Body painting: Khi da thịt là chất liệu vẽ

(PLO) - Cũng gần giống với body piercing (xiên da), tattoo (xăm mình) nhưng body painting lại được giới nghệ sĩ trên khắp thế giới nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật thực sự. Những năm gần đây, body painting được ưa chuộng sử dụng trong sự kiện quảng bá. Song song với thành công trong việc thu hút khán giả, body painting cũng gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn, cộng đồng.
Body painting: Khi da thịt là chất liệu vẽ
Body painting là gì?
Body painting là một nhánh của nghệ thuật body art (dạng nghệ thuật sử dụng cơ thể làm chất liệu vẽ). Nói cách khác, cơ thể của người mẫu chính là chất liệu vẽ của họa sĩ. Gọi là body painting nhưng đôi khi họa sĩ chỉ vẽ lên một phần cơ thể của người mẫu và sử dụng các chất liệu vẽ khác nhau để hoàn thiện tác phẩm. Chất liệu vẽ body painting phổ biến hiện nay là sơn phun, bông thấm, màu huỳnh quang. 
Body painting là sự kết hợp giữa nghệ thuật trang điểm và hóa trang theo văn hóa của mỗi dân tộc. Hàng năm, nhiều lễ hội về body painting được tổ chức thường niên, trong số đó phải kể đến “The world body painting festival” tại Áo. Lễ hội thu hút sự chú ý của các nghệ sĩ và những người yêu mến bộ môn nghệ thuật này trên khắp thế giới. Những người quan tâm đến nghệ thuật vẫn thường bình luận sôi nổi trên internet mỗi khi sự kiện này diễn ra.
Body painting xuất hiện ở Việt Nam đã lâu nhưng khoảng 3 năm trở lại đây môn nghệ thuật này mới được truyền bá mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông. Nổi lên như một trào lưu nhưng body painting cũng có những họa sĩ theo đuổi lâu năm như Phương Vũ Mạnh, Ngô Lực, Miên Thảo, …
Xu hướng sử dụng body painting hiện nay
Hiện nay, body painting được biết đến rộng rãi trên các phương tiện thông tin ở Việt Nam do việc sử dụng để quảng bá tại các sự kiện, hội chợ, triển lãm ngày càng phổ biến hơn. Theo khảo sát, việc vẽ tranh trên cơ thể người đang trở thành xu hướng quảng cáo của giới doanh nghiệp và ngành giải trí. 
Body painting được coi như công cụ quảng cáo hữu hiệu khi thu hút công chúng và truyền thông mạnh mẽ. Nhiều người mẫu chưa thành danh và thậm chí cả những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng như Đ.T.Trang, P.Vân, H.Ánh cũng thử sức với loại hình nghệ thuật này.
Ở nhiều sự kiện trong thời gian gần đây, ban tổ chức còn chuẩn bị một khu vực cho khán giả thỏa sức vẽ lên cơ thể với màu vẽ huỳnh quang miễn phí. Với hình ảnh trực quan, body painting có thể tác động thị giác mạnh mẽ bằng mắt thường và khiêu khích sự tò mò của nhiều người.  
Body painting cũng thu hút đông đảo lực lượng họa sĩ theo đuổi và nghiên cứu. Theo anh Quốc Hùng, một họa sĩ trẻ từng vẽ nhiều tác phẩm body painting chia sẻ: “Những người mẫu hợp tác với tôi không ngần ngại trong việc “cởi đồ” vì họ rất chuyên nghiệp. Nhưng tôi vẫn thích người mẫu mặc đồ silicon hơn. Chúng tôi đã quá quen với việc vẽ khỏa thân nên chẳng nghĩ gì nhiều. Vẽ body painting có khác vì tiêu tốn rất nhiều sức lực và tiếc là tác phẩm không lưu giữ được lâu. 
Có những buổi tôi vẽ từ 7 giờ sáng cho đến 11 giờ đêm. Người mẫu bị tôi la mắng nhiều, họ cũng không được ngồi vì tác phẩm sẽ bị hỏng. Trong khi vẽ cả họa sĩ lẫn người mẫu đều rất mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng làm xong việc. Mỗi buổi như vậy tiền công của người mẫu là 2 triệu/ngày”.
Ranh giới mỏng manh của nghệ thuật và trần tục
Càng được công chúng biết đến, body painting càng gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Không thể phủ nhận những gì mà body painting đã mang đến cho con người hiện đại. Đó là nghệ thuật trang điểm, hóa trang góp phần hỗ trợ đắc lực cho các ngành nghệ thuật sân khấu và là “mảnh đất” nảy sinh ý tưởng sáng tạo cho họa sĩ. Mặc dù được công nhận là một loại hình nghệ thuật, body painting vẫn còn phát triển manh mún và rải rác do sự hạn chế của nền văn hóa truyền thống.
Hiện nay body painting vẫn còn khó chấp nhận ở nhiều nơi, đặc biệt là những nước Á Đông do những khác biệt về văn hóa. Ở Việt Nam, body painting khá kén người mẫu vì không phải ai cũng chấp nhận việc khỏa thân giữa chốn đông người, lại càng không chấp nhận cảnh họa sĩ xoa màu lên khắp cơ thể.
Ranh giới giữa nghệ thuật và trần tục cũng là điều giới chuyên môn, các tổ chức kiểm duyệt văn hóa luôn tranh cãi và trăn trở khi công bố giới thiệu hay triển lãm loại hình nghệ thuật này. 
Thạc sĩ Đào Nguyên Vũ, giảng viên trường đại học Mỹ thuật cho rằng: “Ranh giới giữa nghệ thuật và trần tục rất mỏng manh. Một tác phẩm đẹp sẽ được cho là nghệ thuật. Ngược lại nếu tác phẩm cẩu thả và làm chưa tới thì sẽ trở nên phản cảm. Nhưng xấu hay đẹp vẫn luôn tùy thuộc vào thẩm mỹ, trình độ của người xem và người đánh giá thì khó có thể rạch ròi đâu là nghệ thuật, đâu là trần tục. 
Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm body painting là “nude” toàn bộ và khoe cơ thể trước đám đông. Nhưng với nhiều nghệ sĩ, họ cho đó là cách thể hiện riêng, đưa ranh giới giữa trần tục và nghệ thuật lên một mức độ khác. 
Có rất nhiều cách sử dụng cơ thể người như một tấm toan vẽ (khung gỗ căng vải để vẽ sơn dầu) sao cho đẹp mà không nhất thiết người mẫu phải cởi toàn bộ quần áo, điều cốt yếu là sự tưởng tượng và nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ. Một tác phẩm hoàn thiện mang tính nghệ thuật hay trần tục đều do tài năng của người làm ra nó mà thôi”./.

Đọc thêm