Cái bát biết “hát”

(PLO) - Chuyện nghệ nhân chơi nhạc chén, dùng chiếc đũa gõ lên những chiếc chén (bát ăn cơm) được đổ nước tạo thành những nốt nhạc thì không lạ, nhưng chiếc thố sứ (bát lớn) chỉ cần vuốt lên thành sẽ phát nhạc quả là mới nghe lần đầu. 
Cái bát biết “hát”
Bát lạ
Ông Nguyễn Văn Lắm (ngụ xã Thân Cửa Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết: Chiếc thố này thoạt trông không có gì đặc biệt. Nó làm bằng sứ, to gấp đôi chiếc tô múc canh bình thường, đường kính miệng bát khoảng 35cm, cao khoảng 30cm, thành sứ dày khoảng 0,5cm. 
Phía trong mặt thố là hình bốn con rồng nhỏ, uốn lượn tạo thành một vòng tròn. Bốn con rồng được in nghiêng đầu lên phía trên, miệng phun lửa. Mặt ngoài chiếc bát có hình hai con rồng lớn đang đuổi nhau vào cũng tạo thành một vòng tròn kín.Trên thành bát có ba chữ chữ Hán. Úp chiếc bát xuống, thấy dưới đáy có sáu chữ Hán.
Sau khi đã được tận mắt nhìn, tay sờ vào “hiện vật”, người chủ cho khách nghe tiếng nhạc của chiếc bát kỳ lạ. Ông Lắm lấy nước máy đổ vào 2/3 chiếc thố, sau đó nhúng hai bàn tay vào nước rồi bắt đầu dùng các ngón tay miết nhẹ lên miệng thố. Tiếng u… u phát ra ngay lập tức. 
Tốc độ miết vào thành càng lớn, tiếng u… u càng nhanh, càng vang vọng. Loại âm thanh này không hề giống như tiếng đũa va vào chén sứ trong nhạc chén, mà giống như tiếng gió thổi, hay như tiếng khi áp tai vào những con ốc biển lớn. 
Tốc độ miết vào thành càng lớn, tiếng u… u càng nhanh, càng vang vọng.
 Tốc độ miết vào thành càng lớn, tiếng u… u càng nhanh, càng vang vọng.
Âm thanh phát ra từ loại “nhạc cụ” độc đáo này vang rất xa, khoảng cách 30 - 40m vẫn có thể nghe thấy. 
Chủ nhà cho biết, tùy theo động tác ngón tay, chạm vào thành bát có thể phát ra đoạn nhạc theo những gia điệu đơn giản. Ông Lắm chia sẻ: “Tôi cũng chỉ mới biết miết làm sao cho nó phát ra âm thanh, chứ chưa chơi thành bản nhạc được như người chủ cũ của chiếc thố này”.
“Đàn” cổ?
Theo chủ nhân, chiếc thố lạ này có duyên với gia đình ông. Cách đây mấy năm, một người bạn hàng của ông Lắm làm ăn thất bát. Người này mang đến nhà ông những chiếc ghế, bàn ăn chạm khắc tinh xảo làm bằng gỗ quý có tuổi đời cả trăm năm để trừ nợ. 
Hàng trăm món đồ cổ quý của gia đình này phải phiêu dạt khắp nơi đến những người chủ mới. Tuy nhiên, đồ quý đã hết song nợ vẫn còn. 
Ông Lắm và phóng viên đang “chơi đàn” bát
 Ông Lắm và phóng viên đang “chơi đàn” bát
Một lần ngồi uống nước, người này nói với ông Lắm: “Gia đình tôi còn có một món đồ gia bảo, nhưng tôi sợ đưa ra trừ nợ người ta bán mất, nên chưa dám công bố. Giờ đến nước cuối cùng, tôi xin giao nó cho ông để trừ nợ. Tôi tin ông kinh tế khá giả, không đến nỗi cần tiền mà bán nó đi”.
Con nợ này cho biết, chiếc thố trên từ đời ông nội mình truyền lại. Gia đình đó coi cái bát như vật gia bảo nên rất trân trọng giữ gìn, lúc nào cũng bọc cẩn thận trong tấm nhung màu đỏ.
Ông Lắm cho hay: “Thời làm ăn phát đạt, bạn tôi có rất nhiều đồ cổ có giá trị. Nhưng ông ấy kể quý nhất món đồ gia bảo này, lúc nào cũng sợ trộm lấy mất. Vì vậy ông ấy không dám trưng, phải cho vào hộp chôn xuống góc nhà giấu”. 
Vì rất quý món đồ này nên tuy đã đồng ý giao chiếc thố, người chủ cũ cũng không đồng ý cho ông Lắm di chuyển “bảo vật” bằng xe máy, mà đích thân ôm “bảo vật” đi taxi đến tận nhà ông Lắm để giao. 
Ông Lắm cho biết thêm: “Nghe chủ cũ nói đây là một loại đàn của hoàng hậu Trung Quốc, gần 200 năm tuổi. Tôi chỉ thấy nó phát ra âm thanh nghe vui tai, hơn nữa bạn sa cơ lỡ vận nên đồng ý trừ nợ, chứ thật sự chẳng biết nó có phải đồ quý hay không?”
Ông Lắm tâm sự: Giữ món đồ này trong nhà cũng có nhiều bất tiện. “Khi tôi kể với mấy người bạn về chuyện gia đình có chiếc bát biết phát ra tiếng nhạc, nhiều người nói là tôi “ba xạo”, “nổ”. Song nếu nó có giá trị thật thì tôi cũng lo, nơm nớp lo lắng vì sợ nhiều người nhòm ngó”.
Hỏi vậy lý do vì sao vẫn dám công bố trên báo, ông Lắm cho rằng: “Thực lòng tôi không biết nó có phải đồ cổ, đồ quý hay không nên rất tò mò. Biết đâu trong những độc giả của Pháp luật & Thời đại, có người hiểu biết có thể giải đáp những thắc mắc của tôi về chiếc thố lạ này”./.