Bạch Diệp, ngày mai trời sẽ xanh...

(PLVN) - “Khi đàn chim bay đi/ Chuyến xe mùa đông đổ dốc/ Một giây khắc lãng quên êm ái/ Mùa qua hiên nhà”. Bây giờ đang là những thời khắc cuối cùng chuyển từ năm Canh Tý sang năm Tân Sửu. Đọc thơ Bạch Diệp (Trần Bạch Diệp), tôi ngỡ như mùa xuân đang thủ thỉ, “Ngày mai trời sẽ xanh” (Giao mùa).
Nhà thơ Trần Bạch Diệp.
Nhà thơ Trần Bạch Diệp.

Tôi chưa gặp nhà thơ Bạch Diệp. Nhưng tôi đã đọc về chị khá nhiều trên trang cá nhân, trên báo chuyên về văn chương. Tôi nhớ mãi, nhà thơ đàn anh, một thi nhân đích thực là Hoàng Vũ Thuật, hay nhắc đến Bạch Diệp.

Theo nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, thơ Bạch Diệp lạ. Ông trân quý giọng điệu. Về điểm này, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật giống tri kỷ của ông là nhà thơ, nhạc sỹ quá cố Nguyễn Trọng Tạo. Ngoài cống hiến cho văn học nghệ thuật, hai ông luôn chú ý phát hiện tài năng, động viên, cổ vũ, thậm chí theo dõi hành trình “dấn thân” của họ với tất cả lắng lo và tự hào.

Vì sao tôi dùng từ “lắng lo”? Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật từng tiếc đến “đứt ruột” một “giọng” thơ nữ khác của Quảng Bình, ông đã đích thân tìm hiểu khích lệ nhưng nhiều năm rồi không thấy xuất hiện trở lại.

Bạch Diệp trong trái tim Hoàng Vũ Thuật được nâng niu thánh thiện!

Nói đến văn chương, hẳn ai cũng biết câu rất cũ, nằm trong thư tịch cổ: Văn là người. Tuy nhiên, lời người xưa luôn mới. Vì thế, tôi hay tìm người, qua tác phẩm. Đọc thơ văn, thơ của các tác giả nữ, để hiểu hơn “thế giới đàn bà”. Viết về các cung bậc tình cảm của phụ nữ, về thân phận nữ giới, chắc chắn nam giới khó có thể tinh tế hơn.

Đọc thơ Bạch Diệp cùng với thơ các nữ nhà thơ khác, trước hết tôi nhằm thỏa mãn sự tò mò ấy. Thưa thực, “đi qua cuộc đời đàn ông vẫn không thể hiểu hết dòng sông đàn bà”. Thơ có thể giúp những người đàn ông hiểu thêm phụ nữ, để nâng niu trước hết người phụ nữ của mình.

Tháng 10 năm 2020, trong những ngày mưa lũ miền Trung, tôi nhận được tập thơ “Mùa Bạch Diệp”, NXB Hội Nhà văn, quý 3/2020. Cầm tập thơ, bìa cứng, sang trọng, gồm 50 bài thơ, 120 trang in trên tay, tôi khá xúc động. Nhận được “Mùa Bạch Diệp” mới biết trước đó, tác giả đã in 2 tập “Vũ điệu lam”, (NXB Văn học, năm 2011) và “Tùng gai”, (NXB Văn học, năm 2014).

Dẫu vậy nhưng nhà thơ Yến Thanh trong bài “Chân dung người đàn bà khóc khi đang nhóm bếp” cho biết “Bạch Diệp là một người đến trễ trong ngôi đền thi ca”. Chính Yến Thanh gợi ý cho tôi bài nào đọc trước, bài nào đọc sau trong “Mùa Bạch Diệp”.

“Mùa đông mở những chiếc hộp/ một hàng cây ánh sáng/ một cánh cửa gỗ/ nàng kéo rèm/ trút gió/ ngân rung khúc Giáng sinh” (Đừng khóc khi nhóm bếp). Điều thú vị, là khi tôi viết cảm nhận về thơ Bạch Diệp, đúng thời điểm chị làm bài thơ này, trước “thềm” Giáng sinh. Thú vị hơn, cái cách Bạch Diệp “bước” vào bài thơ, triển khai tứ khác lạ.

