Bồi hồi, xao xuyến với những bộ phim quay tại xứ sở Bạch Dương

(PLO) - Các diễn viên luôn phải chịu lạnh âm độ trong những cảnh quay. Vì không chịu được lạnh, hầu hết các diễn viên đều bị sốt. Để kịp tiến độ làm phim, họ vừa phải uống thuốc giảm sốt vừa quay.
Một cảnh phim “Tình khúc Bạch Dương”
Một cảnh phim “Tình khúc Bạch Dương”

Rõng rã 3-4 tháng trời, hôm nào dàn diễn viên đều quay từ 5 giờ sáng tới tận 12 giờ đêm. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật gồm cả người Việt và người Nga đã phải đầu tư nhiều công sức để tạo nên “không khí Liên Xô” từ trang phục, đạo cụ và đặc biệt là việc phục dựng hoàn toàn phần nội cảnh các ốp sinh viên, công nhân… Đó là những khó khăn của đoàn phim khi thực hiện những bộ phim “Tình khúc Bạch Dương” và “Mátxcơva- Mùa thay lá”.

Tái hiện cuộc sống, chuyện tình tại xứ sở Bạch Dương

“Tình khúc Bạch Dương” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Tình khúc Lavandado” của nhóm cựu sinh viên Khoa Nga của ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nay là ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội sáng tác, được NXB Lao Động ấn hành năm 2014 và tái bản năm 2015. Bộ phim khai thác về cuộc sống của người Việt tại nước Nga. Bối cảnh của phim quay ngược về quá khứ từ những năm 1980, khi có hàng nghìn sinh viên Việt Nam được cử sang Liên bang Nga học tập và câu chuyện cứ thế kéo dài cho đến hiện tại.

Phim quy tụ nhiều diễn viên quen thuộc, như: Chi Bảo, Thanh Mai, Lê Vũ Long, Công Lý, Kiều Anh... cùng một số gương mặt trẻ đang được giới trẻ yêu thích như: Nhã Phương, hot boy Bình An, Hải Anh, Huỳnh Anh, Minh Trang, Hồng Loan, Quang Tuấn... “Tình khúc Bạch Dương” sẽ được phát sóng lúc 20h45 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1, bắt đầu từ ngày 25/1/2018.

Cũng về đề tài cuộc sống, tình yêu ở Nga, đúng một năm trước, “Mátxcơva- Mùa thay lá” của Trung tâm sản xuất phim truyền hình được trình chiếu trên truyền hình được hàng triệu khán giả say đắm. “Matxcơva - Mùa thay lá” kể về câu chuyện tình yêu giữa những bạn trẻ đang sinh sống, học tập tại Nga... đã khơi gợi những ký ức đẹp đẽ và lãng mạn của nhiều thế hệ Việt gắn bó với “xứ sở cây bạch dương”. Quảng trường Đỏ, đồi Lênin, tàu điện thủ đô Moscow, văn học Nga và đặc biệt là những lá vàng rơi đẹp đến nao lòng trong mùa thay lá khiến những ai từng sinh sống, học tập, làm việc hoặc du lịch ở Nga đều cảm thấy xao xuyến.

Việc thực hiện những bộ phim truyền hình ở Việt Nam đã khó, thực hiện bộ phim ở nước ngoài còn khó gấp ba, gấp bốn lần. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - cho biết: “Đây là dự án đầu tư ấp ủ 7 năm trời. Trung tâm sản xuất phim truyền hình đã dồn toàn bộ nhân lực “chất” nhất cho bộ phim, trong đó có hai đạo diễn “triệu view” Vũ Trường Khoa - người đã tạo nên thành công cho Sống chung với mẹ chồng- và Nguyễn Mai Hiền - một trong hai đạo diễn của “bom tấn” Người phán xử”.

Hàng chục diễn viên, hàng tấn thiết bị rong ruổi trên xứ người

Khi tiến hành sản xuất “Tình khúc Bạch Dương”, đoàn phim đã dành hơn 3 tháng để tổ chức các cảnh quay kỳ công ở nhiều thành phố cách nhau hàng ngàn cây số của Liên Bang Nga. Ngoài Moscow, đoàn phim với hơn 3 tấn thiết bị, đạo cụ, phục trang đã di chuyển hàng nghìn cây số đến St. Petersburg, Krasnodar, Tula, Klin... để thực hiện các cảnh quay. Để thực hiện những cảnh mang hình ảnh đặc trưng 4 mùa của xứ sở Bạch Dương, đoàn làm phim đã trở lại Nga nhiều lần.

Đội ngũ thiết kế mỹ thuật gồm cả người Việt và người Nga đã phải đầu tư nhiều công sức để tạo nên “không khí Liên Xô” từ trang phục, đạo cụ và đặc biệt là việc phục dựng hoàn toàn phần nội cảnh các ốp sinh viên, công nhân. Trong phim, khán giả sẽ thấy lại hình ảnh các du học sinh, công nhân Việt Nam sang Liên Xô (cũ) học tập, lao động. Nhiều bối cảnh được kỳ công phục dựng như những ốp sinh viên, ốp công nhân, những cửa hàng ký gửi, các vật dụng như nồi áp suất, bàn là, quạt, áo phông, quần bò…

Các diễn viên luôn phải chịu lạnh âm độ trong những cảnh quay. Vì không chịu được lạnh, hầu hết các diễn viên đều bị sốt. Để kịp tiến độ làm phim, họ vừa phải uống thuốc giảm sốt vừa quay. Ròng rã 3-4 tháng trời, hôm nào dàn diễn viên cũng đều quay từ 5 giờ sáng tới tận 12 giờ đêm.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ thêm: “Tình khúc Bạch Dương” không chỉ đầu tư về tiền bạc, nhân lực mà còn nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt tâm không thể đo đếm được của các nghệ sĩ, diễn viên, của những người yêu quý nghệ thuật, yêu quý nước Nga…  Đạo diễn Trọng Trinh cũng tâm sự khó khăn khi thực hiện bộ phim “Mátxcơva- Mùa thay lá”. Sự thay đổi thất thường của thời tiết giao mùa, ngày nắng của mùa thu với nhiệt độ là gần 20 độ, nhưng đến tối và đêm trở về thời tiết mùa đông, nhiệt độ chỉ 5 đến 6 độ, rất lạnh khiến đoàn làm phim đã gặp không ít trở ngại. Một khó khăn nữa đối với ê kíp đoàn làm phim đó là bối cảnh quay.

“Ở nước Nga, việc cấp phép quay những địa điểm nơi công cộng hay địa danh du lịch họ làm cực kỳ nghiêm. Có những bối cảnh khi tôi và đạo diễn Thanh Hải đi chọn trước đó đã đồng ý, nhưng khi quay trở lại, họ lại từ chối và cấp phép sang địa điểm khác. Vì vậy mà kịch bản bộ phim liên tục bị thay đổi, đến phút chót đến thành phố Matxcơva, ekip vẫn phải sửa đổi kịch bản” - đạo diễn Trọng Trinh cho biết.

Vất vả là vậy nhưng theo NSƯT Đỗ Thanh Hải  thì “Ước muốn cao nhất là tạo ra món ăn tinh thần mới lạ, độc đáo dành tặng hàng triệu khán giả truyền hình qua những bộ phim về nước Nga. Chúng tôi hy vọng những bộ phim phần nào khơi gợi những ký ức đẹp đẽ và lãng mạn của nhiều thế hệ Việt gắn bó với xứ sở Bạch Dương.”- NSƯT Đỗ Thanh Hải bày tỏ.