BCRA chưa nhận gì từ Guinness về Sơn Đoòng

(PLO) - Đó là khẳng định của ông Howard Limbert – Trưởng đoàn thám hiểm hang động, thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) sau khi có thông tin cho rằng, danh hiệu hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao cho BCRA.
BCRA chưa nhận gì từ Guinness về Sơn Đoòng

Vừa qua, ông Howard và BCRA cũng đã gửi thư riêng cho ông Nguyễn Châu Á – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Oxalis – đơn vị duy nhất đến hiện tại được quyền khai thác các tour thám hiểm vào hang động lớn nhất thế giới – Sơn Đoòng để nhờ ông Nguyễn Châu Á giải thích hộ với UBND tỉnh Quảng Bình và dư luận.

Nỗi lòng của BCRA

Những ngày qua, thông tin về việc Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao chứng nhận kỷ lục hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng cho BCRA được nhiều tờ báo thông tin nhưng không hề ghi rõ nguồn thông tin được xác thực từ đâu. Thông qua ông Nguyễn Châu Á, Howard Limbert và BCRA muốn nói rằng, phía BCRA  không nhận bất cứ chứng nhận gì từ Guinness về hang Sơn Đoòng. Và thông tin sai lệch trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của BCRA.

Cụ thể, qua thư bằng tiếng Anh mà Howard Limbert đại diện cho BCRA gửi cho ông Nguyễn Châu Á, có nội dung được dịch lại như sau: “Tôi biết nói gì đây, Guinness chưa bao giờ liên lạc với BCRA hay bản thân tôi cả. Chúng tôi chưa bao giờ nghe đến chứng nhận kỷ lục Guinness, và đương nhiên là chưa bao giờ nhận được. Tuy nhiên, nếu chúng tôi có nhận được thì chúng tôi sẽ chuyển ngay cho UBND tỉnh…”.

Ông Nguyễn Châu Á nói rằng: “Vì những thông tin trên mà nhiều ngày qua đã làm cho Howard Limbert và BCRA rất buồn lòng”. 

Chẳng ai lấy mất Sơn Đoòng!

Theo tìm hiểu của PLVN, lộ trình ghi nhận của Guinness đối với Sơn Đoòng trong sách Guinness thế giới xuất phát từ năm 2009. Khi BCRA và NatGeo (viết tắt của Nationnal Geographic – một hệ thống truyền hình phim tài liệu được Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ sản xuất) công bố Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới thì Guinness đã liên lạc để tham khảo thông tin.

Đến năm 2013, lần đầu tiên Sơn Đoòng  được Tổ chức Guinness ghi vào cuốn Sách kỷ lục Guinness World Records và ghi nhận đây là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới với đầy đủ thông tin về địa chỉ và tên người phát hiện.

Vào năm 2014, một cuộc tranh luận về tiêu chí để trở thành hang động lớn nhất thế giới như: chiều dài, chiều rộng, chiều cao hay thể tích... đã xảy ra và hang Sơn Đoòng cũng có tên trong danh sách tổng hợp.

Và đến năm 2015, cuốn sách này tiếp tục được ghi vào cuốn Sách kỷ lục Guinness World Records, Sơn Đoòng vẫn giữ vị trí là hang tự nhiên lớn nhất thế giới về thể tích (35,8 triệu mét khối), tuy nhiên thông tin về sự ghi nhận có phần ít lại. Ông Châu Á lý giải rằng: “Vì mỗi cuốn Guinness chỉ cập nhật tối đa 4.000 kỷ lục cho mỗi lần ra sách nên Sơn Đoòng bị rút ngắn thông tin. Nhưng hiện tại trên website chính thức của Guinness, Sơn Đoòng vẫn giữ kỷ lục và có các thông tin rất đầy đủ”.

 

Trên websiter của Guinness, tổ chức này không trao chứng nhận kỷ lục cho những kỷ lục thuộc về tự nhiên mà họ chỉ trao cho các thành tích cá nhân, hay những công trình nhân tạo. Guinness ghi chú rằng, các hang động này là Guinness tự tham khảo nguồn từ các nhà khoa học, các viện nghiên cứu để ghi danh vào sách kỷ lục chứ họ không nhận đơn xác lập kỷ lục từ cá nhân hay tổ chức.

Thiết nghĩ, nếu bây giờ Sơn Đoòng vẫn đang là một ẩn số trong hang sâu cùng cốc, không có sự dày công khám phá, đo đạc để có được những con số chi tiết về Sơn Đoòng như dài hơn 8,5km, cao trung bình hơn 200m, rộng 150m, thể tích 38,5 triệu mét khối của Howard Limbert và các thành viên BCRA thì thử hỏi, lấy đâu ra cái gọi là sự vinh danh kỷ lục hay chứng nhận gì gì đó Guinness.

Tính đến nay, BCRA và Howard Limbert đã có 26 năm gắn bó với việc khảo sát, thám hiểm hang động trong lòng Phong Nha – Kẻ Bàng của Quảng Bình, nơi có khối núi đá vôi lớn nhất Đông Dương và khám phá, công bố ra thế giới hơn 200 hang động lớn, nhỏ. Để Quảng Bình được vinh danh là “vương quốc hang động”, hẳn có phần công lao không nhỏ của BCRA.

Đáng nể phục hơn, trong 26 năm qua, BCRA bỏ thời gian cá nhân và tự trang trải kinh phí để làm việc mà không đòi hỏi ai phải chi trả cho họ đồng nào. Họ cống hiến hết sức lực của mình chỉ với một đích duy nhất, để thỏa niềm đam mê khảo sát, khám phá và chinh phục hang động. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có một cách nhìn nhận đúng về họ…

Cho nên có thể khẳng định những lời “đồn đại” về việc BCRA lấy đi chứng nhận kỷ lục Sơn Đoòng của Việt Nam là vô căn cứ. Kéo theo đó, không ít người thuộc giới chức trách, cả những người ở đầu ngành du lịch không hiểu sự tình, qua phỏng vấn của báo chí đã hô hào “đòi lại” kỷ lục cho Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Đọc thêm