Bí ẩn “cây thần” khử...mùi thối xác người.

(PLO) -Người Bali Aga hay Bali Mula sống ở phía Đông đảo Bali xứ Indonesia có một tập tục mộ táng hết sức độc đáo, cũng không kém phần thần bí. 
Bí ẩn “cây thần” khử...mùi thối xác người.

Số là khi người thân qua đời, họ sẽ đặt xác chết ngoài trời và ngay bên dưới một cái cây cổ thụ thần bí. Dân làng tin rằng nhờ “cây thần” này mà xác người quá cố sẽ không tỏa ra mùi thối kinh hoàng trong quá trình tan rữa, và sau khi xác tan hết thịt, người làng sẽ gỡ xương ra đem đi an táng ở một nghĩa địa gần đó. 

Nghĩa địa kỳ lạ

Ketut Blen, người hướng dẫn của chúng tôi, đưa tay chỉ về phía đám xương và đầu lâu còn trơ lại chút quần áo rách te tua đang nằm bên trong một cái khung tre có lợp lá cọ, nói: “Ông anh họ của tôi nằm ở đó kìa. Tôi vẫn thấy bình thường mỗi khi nhìn ổng”.  

Khu nghĩa địa kỳ lạ này nằm ở Trunyan, đảo Bali (Indonesia), nơi người làng từ đời này sang đời khác an táng người quá cố, xác người quá cố được đặt ngoài trời để tự tiêu rã tại một nơi hoang vắng. Được quây kín bởi sườn núi dốc và rừng già bạt ngàn, khu nghĩa địa nằm ngay trên bờ của một hồ nước rộng vốn là một miệng núi lửa.

Trên hòn đảo nơi người Bali theo Ấn Độ giáo có tục hỏa táng người chết thì hình thức an táng của người Bali Aga ở Trunyan xem ra quá đỗi kỳ quặc. Theo lời Ketut Blen, người Bali Aga thường sinh sống chủ yếu trong các ngôi làng cô lập đặt ở nơi xa xôi, hẻo lánh phía Đông Bắc đảo Bali, một số là những cư dân có gốc gác cổ xưa nhất trên đảo Bali. Người Trunyan có niên đại ít nhất là từ năm 911 sau Công Nguyên. 

Những cái dù che xác người quá cố, nằm dưới tán “cây thần”
Những cái dù che xác người quá cố, nằm dưới tán “cây thần” 

Giống như phần lớn cư dân bản địa Bali khác, người Bali Aga cũng theo Ấn Độ giáo, song mỗi cụm làng mạc như cụm làng Trunyan thì lại có những nghi thức và niềm tin tôn giáo riêng. Ở cụm làng Tenganan – ngôi làng Bali Aga nổi tiếng nhất – phụ nữ đã có chồng sẽ được dệt quần áo làm từ tre và thân cây ma thuật tước nhỏ.

Ở cụm làng Trunyan, sau khi người quá cố qua đời, người làng sẽ dùng roi mây đánh vào cái xác và để xác tự động tan rã trong nắng mưa. 

Tập tục khó hiểu

Theo giải thích của hướng dẫn viên Ketut Blen, có tới 2 nghĩa địa khác nhau ở cụm làng Trunyan, một nơi nơi lưu giữ thân xác người quá cố sau khi hoàn tất “hành trình nhân thế”. Ketut Blen giải thích rằng: “Mọi người đều được kết hôn khi họ qua đời. Những người chết trước khi lập gia đình hay chết đuối trong hồ thì chúng tôi sẽ đặt lên mặt đất”.

Tôn giáo ở cụm làng Trunyan thậm chí còn đa sắc hơn so với thuyết Tại làng Trunyan còn có một ngôi đền thờ lớn và 11 ngôi đền nhỏ vây quanh, trong đó có 11 xác chết được “phơi bày” ngoài nghĩa địa. 

Vị trí đặt xác chết là ngay bên dưới một ngọn núi lửa đang hoạt động, trên bờ hồ của một miệng núi lửa. Ngọn núi lửa tên là Batur, một nơi đã định hình nên niềm tin về sự sống và cái chết trong suốt hàng thế kỷ qua.

Thủa ban đầu con người rất sợ núi lửa, còn giờ đây người ta xác định núi lửa chính là thần Brahma theo Ấn Độ giáo và vì thế, xác chết sẽ được đặt ngoài trời cho thối rữa từ từ.

Số 11 có một ý nghĩa rất phong phú trong Ấn Độ giáo, vì thế có đúng 11 cái lồng bằng tre và cọ đặt trong nghĩa địa; nếu một khi những cái lồng này chứa đầy xác thì người làng sẽ gỡ những bộ hài cốt lâu năm nhất đem đi táng ở một nghĩa địa. 

