Các nghệ sĩ “tuyên chiến” với hài Tết “nhảm”

(PLO) - Xuân đang kề cận cũng là lúc các hãng sản xuất phim hài hối hả tung ra thị trường những phim hài độc đáo để mang lại tiếng cười cho mọi gia đình. Hàng chục bộ phim hài Tết Kỷ Hợi sắp trình làng,  liệu  lượng nhiều nhưng chất có tương xứng? Các nghệ sĩ  có dẹp được nạn hài Tết “nhảm”?
Hãng sản xuất phim NCV họp báo về chương trình Tết Vạn Lộc 4.
Hãng sản xuất phim NCV họp báo về chương trình Tết Vạn Lộc 4.

15 phim hài đề cập các sự kiện “hot” năm 2018

Hãng sản xuất phim NCV chuẩn bị “trình làng” hài Tết “Cưới đi kẻo ế phần 3”. Phim có sự góp mặt tham gia của các nghệ sĩ: Vượng “râu”, Quang Tèo, Chiến Thắng, Minh Hằng, Trà My, Tiến Bỉnh, Yến Ngọc, Sỹ Tự, Thành Chíp...

Đặc biệt là sự tham gia của đạo diễn NSND Khải Hưng. Trong hài Tết này, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn đóng vai bố của ông Cẩm (nghệ sĩ Công Vượng đóng). Vì sức ép và quá sốt ruột, nên ông bố này đã ép vợ chồng ông Cẩm và bà Lẩm (NSƯT Minh Hằng đóng) phải cho con gái “xuất chuồng” sớm để ông được chứng kiến ngày vui đó.

Phim “Cưới đi kẻo ế” sẽ có những vấn đề thời sự xảy ra trong năm được đưa vào phim nhưng được làm theo lối hài hước, nhẹ nhàng. Chuyện thu phí BOT từng gây tranh cãi cũng xuất hiện trong phim hài này. Phim được phát hành vào dịp Tết Dương lịch 2019. 

Cùng với “Cưới đi kẻo ế”, nghệ sĩ Công Vượng còn thực hiện chương trình hài “Tết Vạn Lộc” với chủ đề “Ra giêng anh cưới em”. Chương trình sẽ diễn ra vào ngày 30/12/2018 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự tham gia của các nghệ sĩ “khủng” hai miền Nam Bắc như: NSND Thu Hiền, Thanh Thanh Hiền, Chế Phong, Đàm Vĩnh Hưng, Vượng “râu”, Bảo Chung, Quang Minh, Chiến Thắng, Quang Tèo, Trà My...

Theo dự kiến, các nhà làm phim hài phía Bắc sẽ tung ra khoảng 15 bộ phim. Đặc biệt, những bộ phim ấy sẽ đề cập những sự kiện “hot” trong năm 2018 như: đua nhau thẩm mỹ viện, mặt trái khi chạy theo công nghệ thời 4.0, chuyện hôn nhân “lệch pha” 62-26, chạy chức, chạy quyền, lạm thu BOT…

Câu hỏi muôn thuở được đặt ra, liệu hài Tết năm Kỷ Hợi có “bẩn”? Bởi, ngó lại những năm trước, hài Tết bị nhiều người bức xúc nhận xét “nhảm, nhạt, sex”. Không ít đĩa hài Tết đặt yếu tố câu khách lên hàng đầu, khai thác các vấn đề nhạy cảm, gợi dục, nhiều lời thoại khiếm nhã.

Nội dung nhạt, cố bám víu vào những chi tiết nhạy cảm phòng the, hành động hình thể nhân vật uốn éo, vặn vẹo khiến nhiều tình huống trở nên kệch cỡm. Sự lựa chọn đó cũng là cách “câu view”, nhưng xem ra là một hướng đi hoàn toàn sai lệch của các nhà sản xuất, khi làm rẻ rúng, dung tục hài. 

