn chứng hùng hồn cho sự mến phục, tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam là việc hội nghị các nhà tài trợ quốc tế đầu tháng 12-2010 cam kết 7,95 tỷ USD vốn ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển trong năm 2011 này, một con số rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn bấp bênh.
Dấu ấn Việt Nam
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, trong cả năm qua, Việt Nam tổ chức và điều hành trôi chảy nhiều sự kiện quan trọng và dồn dập của ASEAN gồm hai đợt hội nghị cấp cao (ASEAN-16 và ASEAN-17) và hàng loạt hội nghị khác. Dưới sự “cầm trịch” của Việt Nam, các hội nghị đi vào thảo luận thực chất với không khí xây dựng và đạt được đồng thuận cao trong nhiều vấn đề quan trọng. Tiến trình liên kết và thống nhất ASEAN có bước phát triển mới về chất theo hướng sâu rộng và chặt chẽ hơn. Đã có sự chuyển biến quan trọng trong hợp tác ASEAN theo hướng nâng cao tính “hành động” và “thực thi”, nhấn mạnh đến thúc đẩy hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra; thống nhất nhiều biện pháp, nhất là tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các thoả thuận cũng như sự phối kết hợp giữa các cơ quan thực thi. Nhờ vậy, việc triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN và các thỏa thuận quan trọng khác đạt được nhiều tiến triển cụ thể và có ý nghĩa, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do tác động của các nhân tố trong và ngoài ASEAN, nhất là những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế. Đặc biệt chúng ta đã xử lý khéo léo trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với các nước liên quan và tạo được quan điểm chung rộng rãi về nhiều vấn đề phức tạp có liên quan trực tiếp đến ASEAN như tình hình Biển Đông, Mianma, Thái Lan, bán đảo Triều Tiên…
Đỉnh cao trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam là Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các hoạt động liên quan tại Hà Nội cuối tháng 10, một điểm nhấn quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Với chủ đề xuyên suốt: "Hướng tới cộng đồng ASEAN - Từ tầm nhìn đến hành động", chỉ trong 3 ngày (28 đến 30-10) hàng loạt sự kiện được tổ chức, mở ra một cục diện mới cả trong nội bộ ASEAN cũng như quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, trong đó nổi bật là sự có mặt của các đối tác LHQ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Niu Dilân và lần đầu có mặt hai đối tác Mỹ và Nga. Sự có mặt của Tổng Thư ký LHQ Ban Kimoon, các vị tổng thống và thủ tướng nhiều cường quốc tại Hội nghị, đồng thời thăm chính thức Việt Nam là một trong những thành công lớn của công tác ngoại giao của nước ta trong năm 2010.
Hải Nguyên