'Ăn theo' Kong: Đảo Đầu lâu nhưng đừng để 'mất giá'

(PLO) - Rạp chiếu phim quốc gia mấy hôm nay cứ 15 phút thì sẽ có một suất chiếu phim “Kong: Đảo Đầu lâu” nhưng liên tục hết vé, nhất là vào thời điểm buổi tối từ 19h – 22h.
'Ăn theo' Kong: Đảo Đầu lâu nhưng đừng để 'mất giá'

Sở dĩ xuất hiện tình trạng này là trước đó các “cò mồi” đã vào mua rất nhiều vé sau đó thực hiện hình thức kinh doanh lại với giá hời. Điển hình như tối chủ nhật vừa qua, khi mà bộ phim đã đi vào ngày chiếu thứ 3 ở Việt Nam lại rơi đúng vào dịp cuối tuần nên lượng khách đến mua vé tăng vọt, thế nhưng nhiều người xem đi từ chiều vẫn không thể mua được vé dù là suất chiếu muộn nhất.

Quan sát của phóng viên nhận được, sẽ có một nhóm “cò mồi” chuyên đứng trước cửa rao bán vé. Nếu như giá vé phim 2D là 70.000 đồng thì vào thời điểm đó giá được bán tại cổng là 200.000 đồng. Sau đó khi sát giờ thì giá vé sẽ hạ xuống còn 150.000 đồng, sau đó sẽ là 100.000 đồng và cuối cùng là bằng giá vé phòng vé của rạp bán ra, trong khi các bộ phim khác giá vé chênh lệch chỉ  là 20 – 30.000 đồng. 

Việc khách hàng vẫn chấp nhận giá “cắt cổ” để được vào xem phim do sức ảnh hưởng về độ “hot” của phim là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn là nạn “cò mồi” xuất hiện quá nhiều ở rạp nhưng không một bộ phận chức năng nào của rạp có biện pháp xử lý và ngăn chặn, nhiều khi còn bắt gặp “cò mồi” đứng bán vé ngay bên cạnh bảo vệ của rạp hoặc vào tận khu vực bên trong của rạp để  chào mời khách.

Rạp chiếu phim quốc gia là một trong rất nhiều rạp xuất hiện tình trạng này trong một thời gian dài. Để tránh tình trạng lộn xộn trước cổng rạp, giá vé “đen” đẩy lên cao quá mức và đưa người mua vào thế buộc phải mua vé “chợ đen” thì đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có phương án kế hoạch chấm dứt tình trạng này bởi nhu cầu xem phim của người dân đang ngày một tăng cao.

Xây dựng nhiều hình tượng Kong - làm quá hóa… nhàm. Hiệu ứng phim “Kong: Đảo Đầu lâu” mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành giải trí và du lịch Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Điều đáng hoan nghênh là các nhà đầu tư và ngành văn hóa trong nước đã bắt đầu có những động thái tích cực nhằm tận dụng cơ hội này phát triển du lịch cũng như quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè thế giới. 

Điển hình nhất là mới đây nhất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản đề nghị UBND Hà Nội tạo điều kiện dựng phối cảnh 3D bộ phim tại một điểm nổi bật trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm, để người dân Thủ đô và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm.

Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân. Một mặt mọi người cho rằng việc Ninh Bình, Quảng Bình xây dựng tượng King Kong tại phim trường thì sẽ có mối tương quan hơn so với Hà Nội bởi thực chất Hà Nội không xuất hiện trong bối cảnh phim nên việc tượng Kong xuất hiện ở Hà Nội là điều không hợp lý. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng khu vực Hồ Gươm là nơi có mật độ người dân đông đúc, việc xuất hiện như vậy sẽ chiếm không gian rất nhiều và nó sẽ không có ý nghĩa về lâu về dài.

Đứng trước nhiều ý kiến phản hồi của người dân, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phát biểu trước báo chí rằng, Hồ Hoàn Kiếm là khu vực đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, cần hết sức thận trọng xem xét khi tổ chức các hoạt động. Ông Tiến cũng cho biết đơn vị đã thống nhất với quận Hoàn Kiếm và báo cáo với UBND Hà Nội việc dựng mô hình 3D King Kong quanh Hồ Gươm là không phù hợp.

Những câu chuyện về Kong cho thấy việc “ăn theo” phim để nhân cơ hội phát triển du lịch cũng như quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè thế giới là điều tốt. Nhưng làm như thế nào để không bị mang tiếng, “mất giá” như hành động của các rạp phim và đề xuất chưa phù hợp của ngành Văn hóa vừa qua thì cần phải suy nghĩ.