Bước chân cô Tấm

(PLO) - Tháng tám. Khi nắng chuyển màu sánh mật ong, khi na hấp háy mở mắt, khi hồng thắp lửa khắp cành… , ấy là mùa thu đã về. Xuống phố sau cơn mưa lạnh buổi sớm mai, chân dẫm trên thảm lá khô ẩm ướt, nghe trong gió có mùi thơm dịu dàng thoảng qua. Mùi của mùa thu từ gánh thị của cô hàng rau quen thuộc: “Chị mua thị cho em đi. Thị em vừa trẩy sáng nay đấy”. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những quả thị vàng có, xanh có nằm trên chiếc mẹt nhỏ lót lá thị nom thật dễ thương như món quà của mùa thu gửi tặng nhân gian. Cầm quả thị đưa lên mũi hít hà mùi thơm của đất trời thu chợt nhớ những câu thơ như khúc đồng dao trong bài thơ “Quả thị đi chơi” của tác giả Nguyễn Hoàng Sơn. “Trời bỗng dưng cao vời/Nắng hanh se ngọn gió/Mặt ao thành gương soi/Vệt sương đằm lối cỏ/Mùa thu về gõ cửa/Giục thị thay áo vàng/Kịp lên đường hớn hở/Bước đi giờ thênh thang/Trông kìa quả thị vàng/Dắt mùa thu vào phố/Mang theo câu chuyện cổ/Thị kể bằng mùi hương”.

Bài thơ như một bức tranh của mùa thu được vẽ bằng câu chữ, ngôn từ. Và trong bức tranh thơ ấy, vẻ đẹp của quả thị gắn liền với vẻ đẹp của mùa thu. Mùa thu của quả thị, quả thị của mùa thu... 

Nhắc đến thị, ký ức như lên chuyến tàu trở về ngày thơ ấu. Qua những ngày hè bỏng rát, khi xâu hạt bưởi tích cóp cả mùa hè để chuẩn bị cho đêm rước đèn Trung thu đã bắt đầu se mặt, ấy cũng là lúc mùa thị chín bắt đầu. Sau cơn mưa thu, đất trời trong trẻo, sạch bong, gió heo may về nhè nhẹ đưa hương thị bay khắp chốn. “Mẹ ơi, thị nhà bà chín rồi, mẹ sang xin bà cô Tấm về cho con nhá mẹ!” – bé con vòi vĩnh. 

Mẹ chưa kịp đi, chiều đã thấy tiếng gậy chống của bà lộc cộc ngoài ngõ, rồi tiếng gọi quen thuộc vang lên: “Cô Tấm của bà đâu rồi, có thị rồi này, đã đan túi chưa”. “Cô Tấm” bé nhỏ của bà chạy ào ra líu ríu: “Cháu xin, cháu xin, cháu có túi rồi bà này”. Hóa ra mấy tối nay cứ sau bữa ăn là bé con ngủ gục là vì lý do này đây. Trốn giấc trưa bỏ ngủ để đan túi thị. Tay bé mà cũng khéo lắm, còn biết pha màu cho túi nữa, mẹ tủm tỉm cười.

Rồi cả mấy ngày sau đó, túi thị nhỏ đong đưa cùng bé gái khi đi học, lúc đi chơi, thật dịu dàng, như nụ cười của mùa thu vậy. 

Mà đừng tưởng quả thị chỉ gắn bó với lũ con gái nhé, lũ con trai cũng ối kỷ niệm với thị đấy, chỉ là chúng không kể ra đấy thôi. Đã có thằng bé bị bố đánh vì cầu kỳ tách vỏ thị thành hoa năm cánh rồi dán lên tường. Nhưng bức tường ấy lại là bức tường mới quét vôi để chuẩn bị cho chị gái cả thu này về nhà chồng, thế là ăn roi. 

Rồi luôn bị bà với mẹ dặn không được ăn thị hôi mồm nhưng có đứa con trai nào lọt được tai đâu. Quả thì phải ăn thôi, nhất là khi quả lại thơm hấp dẫn đến vậy. Chén hết lớp thịt thị thơm mát, hạt thị khư khư ngậm trong mồm. Nhỡ mẹ, chị có gọi về ăn cơm thì cũng ư ư chạy về, chứ cấm có há miệng thưa được câu nào vì “lúng túng như ngậm hột thị” mà. Ngậm chán, nhả ra cạo rửa sạch lớp vỏ ngoài  để lộ lớp trắng trong veo như viên sỏi dưới suối để chơi đánh chắt, ô ăn quan… trên nền gạch sân nhà. 

Lũ trẻ cả gái, cả trai nhiều kỷ niệm với thị vậy nên có chuyện kể rằng có ông bố, bà mẹ ngày nay sau khi kể với con chuyện xưa đã hứa mua cho con quả thị. Để rồi đi tìm mãi, tìm mãi giữa đô thị phồn hoa mà chỉ thấy những nho Mỹ, xoài Thái Lan, lê Trung Quốc, chứ tuyệt nhiên không có quả thị nào. 

Ngậm ngùi nhìn mùa thị qua đi mà không mua được cho con quả nào. Càng ngậm ngùi hơn khi biết cây thị ở làng quê cũng đã bị chặt hết vì không ai còn thú chơi, vì tấc đất tấc vàng. Níu tay con gái hỏi: “Không còn quả thị, có còn cô Tấm không?”, ông bố ngậm ngùi: “Vẫn còn cô Tấm con ạ!”, bà mẹ thẫn thờ không nói…

Phải, cô Tấm vẫn còn. Cô Tấm sống trong hoài niệm, trong niềm hy vọng của mỗi người về một ngày mai sẽ khác hôm nay…