“Ăn” gì sau hiệu ứng King Kong?

(PLO) - Chúng ta đã hào hứng đón đoàn làm phim “bom tấn": “Kong: Skull Island” đến Quảng Bình. Nhưng để làm gì, nếu không có chiến lược thực sự để tận dụng cơ hội quảng bá, đưa “vương quốc hang động” ra trước tầm mắt thế giới?
Phong cảnh như tranh vẽ của khu vực hệ thống hang động Tú Làn – một trong những bối cảnh của “Kong: Skull Island”. Ảnh: Công ty Oxalis
Phong cảnh như tranh vẽ của khu vực hệ thống hang động Tú Làn – một trong những bối cảnh của “Kong: Skull Island”. Ảnh: Công ty Oxalis

Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là xu hướng không mới trên thế giới. Ngay khu vực Đông Nam Á, tiêu biểu có Thái Lan và Indonesia. Bởi họ hiểu rất rõ, việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh sẽ góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người ra thế giới nhanh chóng và hiệu nghiệm mà hiếm có loại hình nào sánh bằng.

Bỡ ngỡ trước hiệu ứng King Kong

Tại Việt Nam, quảng bá du lịch thông qua điện ảnh và làm du lịch “ăn theo” điện ảnh còn rất lạ lẫm. Dù Việt Nam chưa phải là điểm đến của hàng loạt phim Hollywood như ở Thái Lan, Philippines, Indonesia… nhưng cũng là sự lựa chọn của không ít phim nổi tiếng thế giới như “Đông Dương”, “Người tình”, “Người Mỹ trầm lặng”… và phim truyền hình của các đài nước ngoài quay ở Hội An, Huế, Phong Nha…

Dẫu vậy, ngành du lịch lại không có bất kỳ kế hoạch nào trong việc tận dụng sức ảnh hưởng của phim để quảng bá điểm đến. Phim chiếu xong, mọi thứ rơi vào quên lãng một cách phung phí. Không hẳn là không có du khách nước ngoài đến những phim trường này, nhưng chẳng qua họ tới Việt Nam và tiện thể tìm đến một vài điểm thuận tiện để hồi tưởng lại quá khứ…

Tháng 2 vừa qua, khi đoàn làm phim King Kong đến Quảng Bình, phía Tổng cục Du lịch vẫn chưa có kế hoạch gì cụ thể để quảng bá du lịch Việt Nam nhân cơ hội hiếm có này. Định hướng thông tin, tuyên truyền, một cuộc họp báo cho thông tấn, báo chí trong nước cũng không hề có.

Ngày 21/2, trước khi đoàn đến chưa đầy một ngày, các phóng viên thường trú tại tỉnh này mới nhận được tin nhắn thông báo từ Sở Thông tin và Truyền thông về lịch trình đoàn xuống sân bay để tham gia đưa tin.

Đó là một ê kíp sản xuất phim hùng hậu cả về phương tiện kỹ thuật lẫn người của Hãng Legendary Pictures từ kinh đô điện ảnh Hollywood đến và chọn hang Chuột, thuộc hệ thống hang động Tú Làn (xã Tân Hóa), hồ Yên Phú (xã Trung Hóa) và đèo Đá Đẽo (xã Thượng Hóa) của huyện Minh Hóa làm bối cảnh bấm máy sản xuất phim. Lần đầu, Việt Nam đón một đoàn phim Hollywood có quy mô với dàn sao nổi tiếng như thế.

Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động” với hệ sinh thái và địa chất địa mạo của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, có hang động kỳ vĩ nhất thế giới Sơn Đoòng. Ngoài ra, tỉnh này còn sở hữu bờ biển đẹp thơ mộng, nhiều di sản văn hóa, lịch sử, phong cảnh non nước hữu tình…

Việc đoàn phim không chọn Sơn Đoòng như nhiều người dự đoán cũng khẳng định với thế giới rằng, Quảng Bình không chỉ có Phong Nha – Kẻ Bàng mà còn có rất nhiều những cảnh đẹp không thua kém khác đang chờ đợi sự khám phá.

Các địa danh mà đoàn phim “Kong: Skull Island” chọn làm bối cảnh bấm máy còn ít người biết đến. Ngoại trừ hang Chuột nằm trong hệ thống hang động Tú Làn đã được đưa vào tour khai thác du lịch khám phá đã được quảng bá ít nhiều do nỗ lực đáng ghi nhận của cá nhân Công ty Oxalis – đơn vị khai thác tuor này.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts phải thốt lên rằng: “Quảng Bình có những cảnh đẹp đến khó tin, tôi yêu ngay từ lần đầu tiên và không thể quên”. Trên Facebook và Instagram cá nhân của đạo diễn này, tài tử kỳ cựu Samuel Jackson, nữ diễn viên chính Brie Larson cùng nhiều thành viên trong đoàn liên tục cập nhật các trạng thái, hình ảnh phong cảnh non nước hữu tình, hang động kỳ vĩ, làng quê yên bình nơi đây và nhận được hàng trăm nghìn lượt like (thích), bình luận của người hâm mộ trên toàn thế giới.

