Bi hài sáng tạo tác phẩm điêu khắc để làm… dây phơi

(PLO) - KTS còn rầu lòng hơn khi một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc còn bị người dân làm cho nhem nhuốc, luộm thuộm. KST Tiến Thuận kể tận mắt cảnh người dân giặt áo rồi phơi lên trên tác phẩm điêu khắc hay vứt rác bừa bãi quanh đó khiến chúng nhếch nhác, phản cảm.
Các tác phẩm điêu khắc mong được người dân đón nhận, đi vào cuộc sống.
Các tác phẩm điêu khắc mong được người dân đón nhận, đi vào cuộc sống.

Ngoài việc bày các tác phẩm nghệ thuật “được chăng, hay chớ”, lộn xộn tại những nơi công cộng, điều mà các kiến trúc sư băn khoăn đó chính là "đầu ra" sản phẩm. Nhiều nhà điêu khắc khi thấy các tác phẩm “con cưng” của mình sau một thời gian trưng bày triển lãm đều bị đem về nhà “đắp màn” hoặc bỏ lại tại triển lãm.

Trưng bày lộn xộn, giá trị thẩm mỹ bị triệt tiêu

Có thể thấy, tại các không gian công cộng như: công viên, vườn hoa, không gian các tòa nhà chung cư… rất thiếu những tác phẩm điêu khắc. Một vài nơi trưng bày các tác phẩm này lại chen chúc, lộn xộn, thiếu tính thẩm mỹ. 

Cách một thời gian, du khách và người dân Hà Nội được dịp ngắm vườn tượng ở bên cạnh tháp Bút, vườn hoa Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm. 47 tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại đây. Cái đẹp, cái chưa thẩm mỹ được bày chen chúc nhau khiến du khách cảm thấy hơi rối mắt, giá trị thẩm mỹ bị triệt tiêu, khó hiểu hết chủ đề các tác phẩm gửi gắm. Tại các công viên như: Thống Nhất,  Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình có đặt một số tượng điêu khắc nhưng rất hiếm cái nào để lại ấn tượng với người dân và du khách. Các đề tài của tác phẩm điêu khắc hầu hết đều đơn điệu, nhàm chán như: thiếu nữ, chiến sĩ, bông hoa hay mẹ bồng con…

Ngoài công viên đã vậy, tại các không gian lớn tại trụ sở cơ quan, khu đô thị, tòa nhà chung cư cũng chẳng khá khẩm gì. Các tác phẩm điêu khắc cái ngoảnh ra, cái ngoảnh vào, cái thòi, cái thụt trông rất lộn xộn, nhức mắt. Tới nỗi, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải thốt lên: “Tôi đã đi nhiều nước và thấy ở họ có những vườn tượng rất đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc. Rõ ràng nhu cầu của người dân mong muốn có những khu vườn tượng như vậy là có thật. Như ở gần khu nhà tôi, trong tổng thể các nhà cao tầng họ đặt mấy bức tượng thời phục hưng của nước ngoài, người dân tới đây chụp ảnh kỷ niệm rất đông. Tuy nhiên, tôi thấy nó không phù hợp với văn hóa của mình. Trong khi đó, mình thừa khả năng để làm những bức tượng mang đậm nét văn hóa Việt Nam”. 

Mang đi triển lãm, mang về xếp kho!

Tại buổi họp báo về tác phẩm điêu khắc vừa diễn ra tại Hà Nội, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tiến Thuận - Hội KTS Việt Nam tâm sự rằng rất đau lòng khi nhìn thấy một số tòa nhà cao tầng sử dụng những biểu trưng của nước ngoài. “Trong các dự án kiến trúc, chúng tôi muốn có một mục tiêu gì đó thì phần lớn giai đoạn đầu họ làm đúng bản thiết kế, nhưng những công trình phụ, trang trí họ lại làm sau, hoặc không làm nữa khiến nó không đồng bộ”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, tại nhiều khu đô thị mới hiện nay, các chủ đầu tư thường đưa và khu đô thị của mình những công trình sính mác ngoại, không mấy quan tâm đến các tác phẩm điêu khắc nội, mang văn hóa trong nước.

Chưa hết, các KTS còn rầu lòng hơn khi một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc còn bị người dân làm cho nhem nhuốc, luộm thuộm. KST Tiến Thuận kể tận mắt cảnh người dân giặt áo rồi phơi lên trên tác phẩm điêu khắc hay vứt rác bừa bãi quanh đó khiến chúng nhếch nhác, phản cảm.

Ngoài việc bày các tác phẩm nghệ thuật “được chăng, hay chớ”, điều mà các KTS băn khoăn đó chính là nơi… tiêu thụ tác phẩm nghệ thuật này. Nhiều nhà điêu khắc khi thấy các tác phẩm “con cưng” của mình sau một thời gian trưng bày triển lãm đều bị đem... xếp xó. 

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường - nguyên Cục Phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm than thở: “Câu chuyện đầu ra cho các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cũng khiến cho được giới nghệ sĩ rất đau đầu. Nhiều nghệ sĩ sáng tác xong, rồi lại tự thưởng thức, bởi đơn giản họ làm thế để cho thỏa sức sáng tạo của nghệ thuật, của các nghiệp đeo vào thân, không dứt ra được.

Thậm chí, sau triển lãm này, các tác phẩm lại được mang về, bởi không có ai mua, mà cho cũng không ai lấy”. Vài tác phẩm bán được nhưng đó chỉ là con số ít, mang tính động viên. Những tác phẩm to lớn ngoài trời, chiếm nhiều không gian thì nhà điêu khắc đành “tặng không” bỏ lại ở nơi diễn ra triển lãm vì nhà cũng không có chỗ chứa. Ông Duy Biên cũng có nỗi niềm: “Chuyện tác phẩm làm ra rồi để đó, không ra được với công chúng thì phổ biến lắm. Không đâu xa, bản thân tôi cũng xếp đầy nhà các tác phẩm do mình làm”.

Hơn ai hết, các kiến trúc sư mong rằng những tác phẩm điêu khắc của mình được người dân đón nhận. Nhưng ngược lại, người dân cũng mong lắm, giới kiến trúc sư sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, mang đậm hồn cốt văn hóa dân tộc chứ không phải đi vay mượn, copy ý tưởng của nước ngoài. Có vậy, không gian nơi công cộng Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ thêm phần sinh động đầy bản sắc Việt.

Triển lãm Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, toà nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng vừa diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội KTS Việt Nam phối hợp tổ chức. Triển lãm trưng bày 68 tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn từ 578 tác phẩm của 276 tác giả trong cả nước gửi về tham dự “Cuộc vận động sáng tác và Triển lãm tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc ở khuôn viên trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng”.
Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho 15 tác phẩm xuất sắc nhất trong số 68 tác phẩm trưng bày tại triển lãm. 1 giải Nhất được trao cho tác phẩm “Nguồn sống” chất liệu gỗ sơn của tác giả Trần Văn Thược (Ninh Bình). 2 Giải Nhì được trao cho các tác phẩm: “Cánh chim” chất liệu sắt của Vũ Quang Sáng (Hà Nội) và “Trang trí bảo tàng” chất liệu sắt hàn của Lê Thị Tơ (Hà Nội)… Triển lãm kéo dài tới ngày 23/11/2016.