Thảo luận hai dự án luật: Kiểm toán độc lập và Phòng, chống mua bán người

Ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập.

Ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập. Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận dự án Luật Phòng, chống mua bán người.

Đại biểu Quốc hội các đoàn: Nam Định, Đà Nẵng, Hòa Bình, Bình Dương, Quảng Ngãi thảo luận ở tổ.
Ảnh: Thanh Chương

Quản lý và tạo điều kiện để kiểm toán độc lập phát triển

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác kiểm toán và đáp ứng nhu cầu phát triển.

Về quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập và Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán (Điều 10, Điều 11), một số ý kiến nhất trí với dự án Luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, đối với quy định về cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kiểm toán... tại điểm d, khoản 2 Điều 10, một số ý kiến nêu vấn đề, việc thực hiện đăng ký kinh doanh như hiện hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tức là do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện, vì vậy không đồng ý với quy định trong dự án luật. Một số đại biểu cho rằng, không nên giao việc cấp phép cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà nên giao Bộ Tài chính phụ trách như dự thảo Luật quy định, vì còn những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn về tài chính, kinh tế.

Tại điểm c, khoản 1 và khoản 5 Điều 15 quy định, không cho phép kiểm toán viên được hành nghề với tư cách cá nhân mà phải hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán. Về vấn đề này, có đại biểu đề nghị nên xem xét thêm vì quy định như vậy sẽ làm giảm khả năng phục vụ các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, kiểm toán độc lập đòi hỏi kiểm toán viên phải có chuẩn mực đạo đức cao, có trách nhiệm lớn trong việc bảo đảm tính chính xác, tính trung thực, tính tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu để cho các kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân thì không thể kiểm soát được các hành vi và mối quan hệ của cá nhân kiểm toán viên trong khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, quy định các kiểm toán viên hành nghề chỉ được hành nghề trong các doanh nghiệp là cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan quản lý giám sát chất lượng hoạt động của kiểm toán viên.

Thảo luận về quy định không cho phép các tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán tại Điều 20, có ý kiến cho rằng, quy định này là quá chặt và chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ kiểm toán của Việt Nam còn mới, lực lượng kiểm toán viên chưa nhiều, khả năng thu hút nhà đầu tư chưa cao, do đó nếu không cho phép pháp nhân tham gia thành lập doanh nghiệp sẽ hạn chế khả năng phát triển loại hình này. Bởi vậy, quy định trong dự án Luật về việc không cho tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán là chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại.

Về phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán (Điều 46), một số ý kiến đề nghị cần làm rõ, có nên cho phép các doanh nghiệp kiểm toán được phép cung cấp các dịch vụ như quy định tại khoản 2, Điều 46 (tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán...) hay không, liệu có dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" hay không? Tuy nhiên, có đại biểu tán thành với dự án Luật vì cho rằng, các kiểm toán viên chính là những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính nói chung nên việc cho phép các doanh nghiệp kiểm toán cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán... là hợp lý. Vừa sử dụng được trình độ, kiến thức của đội ngũ kiểm toán viên, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Về kiểm toán bắt buộc, nhiều ý kiến nhất trí ngoài những doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật hiện hành đã quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm, cần thiết bổ sung thêm đối tượng bắt buộc kiểm toán bao gồm báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn Nhà nước. Ý kiến khác đề nghị phải mở rộng đối tượng bắt buộc kiểm toán bao gồm cả báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án từ nhóm B sử dụng vốn Nhà nước trở lên.

Một số đại biểu cho rằng, Điều 67 quy định các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Trong đó, mục K đưa ra những hành vi "... gian lận, sai sót hoặc thông đồng, móc nối để làm sai lệch tài liệu..." là rất khó xác định trong thực tế công tác kiểm toán nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan điều tra, cơ quan an ninh. Nhiều đại biểu nêu ý kiến, dự án Luật có quá nhiều quy định giao cho Bộ Tài chính phụ trách là không hợp lý và đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét và sắp xếp lại cho hợp lý hơn.

Huy động sức mạnh toàn xã hội vào việc phòng, chống mua bán người

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với quy định của dự án Luật, nhằm đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn loại tội phạm này. Tuy nhiên, luật cần làm rõ một số vấn đề và quy định cụ thể hơn những biện pháp phòng, chống mua bán người. Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động mua bán người là hành vi đáng lên án và phải bị trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, số lượng các vụ mua bán người có chiều hướng gia tăng, với tính chất ngày càng phức tạp. Do vậy, bên cạnh các chế tài đủ mạnh để phòng, chống loại tội phạm này, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân./.

P.V

Đọc thêm