Thay đổi những thói quen

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng không lớn và ngày càng thu hẹp, thì việc nâng cao tối đa giá trị kinh tế đạt được trên một đơn vị diện tích đất là điều người dân thật sự quan tâm.

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng không lớn và ngày càng thu hẹp, thì việc nâng cao tối đa giá trị kinh tế đạt được trên một đơn vị diện tích đất là điều người dân thật sự quan tâm.

Từ rau…

Một trong số ít người dân ở phường Mỹ An sử dụng chế phẩm AFA-3 trong trồng và chăm sóc dưa leo.

Một trong số ít người dân ở phường Mỹ An sử dụng chế phẩm AFA-3 trong trồng và chăm sóc dưa leo.

Được triển khai ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn từ tháng 6 đến 11 năm 2009, dự án “Khảo nghiệm chế phẩm kích thích tăng trưởng AFA-3 trên cánh đồng rau…” của Trung tâm (TT) Công nghệ sinh học và Ứng dụng Khoa học công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng bước đầu thu được những kết quả nhất định. Đặc tính kỹ thuật của chế phẩm AFA-3 là tăng khả năng sinh trưởng của tế bào, tăng hàm lượng lục diệp tố, hàm lượng tinh bột và sức đề kháng cho cây, giúp cây chống chịu tốt với sâu bệnh.

Ông Trần Viết Nhành, một trong các hộ được chọn triển khai thí điểm dự án này chia sẻ, việc sử dụng AFA-3 đã giúp vườn rau gia đình ông tăng năng suất đáng kể, bảo đảm nguồn rau sạch cung ứng cho thị trường. Vì vậy, dù dự án đã kết thúc từ tháng 11-2009, nhưng gia đình ông Nhành cũng như một số hộ nông dân khác vẫn duy trì việc sử dụng chế phẩm trong sản xuất dưa leo, rau húng, cải bẹ xanh, xà lách…

Về điều này, anh Lê Văn Thông, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển thuộc TT, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong từng điều kiện đất canh tác cụ thể, chúng tôi sẽ có hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp và phế thải trồng nấm. Về hiệu quả kinh tế, chế phẩm AFA-3 tạo ra các sản phẩm rau có chất lượng cao. Về hiệu quả xã hội, việc sử dụng thành công chế phẩm sẽ đem lại triển vọng sản xuất rau an toàn bền vững không chỉ cho quận Ngũ Hành Sơn.

Được biết, TT cũng đang trong giai đoạn triển khai dự án “Xây dựng mô hình nhân giống cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô nhằm cung cấp cây giống có giá trị cho nông dân Đà Nẵng”.

Tại một số địa phương như ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, nhiều nông dân đã tham gia các lớp tập huấn về trồng rau mầm, trồng nấm do Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức. Ông Đặng Công Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Đà Nẵng cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, Hội đã tổ chức gần 300 lớp chuyển giao công nghệ - khoa học kỹ thuật cho hơn 10.000 nông dân. Điều này đã tác động tích cực đến việc thay đổi tập quán, thói quen sản xuất nhỏ, lẻ của người dân, góp phần chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập”.

…đến con

Anh Nguyễn Phước đang sử dụng dung dịch điện hoạt hóa Anolit để phun khử trùng cho chuồng trại tại nhà.

Anh Nguyễn Phước đang sử dụng dung dịch điện hoạt hóa Anolit để phun khử trùng cho chuồng trại tại nhà.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Phước, tổ 5, thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang chỉ nuôi khoảng 40 con heo và một số ít gà, vịt, cá trong trang trại của mình. Anh không dám đầu tư phát triển chăn nuôi bởi lo sợ việc thất thu nếu dịch bệnh xảy ra. Bằng chứng là năm 2008, 100% đàn heo nhà anh nhiễm dịch tai xanh, trong đó có gần 20 con đã chết. Đó là chưa kể cúm gia cầm xảy ra với đàn gà, vịt.

