Bên trong 3 quán cà phê hoài cổ ở Hà Nội

Cuối Ngõ, Nhà Sàn hay Trịnh Ca là điểm dừng chân thú vị dành cho những vị khách ưa thích sự hoài cổ, nhẹ nhàng và tĩnh lặng.
Đồ uống hay đồ ăn vặt của Nhà Sàn cũng được thay đổi và bổ sung thường xuyên với mức giá chỉ từ 20.000 đến 35.000 đồng. Ảnh: Hương Chi
Đồ uống hay đồ ăn vặt của Nhà Sàn cũng được thay đổi và bổ sung thường xuyên với mức giá chỉ từ 20.000 đến 35.000 đồng. Ảnh: Hương Chi
Không gian cà phê cổ xưa cùng những vật dụng gợi nhớ một thời đã qua của Hà Nội trong những ngõ phố khuất của 3 quán cà phê là địa điểm quen của không ít người Hà Nội.
Cuối Ngõ
Đến với Cuối Ngõ, bạn sẽ có cảm giác như đang đến thăm một người bạn cũ giữa quê nhà, với sân gạch đỏ đằng sau cánh cổng rêu phong nhuốm màu thời gian, ngôi nhà ngói phủ đầy bóng mát của cây xanh, bàn ghế trúc giản dị và những bức tường vôi đã ngả màu, trang trí bằng những bức họa, thư pháp, hoặc tranh sơn dầu… Bao trùm lên không gian xưa cổ ấy là tiếng nhạc Trịnh ngân lên thật khẽ, đủ nghe, gợi sự xưa vắng đến nao lòng.
Vào mỗi tối thứ 6 hàng tuần, Cuối Ngõ thường tổ chức đêm nhạc, thực khách khi đến đây sẽ được phiêu cùng tiếng violin và guitar trong những tình khúc của Trịnh Công Sơn hay những bài hát nhớ về Hà Nội.
Đến với Cuối Ngõ, tránh xa sự xô bồ náo nhiệt ngoài kia, con người như chững lại, ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc đời. Ảnh: Cà phê Cuối Ngõ
Đến với Cuối Ngõ, tránh xa sự xô bồ náo nhiệt ngoài kia, con người như chững lại, ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc đời. Ảnh: Cà phê Cuối Ngõ 
Nhà Sàn
Nếu lần đầu đến với Nhà Sàn, bạn sẽ phải lòng vòng mất một lúc mới tìm ra bởi bên ngoài quán không mấy nổi bật, lại nằm trong ngõ vắng bên cạnh trục đường Bưởi nhưng là một nơi lí tưởng cho những ai muốn tìm không gian yên bình, tĩnh lặng. Cà phê Nhà Sàn có tiền thân từ Nhà Sàn Studio, thành lập năm 1997, nơi được xem là không gian nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam.
Quán khá rộng rãi, được thiết kế theo phong cách dân gian Việt Nam với nhà sàn, mái ngói, tường mộc, bàn ghế gỗ cổ xưa. Tất cả vật dụng trang trí, dù là từng chi tiết nhỏ cũng gợi lên hình ảnh một ngôi nhà Việt cổ những thập niên trước, với tông màu chủ đạo là nâu trầm.
Đến quán, bạn có thể thưởng thức đồ uống, và ngắm ngía "bảo tàng đồ cổ" đầy nghệ thuật. Ảnh: emdep
Đến quán, bạn có thể thưởng thức đồ uống, và ngắm ngía "bảo tàng đồ cổ" đầy nghệ thuật. Ảnh: emdep 
Nhà Sàn được chủ quán thuê lại để mở quán cà phê từ tháng 4/2014 và điều đặc biệt là trong khung cảnh bụi bặm của toàn bộ khu nhà thì những đồ đạc bố trí bên trong quán đều gây ấn tượng với thực khách bởi sự phá cách và tinh tế. Từ những chiếc xe đạp, xe máy cổ, chiếc máy khâu, cánh cửa, đến chai, lọ, mành rèm, cốc đựng đồ uống… đều mang hơi hướng cổ điển.
Trịnh Ca
Ấn tượng đầu tiên của thực khách khi đến với Trịnh Ca là cách bài trí mộc mạc, đơn sơ với bàn ghế gỗ, mây tre, cùng những bức họa nổi tiếng về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Được khởi xướng từ những tâm hồn yêu nhạc Trịnh năm 2006, sau đó được duy trì, phát triển bởi cả một nhóm người yêu thích cafe và ca hát, nhiều Trịnh khách tìm đến quán không chỉ bởi yêu không gian xưa ở đây mà còn vì phải lòng những bài hát nhạc Trịnh đi cùng năm tháng.
Quán thường xuyên tổ chức những đêm nhạc trữ tình theo chủ đề để phục vụ thực khách. Bạn cũng có thể góp vui cùng chủ quán và chia sẻ niềm đam mê âm nhạc bằng cách thể hiện những ca khúc mình yêu thích trên sân khấu nhỏ của Trịnh Ca. Ảnh: Beer
Quán thường xuyên tổ chức những đêm nhạc trữ tình theo chủ đề để phục vụ thực khách. Bạn cũng có thể góp vui cùng chủ quán và chia sẻ niềm đam mê âm nhạc bằng cách thể hiện những ca khúc mình yêu thích trên sân khấu nhỏ của Trịnh Ca. Ảnh: Beer 
Thưởng thức một ly cà phê Vô Thường, Thu Phai, Tình Sầu hay mocktail Biển Nhớ, Mưa Hồng, Diễm Xưa, Nắng Thủy Tinh, Gọi Tên Bốn Mùa… và lắng nghe những ca khúc du dương bất hủ trong không gian thanh tịnh là cách nhiều người tận hưởng buổi tối thư giãn cuối tuần nhẹ nhàng bên những người thương yêu.