Á khôi, người mẫu bán dâm - kẻ mượn danh đang “bôi bẩn” giới làm nghề?

(PLO) - Cần có biện pháp để bảo vệ những người làm nghề chân chính trước việc dùng danh xưng để làm nghề một cách bất chính gây ảnh hưởng trực tiếp nghề người mẫu như hiện nay – đó là câu hỏi đang được đặt ra trong giới người mẫu và dư luận.
Hội Người mẫu Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của các hội viên và những người làm nghề chân chính.
Hội Người mẫu Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của các hội viên và những người làm nghề chân chính.

Bức xúc vì ai ai cũng có thể tự nhận là người mẫu

Mới đây, đường dây người mẫu, diễn viên bán dâm 2.500 USD/lượt đã bị Công an TP HCM phanh phui và Nguyễn Thị Tiền, Nguyễn Thị Ngọc và Phạm Thị Thanh Hiền bị tạm giữ để xử lý về hành vi môi giới mại dâm. Theo lời khai, Tiền và Ngọc thường làm công việc dẫn chương trình và tổ chức hoạt động người mẫu. Trong đó, Ngọc đã từng đoạt giải Á khôi trong một cuộc thi sắc đẹp. Trong lúc đi làm, cả hai mồi chài các người mẫu, diễn viên tham gia đường dây.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc người mẫu, diễn viên điện ảnh, ca sĩ… tham gia đường dây của bán dâm. Năm 2015, Công an TP HCM cũng triệt phá một đường dây người mẫu bán dâm với giá 1.000 USD do Lê Bảo Lộc cầm đầu, một số người mẫu cũng đã bị bắt trong đường dây này. Năm 2014, showbiz Việt cũng được một phen ầm ĩ khi trong số hai cô gái bị bắt khi đang bán dâm ở Hải Phòng có một thí sinh từng đoạt một giải thưởng phụ của cuộc thi “Người đẹp tỏa sáng 2013”.  Rúng động nhất phải kể đến vụ hoa hậu, á hậu bán dâm bị phanh phui vào tháng 6/2012. Theo đó, Hoa hậu Nam Mekong Mỹ Xuân là người cầm đầu đường dây hoa hậu, người đẹp bán dâm và chính cô cũng tham gia vào việc đi khách với giá nghìn đô… 

Bức xúc vì bị mang tiếng – đó là tâm trạng của nhiều người mẫu, diễn viên hoạt động chân chính. Trả lời báo chí sau vụ việc đường dây người mẫu, diễn viên bán dâm bị CA TP HCM phanh phui mới đây, NSƯT Hạnh Thúy cho biết, chị không hề thấy ngạc nhiên khi thông tin người mẫu, diễn viên bị dính vào đường dây mại dâm, bởi điều này không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, nghệ sĩ Hạnh Thúy cũng cảm thấy không khỏi chạnh lòng: “Tôi cảm giác những chuyện như thế này sẽ làm cho khán giả nhìn vào đánh giá và coi thường nghề nghiệp của mình. Điều đó khiến tôi cũng như những diễn viên làm nghề chân chính cảm giác đau lòng bởi vô hình trung nghề mà mình trân trọng bị coi rẻ”.

Người mẫu Hoàng Yến cũng chia sẻ sự bức xúc khi có thông tin người mẫu nghiệp dư bị bắt vì tội bán dâm: “Tôi rất bức xúc khi nghe những thông tin như thế này vì đó là những người mẫu nghiệp dư, đôi khi không phải là người mẫu, một người bất kỳ cũng có thể nhận mình là người mẫu. Rõ ràng làm “ô uế” danh dự người mẫu. Tôi thực sự cảm thấy bất lực khi không có ai đứng ra bảo vệ chúng tôi mà ai cũng có thể tự nhận mình là người mẫu”. Người mẫu Hoàng Yến mong rằng người mẫu phải được xem là một nghề, ai có hoạt động mới được nhận được danh xưng đó…

Đừng gắn danh xưng vô tội vạ

Ở góc độ quản lý nhà nước về hoạt động của người mẫu, theo quy định của Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý hoạt động của các người mẫu trong các hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang. Còn ở ngoài đời, các người mẫu cũng giống như các cá nhân khác, họ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, hàng loạt sự việc xảy ra cộng đồng hiện nay đã và đang có cái nhìn méo mó về giới người mẫu, diễn viên. Hàng loạt người mẫu, diễn viên bị dư luận nghi ngờ, đồn thổi “đi khách”, cụm từ “chân dài – đại gia” trở thành đương nhiên, bất kể đúng sai thế nào.  

Mới đây, trước việc giới người mẫu, hoa khôi bị mang tiếng quá nhiều và nhiều cá nhân trong giới người mẫu bày tỏ sự bức xúc vì bị hiểu nhầm, đánh đồng, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTT&DL đã rà soát và cho các cá nhân mang danh hiệu “Á khôi thời trang 2017” hay “Á khôi sắc đẹp Việt Nam” vừa bị cơ quan Công an tạm giữ vừa qua mà một số bài báo phản ảnh đều tham gia trong các cuộc thi được tổ chức không đúng quy định của pháp luật và danh hiệu trong các cuộc thi trên là không có giá trị về mặt pháp lý. “Vì 

vậy, đề nghị cơ quan báo chí trước khi phản ảnh về các cá nhân mang danh hiệu “hoa khôi, người mẫu”, nên xác minh, tìm hiểu thông tin xem các danh hiệu, cuộc thi đó có được tổ chức, trao đúng quy định pháp luật hay không? Nếu cứ gắn cho họ danh xưng “á khôi, người mẫu” là không nên, như vậy sẽ gây hiểu nhầm cho độc giả và ảnh hưởng đến những cá nhân “hoa khôi, người mẫu” được trao danh hiệu đúng quy định pháp luật và có hoạt động nghề nghiệp chân chính”, theo đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Trả lời báo chí, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, khi phản ảnh về các cá nhân vi phạm pháp luật, các cơ quan truyền thông không nên gắn danh xưng “á khôi, người mẫu” đối với những cá nhân này. Như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến những người làm nghề chân chính. Họ có là ai, khi vi phạm cũng sẽ bị xử lý trước pháp luật. Hơn nữa trong trường hợp cụ thể vừa qua, các cá nhân bị tạm giữ lại không phải là những “á khôi, người mẫu” đúng nghĩa, họ tham gia các cuộc thi được tổ chức không đúng quy định của pháp luật. Việc gắn cho họ danh hiệu “á khôi, người mẫu” sẽ làm cho công chúng có cái nhìn không đúng về nghề.

Cũng theo đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Người mẫu Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của các hội viên và những người làm nghề chân chính. Nếu các cá nhân bị cơ quan công an tạm giữ vừa qua không phải là hội viên thì cũng cần thông báo để độc giả biết, còn nếu xác định là hội viên thì Hội Người mẫu Việt Nam cũng cần có biện pháp xử lý theo đúng điều lệ hoạt động của Hội.