Băng đĩa lậu, vi phạm bản quyền cũng là kẻ thù đối với những nhà sản xuất phim hài. Bù lại, đơn vị sản xuất sẽ thu lợi từ những lượt xem trên mạng khi 100% phim hài được phát trên Youtube và từ tiền quảng cáo, tài trợ của các đơn vị, nhãn hàng lồng ghép vào phim.

Họ lao vào sản xuất những “đứa con hài” với sự trông cậy vào “bầu sữa” của các nhãn hàng. Chính vì phụ thuộc vào “bầu sữa” ấy, nên không ít phim hài lạm dụng đưa quảng cáo sản phẩm sống sượng vào trong hài gây khó chịu với khán giả. 

Các nghệ sĩ “quay lưng” với hài “nhảm”

Nhiều năm nay, đạo diễn NSND Khải Hưng đã “rửa tay gác kiếm” với phim ảnh Tết. Nhưng khi nhà sản xuất gửi kịch bản “Cưới đi kẻo ế phần 3”, như “gãi đúng chỗ ngứa” nghề, ông đã nhận lời ngay. Mặc dù phần 1 và 2 của sê-ri phim này ông chưa xem, nhưng phần 3 với tính hài hước dí dỏm, đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã có sức hấp dẫn với vị đạo diễn tài ba này.

Bên cạnh đó, trở lại phim trường, NSND Khải Hưng gặp và làm việc chung với các học trò, đàn em nghệ sĩ trong không khí đầm ấm, vui vẻ, giúp đỡ nhau, đặc biệt là cảm nhận ở thế hệ trẻ đang dành nhiều tâm huyết để làm nên các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ khán giả chào Xuân mới đã khiến ông nghĩ lại, rằng từ nay sẽ trở lại nhiều hơn với phim hài.

Tuy nhiên, “tái xuất” không có nghĩa NSND Khải Hưng dễ dãi nhận lời làm phim hài. Theo ông, có không ít kịch bản hài mời ông tham gia nhưng ông thẳng thừng từ chối vì… quá nhảm. Vì không có người viết kịch bản, một số nhà sản xuất buộc phải để đạo diễn phải “tự biên tự diễn” bằng cách lên một kịch bản khung rồi diễn viên tự “đắp da đắp thịt” trong quá trình quay.

Sự thiếu chuyên nghiệp này khiến cho các tiểu phẩm hài trở nên chắp vá, vụn vặt, dẫn tới… hài “nhảm”. Theo “cha đẻ” của “Táo quân - Gặp nhau cuối năm” này, nếu các nhà sản xuất hài vẫn thích mô típ “sốc, sex, sến”, tư duy vụn vặt thì đúng là tự “rước họa vào thân”. Người dân bây giờ không còn thiết tha tiếng cười rẻ tiền ấy. Cái họ cần là tiếng cười gắn với đời sống xã hội, được lồng ghép tinh tế, khéo léo.

Nghệ sĩ Vượng “râu” cũng đồng tình: “Ngày trước người ta thường làm hài “sốc, sex, sến” để câu khách nhưng tôi nghĩ đó là cách làm hỏng định hướng văn hóa của nghệ sĩ. Tiêu chí hàng đầu mà chúng tôi đặt ra là hài… “sạch”. Tôi thường viết kịch bản thông qua những sự kiện “hot” trong xã hội và lồng những tiếng cười châm biếm qua những sự kiện ấy”. 

NSND Quốc Anh cũng “tuyên chiến” với hài “nhảm”: “Ai muốn mời tôi tham gia, đều phải gửi kịch bản vào email. Tôi sẽ đọc, nếu thấy chất lượng mới nhận lời. Như năm nay, tôi cũng nhận được đến 10 lời mời, tương ứng với 10 bộ phim hài, tiểu phẩm hài Tết, nhưng tôi từ chối gần hết”.

Còn nghệ sĩ Minh Vượng nhấn mạnh: “Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan quản lý văn hóa để loại ra khỏi thị trường những tiếng cười thô thiển, làm mất đi giá trị của hài... Chúng ta không thể để tiếng cười, vốn có những giá trị lành mạnh bị lạm dụng và dung tục hóa như hiện nay”.