Bí ẩn loài cá lạ của người Mường

(PLO) - Từ nhiều thế hệ nay, người dân bản Mường nơi đây vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá lạ. Suối “cá thần Cẩm Lương” là một sự kết tinh kỳ thú của thiên nhiên và là một sự tích kỳ bí về loài cá thần, chỉ có duy nhất ở Thanh Hóa.
Cá thần Cẩm Lương (nguồn từ internet)
Cá thần Cẩm Lương (nguồn từ internet)

Suối cá thần Cẩm Lương là một bí ẩn chưa có lời giải thích làm thỏa mãn trí tò mò của du khách cũng như con người bản địa. Nét độc đáo, huyền bí của suối cá thần được thiên nhiên ban tặng cho nơi đây từ xa xưa, mà mãi cho đến năm 1993 mới được công nhận di tích lịch sử và di sản văn hóa.

Suối “cá thần” ẩn mình dưới chân núi Trường Sinh, thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa, nơi có 100% là người dân tộc Mường sinh sống, cách dòng sông Mã không đầy 2km. Dòng suối Lương Ngọc bé nhỏ có chiều dài rất khiêm tốn chỉ hơn một trăm mét, chỗ hẹp chỉ có hai mét, chỗ rộng được đến trên ba mét và sâu khoảng 30 - 50cm, nhưng có tới hàng nghìn con cá, nối đuôi nhau thành từng hàng bơi quanh miệng hang đá. Một điều đặc biệt và khó lý giải, dù có hàng nghìn con cá cộng với hàng năm nơi đây đều có lũ chảy qua nhưng nước suối vẫn trong vắt không hề bị đục. 

Người dân tộc Mường ở bản Ngọc gọi loài cá sống trong “suối tiên” này là cá dốc. Cá dốc có phần đầu giống cá chép nhưng thân lại giống cá trắm sông. Theo phân tích của các nhà khoa học, đàn cá dốc ở suối Cẩm Lương thuộc bộ cá chép, tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus, cá quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Ngoài ra, còn có cá chài, cá mại hình thù nhiều hoa văn, màu sắc ấn tượng. Cho đến nay vẫn không ai có thể giải thích được từ đâu mà cá lại có nhiều như thế. Đã có nhiều đoàn khoa học trong nước cũng như quốc tế về đây khảo sát mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Có lẽ, đây là sự kết tinh kỳ bí thiêng liêng của sông núi nơi đây đã tích tụ từ nghìn đời nay mà không có một cơ sở nào để giải thích được.

Theo ông Phạm Hùng Hậu, 51 tuổi,  Trưởng ban quản lý suối cá Cẩm Lương, có một điều kì lạ đó là cá ở đây chỉ quẩn quanh phía bên trên của dòng suối gần hang đá chứ không bao giờ đi xa khỏi khu vực quanh suối. Dù nước suối dâng cao, cá bị trôi ra xa thì cũng sẽ nhớ đường mà bơi về.

Hàng năm, lễ tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối được mở từ ngày 8 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Đông đảo người dân gần xa đến chiêm ngưỡng và cầu may.

Xung quanh suối cá kỳ lạ này có rất nhiều câu chuyện huyền bí được người dân kể lại: Có một đôi vợ chồng làng khác vì đói quá nên đã đến suối bắt “cá thần” về làm thịt. Nhưng khi nấu lên không thấy cá đâu mà chỉ thấy một nồi nước trong veo, vợ chồng họ hoảng sợ quá nên mang lễ vật đến đền Ngọc thờ “Tứ phủ Long Vương” để xin thần cá cùng trời đất ân xá.

Lại có câu chuyện đồn rằng, có một đôi thanh niên từ xa lên xem “cá thần”. Sau đó vì tò mò họ đã dùng đá đánh chết một con cá, trên đường quay trở về, hai thanh niên đó đã gặp tai nạn. Những người dân trong bản đều tin rằng nếu ai trêu đùa, làm hại cá thần hay làm bẩn nước, nhẹ sẽ bị ốm, còn nặng sẽ bị mất mạng.

Do đó, số lượng cá luôn được bảo tồn và tăng thêm rất nhiều, trọng lượng cá trung bình từ 3-5 kg, con to dài đến 50cm. Trong suối có một con cá chúa dài hơn 1m, rất to nhưng gần đây không thấy nữa. Theo người dân kể, cá chúa sống trong hang dưới chân núi, thỉnh thoảng mới bơi ra ngoài.

Một hôm khi xảy ra động đất miệng hang bị sập xuống để lại miệng hang rất bé nên cá chúa từ đó không ra khỏi hang và vẫn sống ẩn bình trong đó. Chính vì sự bí ẩn, những điều kỳ lạ chưa được lý giải mà nơi đây hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, khám phá loài cá lạ này. 

Đọc thêm