Âm nhạc không cần so sánh, chỉ cần chạm đến trái tim

(PLO) - Khi Lê Thiện Hiếu chỉ mới trình bày một đoạn của bài hát “Ông bà anh”, tiếng reo hò đã vang lên từ phía khán  giả và các vị giám khảo. Một bài hát với ca từ mộc mạc, giai điệu nhẹ nhàng, đơn giản nhưng lại trở thành một “hiện tượng” trong mấy ngày qua, tất cả cũng chỉ bởi một lý do rất giản dị: chạm tới trái tim người nghe.
Nhạc sĩ Phạm Hồng Phước cạnh em gái khuyết tật – người đã tạo cảm hứng cho sáng tác “Đã có anh hai” đầy xúc động.
Nhạc sĩ Phạm Hồng Phước cạnh em gái khuyết tật – người đã tạo cảm hứng cho sáng tác “Đã có anh hai” đầy xúc động.

Khi những người trẻ sáng tác

Những ngày vừa qua, ca khúc “thống trị” lượt nghe trên mạng xã hội lẫn các quán café, có lẽ không khác ngoài “Ông bà anh”, ca khúc lần đầu được trình làng trong một cuộc thi truyền hình thực tế. Giai điệu, có lẽ không có quá nhiều điều để nói, bởi phần nhạc nhẹ nhàng, rộn ràng và trẻ trung, không sử dụng nhiều kĩ thuật. “Ông bà anh” chinh phục người nghe chính ở phần lời. Đây không chỉ là lời một bài hát, một câu chuyện nhỏ được một người con trai kể cho người con gái mình yêu nghe. “Ông bà anh đưa nhau đi khắp phố xa/ Bà ngồi trên gác baga chiếc xe đạp tróc sơn/ Ông mua tặng bà anh 1 đóa hoa/ Và đó là món quà đầu tiên”. Một cách kể chuyện rất giản dị nhưng chân thành. Tình yêu của một thời đã qua được tái hiện trong bài hát với vẻ đẹp dung dị mà đầy chân thành, bởi những chi tiết nhỏ nhưng cảm động: chạm tay nhau một giây thôi, là nhớ nhau cả đời!

Câu chuyện như thế đã tồn tại từ lâu trong đời sống này, nhưng dường như đã bị lãng quên và Lê Thiện Hiếu chỉ làm một “động tác” nhỏ, đó là kể lại nó trong bài hát của mình. Đơn giản thế thôi, nhưng nó làm trái tim bao người thổn thức. Những thế hệ trung niên nhớ về quá khứ, những người trẻ giật mình nhìn vào tình yêu của mình trong hiện tại và thở dài.

Cùng tham gia một chương trình truyền hình thực tế với Lê Thiện Hiếu, nhạc sĩ trẻ Phạm Hồng Phước đã khiến người nghe xúc động đến rơi nước mắt với sáng tác lần đầu thổ lộ của anh “Đã có anh hai”. Câu chuyện về đứa em gái đôi mươi vẫn không dám bước chân ra đời vì không biết nghe, biết nói và tình yêu thương vô điều kiện, sự chở che của người anh đối với em gái khuyết tật đã khiến rất nhiều thính giả rung động trước những điều đẹp đẽ, trước tình người…

Nhạc trẻ không có nghĩa là rẻ tiền

Khá nhiều người luôn giữ cho mình thói quen chỉ trích. Nói về âm nhạc đương đại, không ít người, trong đó có cả những nhạc sĩ gạo cội, cho rằng đó chỉ là âm nhạc dành cho “bọn trẻ”, và thời kì rực rỡ nhất của âm nhạc Việt Nam đã đi qua, đã thuộc về dĩ vãng, với bolero, tiền chiến, làn sóng xanh… mà đã quên dành thời gian lắng nghe và tiếp nhận để thấy bao cung thanh tuyệt vời mà những người sáng tác trẻ đương đại đã và đang đem đến cho nền âm nhạc Việt Nam. Biết bao người Hà Nội đã ngân nga khúc hát nên thơ của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đức Cường để thêm yêu thủ đô mình đang sống: “Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu bao ánh đèn, ngồi ăn một quán ven đường, Hà Nội nhẹ nhàng ấm áp,dịu dàng đậm chất thơ…” (Nồng nàn Hà Nội). Những ông bố trẻ mượn những câu hát mạnh mẽ để dạy con: “Mai đây con mạnh mẽ hơn nhiều/ Mai đây con chở che cho biết bao điều/ Cho ước mơ của mẹ, cho nỗi đau của mẹ/ Theo ba chăm sóc con nghe” (Ba kể con nghe – Nguyễn Hải Phong).

Có thể, giữa những nhạc sĩ các thế hệ, cách nhìn nhận về cuộc sống khá khác nhau. Nhưng có những giá trị là không thay đổi. Có khác là, với những người trẻ sau này, cách nhìn nhận cuộc sống có phần đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn và thực tế hơn của một thế hệ hậu chiến và không còn lắm nỗi gian nan. Các nhạc sĩ trẻ đương đại đã đem vào âm nhạc của mình những khoảnh khắc quá đỗi giản dị của ngày thường như “Sáng sớm thức dậy trong lòng bỗng thấy nao nao/ Bụng dạ càng thấy cồn cào, ngoài trời gió vẫn xôn xao/ Ta mong một tách trà bên mẹ cha/ Ta mong một ngày nắng mới lên” (Uống trà – Phạm Toàn Thắng). Hay cái “điên rồ” đáng yêu của tuổi trẻ như “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” (Vì tôi còn sống – Tiên Tiên).

Không ít người thường có ý chê và đánh đồng “nhạc trẻ” với nhạc thị trường. Thực chất, ở bất cứ thời đại nào, nhạc thị trường cũng đều tồn tại, phục vụ cho thị hiếu của một tầng lớp khán giả. Nhưng nhạc của những người trẻ vẫn luôn chứa trong mình nhiều giá trị đẹp đẽ, bởi chính những sáng tác của nhạc sĩ trẻ hơn ai hết mới mang hơi thở của đời sống đương đại. Phạm Toàn Thắng, Nguyễn Hải Phong, Tiên Tiên, Nguyễn Văn Chung, Phạm Hồng Phước, Lê Cát Trọng Lý… đã đem tinh thần của mình và những người trẻ để tạo nên những ca khúc có nhiều giá trị vượt ra ngoài một tác phẩm âm nhạc. Không ít ca khúc nhìn nhận được cả những thực trạng cuộc sống, xoáy sâu vào đó những cảm xúc mạnh mẽ, giúp người trẻ thức tỉnh, sống tốt đẹp hơn.

Cho đến nay, những cuộc tranh luận nhạc già – nhạc trẻ, nhạc bình dân- nhạc sang… vẫn diễn ra triền miên giữa những người trong và ngoài nghề. Mới đây, người ta vẫn thấy những nhạc sĩ thế hệ trước đăng đàn chê bai nhạc trẻ và những nhạc sĩ sau này cất tiếng dè bỉu nhạc vàng… Ai cũng hết lời bảo vệ lý lẽ của mình mà quên mất một điều, trong âm nhạc không có đúng, sai. Mỗi dòng nhạc đều mang hơi thở của thời đại mình, phản ánh những tâm tư, đời sống tình cảm, tinh thần của con người trong thời đại ấy. Không có thước đo nào có thể giúp so sánh chính xác cho âm nhạc ở các thế hệ khác nhau. Và thực chất, không cần và không nên so sánh. 

Âm nhạc chỉ cần sự cảm nhận, chỉ cần chạm đến trái tim người nghe. Thế là đủ!