Trong sản xuất, chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của bà con nông thôn và miền núi. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng vô cùng quan trọng. Từ cơ sở đó, dự án “Ứng dụng một số giải pháp an toàn dịch bệnh kết hợp với sử dụng dung dịch điện hoạt hóa Anolit để góp phần tăng cường vệ sinh thú y ở 5 xã thuộc huyện Hòa Vang (Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Liên và Hòa Sơn) thành phố Đà Nẵng” đã được triển khai thực hiện, góp phần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Theo đó, 5 thiết bị hoạt hóa điện hóa ECAWA-D 120 có công suất 120 lít/giờ đã được lắp đặt tại các trang trại chăn nuôi ở 5 xã trên.

Anh Phước cho biết, từ khi được TT lắp đặt thiết bị ECAWA-D 120 sản xuất dung dịch điện hoạt hóa Anolit tại nhà, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Hiện nay, số heo đã tăng lên khoảng 60 con, tỷ lệ thuận với số vật nuôi khác như cá, gà, vịt. Vì mô hình khá đơn giản, giá thành khoảng 500 đồng/lít (tiền điện+muối) nên dù dự án đã kết thúc từ tháng 9-2009 nhưng người dân vẫn tiếp tục sử dụng dung dịch này để phun khử trùng chuồng trại với công thức 2 ngày khử trùng một lần, 60 con heo tương đương với 10 lít nước dung dịch.

Bà Nguyễn Thị Kim Xinh, thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn bộc bạch: “Vì cả xã chỉ có một máy ECAWA-D 120 nên bà con chúng tôi thay nhau đến lấy dung dịch về phun, chủ động vệ sinh chuồng trại nhằm chống lại dịch bệnh”.

Để dự án không còn là… dự án

Từ năm 2009 đến nay, cán bộ của TT thường xuyên về tại 5 xã huyện Hòa Vang để tổ chức những buổi tập huấn cho 1.000 gia đình có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tiêu biểu về biện pháp an toàn vệ sinh dịch bệnh.

Nhờ vậy, đến nay, dù dịch tai xanh đang bùng phát tại nhiều xã thuộc Hòa Vang, đàn heo khoảng 60 con của gia đình anh Nguyễn Phước vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhiều hộ nông dân chỉ chú trọng đến việc đi lấy dung dịch Anolit khi dịch bệnh đã bùng phát.

Là người cùng thôn với anh Phước, nhưng trong mùa dịch heo tai xanh 2010, gia đình bà Xinh vẫn có 6 con heo nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Về chuyện này, theo anh Lê Văn Thông: “Việc nhân rộng các máy móc, thiết bị này phải cần đến nguồn kinh phí lớn. Để giải quyết vấn đề trước mắt, trong những lần tập huấn, chúng tôi thường mời đại diện nông dân ở các xã lân cận để họ có thể tiếp cận công nghệ này và sử dụng dung dịch Anolit một cách khoa học, hợp lý”.

Tương tự, tại vườn rau phường Mỹ An, lớp tập huấn trồng rau mầm có hơn 20 người tham gia thì chỉ có khoảng 10 hộ về triển khai trồng mô hình này nhưng cũng chỉ gói gọn trong việc sản xuất phục vụ cho bữa ăn gia đình. Vì hiện nay, so với các loại rau trồng khác tại Mỹ An như húng, xà lách, cải thì rau mầm không cho giá trị kinh tế bằng. Cũng như chỉ có vài hộ nông dân còn duy trì sử dụng chế phẩm AFA-3 trong sản xuất khi dự án kết thúc. Theo ông Lê Tiến Dũng: “Cái khó của người dân trong việc sử dụng chế phẩm AFA-3 là giá thành hơi cao (1 lít có giá 25.000 đồng, 1 sào/3-5 lít/tháng). Nguồn nguyên liệu tại thị trường ít, muốn mua cũng không có. Mặc khác, người dân vẫn còn sản xuất theo cảm tính, giá rau trên thị trường đắt thì mới dùng để nâng năng suất tức thời và ngược lại”.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc TT, do trình độ tiếp nhận của người dân còn hạn chế, nhiều nông hộ còn bảo thủ hoặc một số người dân còn tư tưởng xin cho, có hỗ trợ về vật chất, cán bộ xuống tận nơi mới triển khai ứng dụng dự án. Vì vậy, để phát huy tốt tính chất đại chúng, rộng rãi của dự án, thì ngoài sự cố gắng của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người dân cần thay đổi thói quen sản xuất nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất về lâu dài, góp phần phòng trừ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nông thôn.

TIỂU YẾN

Đọc thêm