Sau những hình ảnh có thật nhưng lại ẩn dụ cho những điều vô thức. “nàng nằm co/ trông như con mèo phơi nắng/ xuôi như tiếng vọng/ làm dấu thánh thầm một cái tên”. Trong bài thơ có nhiều từ chỉ gặp nơi Thánh đường: dấu thánh, lời kinh...  Lời kinh Bạch Diệp nghe được không phải trong ngày Thánh lễ Giáng sinh mà “cất lên từ những trang thơ”. Tứ thơ “Đừng khóc khi nhóm bếp” phát triển theo tâm lý của nhân vật, và cuối cùng là: “họ/ những người đàn ông không biết/ làm gì trước sự im lặng của tiếng chuông”. 

Với những tín đồ đạo Thiên chúa, chắc hẳn đó là sự trừng phạt của Chúa, không khác gì bị Chúa rút phép “thông công”. Còn với những người đàn ông, chắc chắn ban đầu bị ném vào bối rối, trước khi nhận ra thảm họa, mất người phụ nữ của mình. Tôi cứ phân vân, tại sao Bạch Diệp chọn ngữ cảnh là góc bếp? Bếp đối với người phụ nữ trong gia đình cũng là “không gian” và biểu tượng của hạnh phúc ấm áp.

Chúng ta đang phấn đấu “bình đẳng giới” về các mặt, nhưng cũng dễ nhận diện dáng dấp của một xã hội phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ chưa mất đi, người phụ nữ còn thua thiệt nhiều lắm. Bạch Diệp nhận ra, nhưng với chị, tất cả điều đó ẩn giấu sau những hình ảnh ngỡ như vi vô:

...

thời gian như chiếc lá

vớt nhầm hạnh phúc khổ đau

dấu vết này là vĩnh cửu

những lời đã thốt hôm qua

(Thì thầm)

“Những người đàn bà khi yêu/ Đều muốn làm điều đẹp nhất với một chút hư hỏng/ thánh thiện/ Luôn là mèo ướt, là lá cỏ mềm, là sương mưa...”. Bạch Diệp đã nói thay người phụ nữ bằng ngôn ngữ riêng của chị. “Chút hư hỏng thánh thiện” là gì? Mấy người đàn ông hiểu được? Nếu thế, trong đời sống người đàn bà đã không có những giọt nước mắt đêm. Cuộc đời người phụ nữ, phải gánh chịu nhiều nỗi bất công.

“Từ khung cửa em nhìn cô ấy khóc. Chẳng thể ôm lấy vai người đàn bà xa lạ của anh/ chẳng thể gọi tên anh/ Em đứng trân tượng đá”. Đây là khổ kết bài thơ “Hôm qua cô ấy khóc”. Bài thơ thức tỉnh “thế giới đàn ông” vốn ưa sở hữu, tham lam, ích kỷ và đuểnh đoảng không giới hạn. Tôi chắc là “em” rơi giọt nước mắt còn đớn đau hơn bội phần “người đàn bà xa lạ của anh”, dẫu “em đứng trân như tượng đá”. Đàn bà thấu cảm đàn bà và rất nhân văn trong thấu cảm.

Bìa tác phẩm “Mùa Bạch Diệp”.
 Bìa tác phẩm “Mùa Bạch Diệp”.

“Ngay cả tiếng khóc trong thơ, Bạch Diệp cũng gần như tiết chế đến mức im lặng. Sức mạnh và sự quyến rũ trong thơ chị chính là sự tiết chế, để đạt được cảnh giới đó, trong cuộc đời phải là người chấp nhận những hy sinh” (Yến Thanh: Chân dung người đàn bà khóc khi đang nhóm bếp). Nhận xét của nhà thơ Yến Thanh thật đúng.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật viết trên trang cá nhân: “Tôi đang có trong tay “Mùa Bạch Diệp”. Tập thơ hay đấy là ngọn gió vô thức? Mỗi lần đọc chị, tôi đều mang mang cảm giác ấy. Nội lực gì trong chị mỗi khi chạm vào chữ, như chạm vào sợi dây đàn nguyệt không tên? Tôi không tin chị đang miệt mài làm ra những câu thơ, niềm tin lâu nay ai cũng cầu mong có được... Thơ chị là hơi thở hẫng hụt, lời nói của lặng im, bức tranh không màu. Chị như đang ẩn dụ chính mình, đang là biểu tượng của biểu tượng, vô ngôn mà hữu ngôn, vô thanh mà hữu thanh”.

