Bối rối như múa rối nước ở Sài Gòn

(PLO) - Ở TP HCM, một số hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian và dân gian đương đại được duy trì nhằm phục vụ nhu cầu du lịch và thưởng lãm của người dân. Với khách nước ngoài, đây là những điểm nhấn mới mẻ trong dịp đến TP HCM, nhưng những người dân sinh sống tại đây thì vẫn còn... thờ ơ lắm.
Bối rối như múa rối nước ở Sài Gòn
Thêm một lựa chọn mới
Mới đây, khán giả Sài Gòn một phen háo hức đón sự ra mắt của Đoàn múa rối nước Sài Gòn. Những năm gần đây, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian bắt đầu “có đất sống” ở mảnh đất phương Nam sôi động và hiện đại này. Với tên gọi chính thức là Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Sài Gòn, Đoàn đã chính thức ra mắt vào ngày 24/5 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Đoàn thuộc Cty TNHH Nghệ thuật - Giải trí Sài Gòn. Hiện Đoàn có gần 10 nghệ nhân được đào tạo tại miền Bắc. 
Theo kế hoạch, chương trình biểu diễn thường xuyên của Đoàn rối nước sẽ gồm  hai phần, dựa trên 11 trò cổ tiêu biểu của múa rối nước như: Tễu, Múa rồng, Lân tranh cầu, Múa chim loan phượng, Nông nghiệp, Cáo bắt vịt, Ðốt đuốc, Ðánh cá trên sông, Bơi, Bát âm, Tứ linh. Độ dài chương trình ước tính từ 30 - 50 phút gồm chương trình biểu diễn lưu động và chương trình diễn tại địa điểm cố định (nhà văn hóa, bảo tàng, khu du lịch...) để phục vụ khách nước ngoài, các chương trình kết hợp du lịch...
Sắp tới, vào các ngày 31/5, 1 và 2/6, với sự hỗ trợ của Nhà Thiếu nhi TP.HCM, Đoàn sẽ có các suất diễn miễn phí phục vụ các em thiếu nhi. Ngoài 11 trò cổ tiêu biểu của rối nước, êkip thực hiện đang xây dựng và dự kiến cuối năm cho ra mắt hai vở rối nước mới: Bác Ba Phi và Thần đồng đất Việt.
Tất nhiên đây không phải chương trình múa rối nước duy nhất tại Sài Gòn. Ở TP.HCM, hiện tại có 3 địa điểm phục vụ múa rối nước như Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng (Q.1), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Q.1), Thảo Điền Village (Q.2). Tuy nhiên, thêm một chương trình múa rối được dàn dựng, đầu tư công phu sẽ làm phong phú thêm sự thưởng thức nghệ thuật dân gian. 
Với các em nhỏ, đây là dịp để các em tìm hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống mà hầu như chỉ nghe qua sách vở. Đặc biệt, thông qua nội dung của chương trình rối nước cũng là kênh để giáo dục các em những bài học sống, những tích cổ và cả những câu chuyện lịch sử của đất nước.
Bên cạnh đó, thêm một chương trình nghệ thuật dân gian xuất hiện ở Sài Gòn tức là thêm một sự lựa chọn thú vị về thưởng lãm văn hóa cho du khách và người nước ngoài khi đến với Việt Nam. Hiện nay, nói về đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân Sài Gòn và nhu cầu nghe nhìn của du khách, khách nước ngoài, chỉ có “À Ố show”- một chương trình kịch xiếc dân gian đương đại ra đời hơn hai năm nay bởi Lune Entertainment, cạnh đó là các chương trình rối nước được biểu diễn định kì tại ba địa điểm nói trên ở TP.HCM.
Khách nước ngoài thích thú với rối nước thu nhỏ.
Khách nước ngoài thích thú với rối nước thu nhỏ. 
Gian nan hút khách
Với du khách, múa rối nước hay kịch xiếc quả thật là những điều thú vị hàng đầu trong nghệ thuật biểu diễn khi họ đặt chân đến Sài Gòn. Nhưng với cư dân bản địa, để các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian và dân gian đương đại đi vào đời sống của họ như một món ăn tinh thần quen thuộc không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài “À Ố show” với tính chất đương đại và đặc sắc về cách dàn dựng, thể hiện thì múa rối nước chưa thực sự thu hút sự quan tâm của người dân. 
Tại các sân khấu múa rối nước ở TP, khách xem hầu hết vẫn là người nước ngoài, thi thoảng có vài đoàn thiếu nhi được nhà trường tổ chức đi xem. Người quản lý một đơn vị biểu diễn múa rối hoạt động thâm niên 7 năm từng chia sẻ, người nước ngoài khi đến xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật rối đều rất thú vị và khen ngợi. Thi thoảng có khán giả Việt Nam đến xem cũng chia sẻ là rất ấn tượng với nghệ thuật múa rối. 
Thế nhưng đáng buồn là vẫn rất ít khán giả trong nước đến thưởng thức. Nhiều người thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của các địa điểm tổ chức biểu diễn rối nước tại TP HCM khiến hoạt động nghệ thuật này kém sôi động.
Nói đã thu hút được khách nước ngoài đến xem, song nhìn vào số lượng khách xem nhỏ lẻ của chúng ta so với lượng khách tham gia và doanh thu các show biểu diễn văn hóa của các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan hay Campuchia thì còn thấy khoảng cách... xa lắm. Là do chương trình của chúng ta chưa đầu tư công phu, hoành tráng hay chưa có sự liên kết tốt với các đơn vị du lịch? Bên cạnh đó, ngay cả với người dân trong nước còn chưa thuyết phục được họ đến xem trình diễn, phải chăng khâu quảng bá còn yếu ớt?.
Có quá nhiều câu hỏi và quá nhiều điều mà các đơn vị tổ chức biểu diễn và các nhà quản lý phải giải quyết để hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian trở nên sôi động, duy trì được văn hóa nghệ thuật truyền thống, làm tốt việc quảng bá và tạo doanh thu... 

Đọc thêm