Thay đổi lớn của Trung Quốc trong chính sách ứng phó với COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/12, Trung Quốc đã đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19.
Thay đổi lớn của Trung Quốc trong chính sách ứng phó với COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo chính sách mới được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố, nước này sẽ ứng phó với dịch COVID-19 bằng các biện pháp đối với các bệnh truyền nhiễm loại B, thay vì các bệnh truyền nhiễm loại A.

Tân Hoa xã dẫn thông báo của NHC cho biết Trung Quốc đã đổi tên thuật ngữ tiếng Trung cho COVID-19 từ "viêm phổi do virus corona mới" thành "nhiễm virus corona chủng mới". Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ hạ cấp quản lý bệnh từ Loại A xuống Loại B theo luật phòng ngừa và điều trị bệnh truyền nhiễm của quốc gia, đồng thời loại bỏ các biện pháp kiểm dịch bệnh truyền nhiễm đối căn bệnh này.

Hiện tại, COVID-19 được phân loại là bệnh truyền nhiễm loại B nhưng phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đối với bệnh truyền nhiễm loại A ở Trung Quốc.

Một tài liệu của Hội đồng Nhà nước ứng phó với COVID-19 công bố cùng ngày cho thấy các điều kiện cơ bản đã sẵn sàng để hỗ trợ cho sự điều chỉnh như vậy. Tài liệu cho biết các nhà chức trách sẽ bỏ các biện pháp kiểm dịch đối với những người bị nhiễm coronavirus mới và ngừng xác định những người tiếp xúc gần hoặc chỉ định các khu vực có rủi ro cao và rủi ro thấp.

Các ca mắc COVID-19 sẽ được điều trị phân loại và các chính sách chăm sóc y tế sẽ được điều chỉnh kịp thời. Trung Quốc cũng sẽ điều chỉnh chính sách xét nghiệm cũng như tần suất và nội dung công bố thông tin dịch bệnh. Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nhắm vào khách du lịch trong nước và hàng hóa nhập khẩu sẽ được dỡ bỏ.

Sau khi điều chỉnh, các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc sẽ tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng. Nước này sẽ triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ tối đa tính mạng, sức khỏe của người dân, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, xã hội.