Ai về cầu Ngói chợ Lương

(PLO) - Ai về cầu Ngói, chợ Lương/Ghé thăm Mỹ nghệ Hải Minh làng nghề/Hoành phi Câu đối Tủ chè/Đi lên đổi mới diệu kỳ sáng tươi…”.
Ai về cầu Ngói chợ Lương

Từ thành phố Nam Định của tỉnh Nam Định xuôi theo QL21 về phía Nam chừng 40km, qua Đò Huyện khoảng 1km là bạn đã tới địa danh Cầu Ngói chợ Lương (thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu). Đây là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa từng đi vào thơ ca.

Câu ca truyền đời nói đến một vùng đất mà cách đây gần 6 thế kỷ là cái nôi của cuộc khai hoang, lấn biển. Theo gia phả, hồi đó 4 ông tổ khai sáng: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập và 9 dòng họ từ khắp nơi tụ về sinh cơ, lập nghiệp, trải qua bao gian nan, vất vả lập nên những xóm làng trù phú, phát triển trăm nghề, mở rộng địa bàn sinh sống để thành huyện Hải Hậu ngày nay.

Xã Hải Minh hiện còn lưu giữ những giá trị văn hoá phong phú, mà tiêu biểu là cụm di tích lịch sử, văn hoá chùa Lương - cầu Ngói - chùa Phúc Hải. Nằm trong quần thể di tích này còn có đình Phong Lạc với tấm Hoành Phi nổi tiếng mang 4 chữ Vua Lê ban tặng: “Mỹ Tục Khả Phong”.

Cầu Ngói liền với chợ Lương nên được gọi là cầu Ngói - chợ Lương. Cầu nằm cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa.  Cùng niên đại xây dựng với chùa Lương, cầu Ngói là một trong số 10 chiếc cầu cổ nhất Quần Anh xưa và là một trong ba cây cầu ngói cổ và đẹp nhất Việt Nam (gồm cầu Ngói chợ Lương ở Nam Định, cầu Ngói Thanh Toàn ở Huế và cầu Chùa ở Hội An). Cũng trên đất Hải Minh, Hải Anh của huyện Hải Hậu, ngoài cụm di tích cầu Ngói còn có các công trình văn hóa tôn giáo nổi tiếng khá, đặc biệt là trên 20 nhà thờ cổ đẹp lộng lẫy với các dòng kiến trúc Á Âu kết hợp. 

Cầu Ngói chợ Lương được xây dựng từ thế kỷ 17. Cầu vắt ngang qua sông Hoành chảy dọc xã Quần Anh xưa. Kiểu dáng thuộc loại “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu). Cầu dựng trên 18 cột đá vuông mỗi cạnh 35cm xếp thành 6 hàng cột để gánh 6 vì, đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm, nâng sàn cầu, nhà cầu. Sàn cầu được thiết kế làm hai phần rõ rệt.

Phần sàn của lòng cầu rộng 2m, gồm nhiều thanh gỗ lim ghép lại nằm trên hàng dầm uốn cong, đồng thời có nhiều thanh gỗ ngắn hơn vuốt tròn cạnh tạo thành nhiều gờ nổi để khách bộ hành lên xuống không bị trượt chân. Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng uốn cong cầu kỳ theo thành cầu. Hành lang là nơi khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê. Đặc biệt việc thiết kế nhà cầu đòi hỏi trình độ nghề nghiệp cao. 

Buổi đầu cầu Ngói chỉ là chiếc cầu mái ngói đơn sơ. Về sau mới tu sửa cầu nâng quy mô để hợp với cảnh chùa Phúc Lâm. Lần trùng tu lớn vào năm 1922 làm cho cầu không còn giữ được vẻ nguyên vẹn phong cách kiến trúc ban đầu nhưng vẫn là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa độc đáo của đất Nam Định nói riêng và vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung./.

Đọc thêm