Bất ngờ với 60 tác phẩm đặc sắc của họa sĩ U80 Phạm Lực

(PLO) - “Bút Lực” giới thiệu tới công chúng 60 tác phẩm đặc sắc của họa sĩ U80- Phạm Lực được chọn lọc từ bộ sưu tập đồ sộ khoảng 700 bức tranh của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Triển lãm "Bút Lực" mở cửa tự do từ ngày 20/4 đến hết ngày 20/5/2018 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội).
Bất ngờ với 60 tác phẩm đặc sắc của họa sĩ U80 Phạm Lực

Ngày 20/4/2018, Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA khai mạc triển lãm “Bút Lực”, giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của họa sĩ Phạm Lực- một trong những gương mặt cá tính của hội họa Việt Nam.

Hơn 60 tác phẩm đặc sắc của họa sĩ Phạm Lực được chọn lọc từ bộ sưu tập đồ sộ khoảng 700 bức tranh của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội. Các tác phẩm được sáng tác trải dài từ năm 1963 đến năm 2017, thuộc nhiều đề tài khác nhau, thể hiện trên nhiều chất liệu, phần nào lột tả được thế giới hội họa đa chiều của hoạ sĩ.


Các bức tranh thể hiện bút pháp tài hoa, năng lượng sáng tạo dồi dào không ngừng nghỉ đồng thời khái quát dấu ấn thị giác mạnh mẽ của Phạm Lực - người hoạ sĩ, chiến sĩ luôn sáng tác trong mọi hoàn cảnh.

Ngoài yếu tố thị giác, nét đẹp trong tranh của họa sĩ Phạm Lực còn nằm ở chính nội dung xuyên suốt. Đó là sự song hành của những cảm xúc mộng mơ, khao khát hoà bình, tự do và ký ức chiến tranh. Bên cạnh đề tài chiến tranh quen thuộc của một họa sĩ quân nhân, họa sĩ Phạm Lực còn ghi dấu ấn với những tác phẩm bình dị, gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam như phong cảnh nông thôn, tình mẫu tử, chân dung người phụ nữ, sinh hoạt thường nhật.


Phạm Lực vẽ nhiều, quá nhiều. Ông lao động cuồng nhiệt, nhanh và cuồn cuộn như người dư thừa năng lượng, không xả van bớt thì sẽ quá ngưỡng, tràn bờ. Vẽ nhanh nhưng không ẩu bởi ông có tạo hình vững và tư duy bố cục mạch lạc, hiện đại. Cũng khó để định lượng phong cách của ông bởi bút pháp Phạm Lực khá đa dạng, nhìn ở loạt này có thể thấy chút gì đó ảnh hưởng từ Van Gốc, loạt kia mang âm hưởng lập thể kiểu Pi-cát-xô, tuy nhiên tựu trung vẫn chính là con người của ông, vâm váp mà bạo dạn, đầy chuyển động linh hoạt trong mỗi đường nét. Phạm Lực vẽ phố cũng nhiều, nhưng dứt khoát không phải Phố Phái, không bị ảnh hưởng bởi bậc thầy đi trước. Phố của Phạm Lực không nâu trầm cố hữu, mà căng cứng chật chội, như thiếu nữ xuân thì…

Chia sẻ về những tác phẩm trưng bày lần này, hoạ sĩ Phạm Lực cho biết ông vô cùng xúc động. "Tôi thực sự xúc động khi nhìn lại những tác phẩm của mình từ nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng. Có những tác phẩm rất rất lâu tôi mới nhìn lại, có khi từ lúc nó ra khỏi nhà tôi, giờ tôi mới có cơ hội nhìn lại, bao ký ức ùa về như chỉ mới đây thôi còn ngồi bên toan vẽ", hoạ sĩ Phạm Lực chia sẻ.

Họa sĩ Phạm Lực học trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960 - 1965), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1977. Ông gia nhập quân ngũ suốt 35 năm, chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi đi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam Bộ... Ông là họa sĩ duy nhất có câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình, với hơn 100 thành viên, tập trung hơn 6.000 tác phẩm. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) là thành viên tích cực, từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm về tranh Phạm Lực kết nối những người yêu hội hoạ. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng chủ yếu ông sưu tầm tranh của hoạ sĩ Phạm Lực. Ông quyết định mang tranh của mình trưng bày ở triển lãm lần này để kỷ niệm người anh kết nghĩa tròn 75 tuổi.

"Hoạ sĩ Phạm Lực tròn 75 tuổi nhưng ông đã có 70 năm cầm cọ. Đó là khoảng thời gian rất dài của đời người nghệ sĩ", Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cảm nhận được tranh của hoạ sĩ Phạm Lực luôn có một sự phá cách đặc biệt, là sự kết hợp giữa kỹ thuật tranh của phương Tây và Việt Nam. "Tranh của Phạm Lực rất Việt Nam, từ những câu chuyện Tấm Cám cho tới Nghêu Sò Ốc Hến đều hiển hiện trong tranh của ông. Ông vẽ phiên chợ vùng cao cứ như là một lễ hội ở làng nào đó, rất đặc biệt", Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cảm nhận. 

Đọc thêm