Bạch Diệp sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng Lệ Thủy, nơi có con sông Kiến Giang hiền hòa, giăng mình như hò khoan. Chị bảo, lên năm, lên sáu đã “lội ruộng”. Thế nhưng, nơi lập nghiệp của chị là Huế. Tôi có cảm giác, Huế chọn chị chứ không ngược lại. Đọc “Mùa Bạch Diệp”, không chỉ gặp một tác giả có phong cách thơ khác biệt, khó lẫn, mà còn nhận ra một Bạch Diệp sương khói, mờ ảo, nhẹ nhàng như mây, thổn thức như chuông đổ. 

Thơ Bạch Diệp, đàn bà đẹp cả khi sợ hãi, lắng lo, khi khóc... Đó là những giọt yêu của một tín đồ trước “tôn giáo” tình yêu. 

....

em chẳng phải quẩn quanh trước nhà thờ

hớp từng ngụm khi qua môi

lạnh và nóng

ngọt và đắng và cay

vị nào cũng có anh

như cái cách nhớ anh

rất nghẹn

(Nỗi sợ)

*

**

Bản chất của thơ là kiệm lời, vì vậy, việc tạo độ nén cho thơ là cần thiết với người làm thơ. Còn độc giả, việc giải nén thơ là cách tìm đến những phần chìm đằng sau lớp sóng ngôn từ mà bản thân bề mặt văn bản thơ chưa nói hết. Nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh đã đưa ra một khái niệm về khoảng lặng trong thơ. Đọc thơ Bạch Diệp thấy rõ những khoảng trắng của "không gian văn bản" được sử dụng hữu hiệu như một dấu lặng trong âm nhạc. 

Chính những “dấu lặng” làm cho “văn bản” của Bạch Diệp đầy tính mở, để người đọc tự cảm nhận, liên tưởng như lúc nghe những bản nhạc không lời kinh điển. “...em không thể đợi hoàng hôn/ muộn cùng những vì sao”,“đêm qua/ vừa đêm qua/ biển cong như một cái khoát tay...”, “con còng biển bò ra/ từ cái hang nhỏ xíu/ tìm tự do dưới ánh trăng/ ngơ ngác/ như em/ đập cánh hải âu vài giờ” (Hay là chúng ta ra biển).

Đọc bài thơ này và xuyên suốt “Mùa Bạch Diệp” sẽ thấy phương thức “khoảng trống” ma mị. Thơ mà không cố là thơ, nó là cánh đồng ngơ ngác của vô ngôn, là những hạt nước được đẩy lên từ lòng núi trinh khiết, thanh sạch. Bạch Diệp, nghĩa là màu trắng. Phải chăng vì thế, vận vào thơ chị, mỏng mảnh, sương khói?

“Tôi không tham vọng để lại dấu vết về sự tồn tại của mình cùng thơ. Tôi viết để trò chuyện với mình, để giữ lại giấc mơ của một đứa trẻ chạy dọc con đường ray đầy gió, một người đàn bà lặng lẽ đi vòng qua những chiếc ghế qua quảng trường”, Bạch Diệp tự bạch.

Để “trò chuyện với mình”, câu này nhiều người đã nói. Nhưng đọc “Mùa Bạch Diệp” thấy cách “trò chuyện với mình” của chị thật đặc biệt. Không để người khác biết, một cách hết sức thủ thỉ, siêu hình, siêu âm... Chị đã chép những tiếng thủ thỉ ấy thành những tiết tấu, giai điệu trong “Mùa Bạch Diệp”. Lắng nghe, nhấm nháp vị “mùa” tùy thuộc nhu cầu giải mã những bí mật của mỗi người đọc.

Đọc thêm