Khi những cảnh quay cuối tại hang Chuột vẫn đang diễn ra, mạng báo chí quốc tế xuất hiện hình ảnh nữ diễn viên chính Brie Larson vừa xuống sân bay Los Angeles (Mỹ) để dự Lễ trao giải Oscar lần thứ 88 tại đây.

Đặc biệt, “thiên thần tóc vàng” này bước đi tự tin tại Mỹ trong chiếc áo phông trắng, phía trước in dòng chữ “Kỷ niệm du lịch Phong Nha Quảng Bình”. Chỉ có thế mà hình ảnh về mảnh đất Quảng Bình từ tận bán đảo Đông Dương xa xôi đã để lại được ấn tượng khắp thế giới.

Hang động lớn nhất thế thế giới Sơn Đoòng kỳ vĩ tráng lệ, báu vật du lịch của Quảng Bình. Ảnh: Ryan Deboodt
Hang động lớn nhất thế thế giới Sơn Đoòng kỳ vĩ tráng lệ, báu vật du lịch của Quảng Bình. Ảnh: Ryan Deboodt

“Muốn sung rụng phải chủ động rung cây” 

Chưa bàn đến sự thành công hay thất bại của siêu phẩm “Kong: Skull Island” sẽ thế nào, nhưng rõ ràng hiệu ứng mà nó mang lại vô cùng to lớn, là cơ hội vàng mà thế giới mang lại cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng. Lần này, chính bản thân kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood đã tự tìm đến quảng cáo cho du lịch Quảng Bình và Việt Nam.Điều mà chúng ta có chồng lên cả núi tiền cũng không chắc có được kết quả như vậy.

Có thể cảm nhận sức nóng ngay từ khi đoàn làm phim đến Quảng Bình. Nhưng dường như chẳng mấy ai nhắc đến việc ngành du lịch sẽ làm gì sau khi đoàn làm phim rời đi. Kiểm tra khắp các báo lẫn trang mạng của ngành Du lịch, cũng chẳng tìm được thông tin về kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch, ngoài vài ý kiến dựng tượng King Kong và xin lại phần đuôi máy bay rơi trong phim để làm điểm du lịch phim trường nhưng cũng không cụ thể, rõ ràng.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hiện tại chúng ta chưa thể có một tác động gì. Vì khi ký kết, hãng phim không cho thông tin, không cho công bố phim trường vì đảm bảo bí mật cho nội dung phim đến phút chót và cũng không để lại bất cứ thứ gì. Ở phim trường, chúng ta có thể làm tour du lịch giới thiệu, nhưng tất cả vẫn đang được nghiên cứu phù hợp. Bởi nếu làm rầm rộ quá dễ tạo tâm lý xấu cho các đoàn phim khác về sau. Tất cả vẫn đang còn là ý tưởng bàn bạc trong nội bộ Sở và chưa trình ra một cơ quan nào khác”.  

Cũng theo ông Kỳ, phía đoàn làm phim cũng hứa sẽ hỗ trợ một số tài liệu và hình ảnh trong phim được bấm máy tại Quảng Bình, nhưng phải chờ khi phim được công chiếu.

Dẫu biết tháng 3/2017 là thời gian dự kiến công bố “siêu phẩm” này, nhưng đừng ảo tưởng nó sẽ mang tới cho Việt Nam và Quảng Bình một làn sóng du khách mới. “Muốn sung rụng xuống phải chủ động rung cây”, ngồi im thì khó thành công được. Hãy xem phim ảnh chỉ là chất xúc tác. Để “Kong: Skull Island” không trôi vào quên lãng thì ngay bây giờ, Tổng cục Du lịch phải có một kế hoạch dài hơi và cùng bắt tay với địa phương để quảng bá chứ không phải kiểu chụp giật.

Các cảnh quay của phim nên được giới thiệu trong các hội chợ du lịch quốc tế, các diễn đàn, sự kiện quảng bá du lịch; đưa hình ảnh nơi từng làm phim trường vào các tờ rơi quảng cáo; doanh nghiệp lữ hành dùng hình ảnh này đưa vào tour tuyến quảng bá, giới thiệu với đối tác nước ngoài…

Ngành Du lịch cần phải hoàn thiện hơn để tận dụng hiệu quả từ Hollywood mang lại. Chẳng mấy du khách đến đâu khi bản thân chúng ta chưa thật sự chuyên nghiệp trong dịch vụ; an toàn cho du khách còn chưa đảm bảo với nạn cướp giật, “chặt chém” vẫn còn đe dọa…

Cũng cần học hỏi phong cách làm việc chuyên nghiệp của đoàn làm phim qua đầu tư hệ thống giao thông, phương tiện vận chuyển người, chi tiền để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, họ rút đi sau khi hoàn thành các cảnh quay và không để lại gì, dù chỉ là mẩu rác nhỏ.