Quần thể đền tháp của người làng Trunyan
Quần thể đền tháp của người làng Trunyan 

Cũng có đôi khi những cái xác tự dưng “biến mất”, mà thường là xương người “mất tích”, và người làng cho rằng “tác giả” gây ra chuyện này là những con khỉ tinh quái trong các cánh rừng già thường xuyên mò xuống những nơi mà tín đồ dâng cúng phẩm vật cho các chư thần và người quá cố.

Hòa trong đám lộn xộn của những xác người chết và thực phẩm vương vãi khắp nơi, nơi đây để lại một bầu khí tĩnh lặng đến kỳ lạ: Không hề có mùi xú uế thường thấy khi xác phân hủy. Những cái xác được che bởi những cây dù và cho ăn vận trang phục tề chỉnh, nằm yên tĩnh như đang ngủ.

Những hộp sọ xuyên thấu, diễn đạt lại hành trình của họ sang thế giới u minh. “Khách mới” của khu nghĩa địa này là một Mangku – tiếng địa phương chỉ tù trưởng của làng Trunyan, qua đời 26 ngày trước; còn người anh họ của Ketut Blen đã nằm tại nghĩa địa  từ vài tháng nay. 

“Cây thần” khử mùi tử thi?

Bởi vì người quá cố chỉ được mang đến nghĩa địa và đền thờ vào những ngày tốt lành, nên gia đình của người quá cố sẽ quyên góp tiền bạc cho đám tang, và như vậy một số xác sẽ được quàn tại nhà vài ngày hoặc kéo dài vài tuần. Dân làng sử dụng formaldehyde nhằm ngăn chặn xác người thân của họ thối rữa trong khi chờ đợi quyên góp đủ tiền. 

Ngôi làng sườn đồi Puser, một phần của cụm làng Trunyan, cũng có một nghĩa địa lộ thiên, với các tử thi chỉ cách chúng tôi độ 100 mét. Nhưng khi chúng tôi bước chân vào nghĩa địa Trunyan thì lạ chưa, chả hề ngửi thấy mùi gì cả.

Chúng tôi đảo mắt nhìn vào một cái lồng lá cọ, xoáy vào cái hộp sọ với đôi mắt trống rỗng và kèm những miếng thịt chưa tan rã hết, và cảm nhận mùi của những chiếc răng bị sâu. Có lẽ nào việc người Bali Aga dùng nhiều dung dịch formaldehyde quá nên xác chết không còn mùi hôi nữa? Bên cạnh những cái lồng xác là một cây thân rêu cao chót vót trông hao hao như một cây đa cổ thụ đứng hiên ngang trong nghĩa trang lộng gió.

Dân làng tin rằng loài cây mà họ gọi bằng cái tên “Taru Menyan” hay “cây thơm” có một thứ quyền năng bí ẩn có thể làm mất mùi hôi thối của các xác chết đang thối rữa. Ketut Darmayasa, một người bạn của anh hướng dẫn Ketut Blen quả quyết: “Cây thần đấy! Ở nhà, có cái xác này là thối ầm trời. Nhưng ở đây, cây này sẽ đánh tan mọi mùi quái gở”. 

Có 11 cái lồng xác chết làm bằng tre, cọ đặt tại nghĩa địa
 Có 11 cái lồng xác chết làm bằng tre, cọ đặt tại nghĩa địa 

Không chỉ có nghi lễ an táng kỳ bí với “cây thần” lạ lùng khiến cho cụm làng Trunyan phủ bức màn huyền bí mà đây còn là nơi diễn ra những lễ hội trọng đại ngay tại “Bale agung”  - một cụm sân rộng.

Mỗi năm một lần, vào khoảng tháng 10, đám thanh niên trẻ trong làng thường vận những bộ y phục truyền thống tinh xảo với lá chuối và khua roi mây tưng bừng trong một vũ điệu lạ lùng có tên là Brutuk, cầu mong thần đền hiển linh, ban phép giúp cho dân làng bình yên.

Khi chúng tôi hỏi hướng dẫn viên Ketut Blen về người anh họ của anh, Blen thì thầm nói với đồng nghiệp Ketut Darmayasa bằng tiếng Bali rồi quay sang nói với chúng tôi: “Anh ấy chỉ buồn ở nhà thôi, còn trong nghĩa địa này, tin rằng anh ấy sẽ vui vẻ, vì trong nền văn hóa chúng tôi, nhất là với người Trunyan cũng như bất kỳ nơi đâu, cái chết và sự buồn thương là một hành vi văn hóa. Ở đây, mọi người sẽ tìm thấy sự thanh thản”.../.