Ảo thuật Việt Nam có tuổi nhưng bao giờ có tên?

(PLO) - Hiện nghề ảo thuật Việt Nam tuy “có tuổi” nhưng lại “chưa có tên”, chưa thực sự định vị đẳng cấp của mình, vẫn không thoát khỏi “cái bóng” của xiếc. 
Ảo thuật Việt Nam có tuổi nhưng bao giờ có tên?
Chua xót “tiết mục lót”
Ảo thuật không chỉ đòi hỏi sự nhanh nhẹn, chuẩn xác mà còn phải có duyên như nghệ sĩ hài đang làm trò vui. Các ảo thuật gia phải khéo léo chuyển đổi giữa cái ảo và cái thực. Cái thực mà khán giả thấy được chỉ có 50%, còn lại là bí mật của nhà ảo thuật. 
Giá trị ảo thuật trên sân khấu chính là ở sự bí mật, ma thuật, kỳ bí. Đạo cụ có thể mua được nhưng phong cách biểu diễn, bản lĩnh sân khấu thì không phải ai cũng đạt được. Mất rất nhiều công tập luyện nhưng ảo thuật gia luôn phải chịu nhiều thiệt thòi.
Ảo thuật gia Diệp Bảo Hiệp ở TP.Hồ Chí Minh từng chạnh lòng: “Nghề làm ảo thuật vốn dĩ từ lâu đã được xem là bạc bẽo, mặc dù sự gian truân, vất vả hiểm nguy luôn ở mức cao. Mải miết đi mãi, diễn mãi rồi cũng chỉ có hai bàn tay trắng quay về. Cái được duy nhất có chăng chỉ là những tràng pháo tay giòn giã của khán giả. Họ không quan tâm và cũng chẳng bao giờ nhìn thấy giọt mồ hôi, thậm chí cả máu người nghệ sĩ phía  sau sân khấu”. 
Vì luôn bị coi là “tiết mục lót”, “lấp chỗ trống” cho các chương trình tạp kỹ nên các ảo thuật gia luôn bị trả tiền cát sê “bọt bèo”, khó có thể đủ tiền chi phí đầu tư dụng cụ và chất xám. Ảo thuật gia David Hùng cười chua xót: “30 năm đi diễn, vợ tôi chưa bao giờ cầm được tiền thù lao biểu diễn ảo thuật của tôi, vì tất cả đều trút vào mua sắm, sản xuất dụng cụ biểu diễn, có khi còn xin thêm tiền nhà để đắp vào chi phí mua sắm dụng cụ”. 
Có một nghịch lý là nếu một ca sĩ đi hát, cho dù chỉ có được một vài ca khúc ăn khách, họ có thể kiếm sống 10 năm; còn ảo thuật gia tập luyện một tiết mục có khi mất một năm, đầu tư kinh phí vài chục triệu đồng nhưng chỉ diễn vài ba suất đã bị xem là cũ. Chỉ là “tiết mục lót”, không có sân chơi chuyên nghiệp, ảo thuật gia sống “lay lắt”. Họ ít có điều kiện sáng tạo những tiết mục “hoành tráng” do tiền đầu tư quá cao, lại vất vả khi vận chuyển dụng cụ biểu diễn.
Ảo thuật gia 9x Nam Nie.
 Ảo thuật gia 9x Nam Nie
Cát sê thấp lại bị đối xử bất công nên khó có thể “níu” được các “phù thủy” trên sân khấu. Có lẽ vì vậy, các bạn trẻ hiện nay thích nghề làm ảo thuật nhưng không bền bỉ với nghề. Họ học nhưng mau nản và ít có sự đầu tư, phát triển nghề. 
Ảo thuật Việt từ thập niên 70 thế kỷ trước đã có những tên tuổi lừng lẫy, tạo được dấu ấn đối với khán giả trong và ngoài nước như: Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khuyến, Tony Quang, NSƯT Nguyễn Đức Trường (tức Z27), Nguyễn Kim, Thanh Trúc, Ngọc Phước, Hoàng Biếu… 
Nhưng đến nay, khi thế hệ “vàng” của ảo thuật sắp lui vào dĩ vãng, vẫn chưa có thế hệ tiếp nối và viễn cảnh của bộ môn nghệ thuật giải trí này xem ra còn quá mịt mờ.
“Đại hội ảo thuật” có làm nên chuyện?
Việt Nam có rất nhiều chương trình truyền hình thực tế tìm tòi phát hiện tài năng, khơi dậy sức sống cho nhiều loại hình nghệ thuật như “Giọng hát Việt”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “Hòa âm ánh sáng”... nhưng chưa hề có một sân chơi dành riêng cho ảo thuật. Từ sự thiệt thòi đó, Công ty HeartLink.,JSC đã mở sân chơi dành cho hàng nghìn nhà “phù thủy” trên cả nước với một cuộc thi truyền hình thực tế mang tên “Đại hội ảo thuật”. 
Các ảo thuật gia sẽ tham gia thi với nhiều hình thức khác nhau qua 4 vòng thi, tại các địa điểm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Dự kiến, “Đại hội ảo thuật” bắt đầu phát sóng từ tháng 7/2015 - 1/2016. Với môi trường biểu diễn đa dạng có thể trên sân khấu và ngoài sân khấu, giải thưởng có trị giá lớn đến 50 triệu đồng. 
Đây là một chương trình truyền hình thực tế dài kỳ sẽ giúp các ảo thuật gia chuyên nghiệp hay đường phố có cơ hội thể hiện khả năng của bản thân với bộ môn này. Hiện nay đã có khoảng 300 ảo thuật gia trên toàn quốc đăng ký tham gia dự thi tại “Đại hội ảo thuật”.
Có “đất” của riêng mình, các ảo thuật gia đang ngày đêm dốc lòng chuẩn bị các tiết mục đặc sắc tạo thành một câu chuyện chứ không dừng lại ở  khái niệm trò ảo thuật. Nhiều câu chuyện, nhân vật cổ tích được dàn dựng thành các kịch bản ảo thuật công phu. Chẳng hạn “Vua Hùng kén rể” kể chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh qua các màn ảo thuật kết hợp võ thuật, múa, nhảy, âm thanh, ánh sáng… 
Ảo thuật gia Lê Bình hồ hởi: “Chúng tôi sẽ thực hiện một số tiết mục hoành tráng, thậm chí lạ với thế giới, mang tính giải trí cao, hiện đại”.
Đổ mồ hôi luyện tập, các ảo thuật gia Việt Nam ước mơ một ngày gần đây, ảo thuật Việt Nam chiếm được trái tim khán giả và vươn ra được với thế giới. Ước mơ đó liệu có chỉ là ước mơ?

Đọc thêm