'Cái khó' của Phim kinh dị Việt: Làm ma mà không phải là ma

(PLO) - Khán giả cảm nhận được đồng thời cả hai cảm giác sợ hãi và thích thú, thế nên người ta dù sợ nhưng vẫn thích xem phim kinh dị. Họ muốn nếm trải cảm giác được nỗi sợ hãi xâm chiếm. “Tóm” được câu trả lời này, phim kinh dị Việt hiện đang sinh sôi, nảy nở với tốc độ cũng rất “kinh dị”. Tuy nhiên, cái khó cho các nhà sản xuất là làm phim ma nhưng không được nói đó là con ma mà phải là... gì đó không phải là ma!
Một cảnh trong phim “Lời nguyền gia tộc”.
Một cảnh trong phim “Lời nguyền gia tộc”.

Đua nhau trình làng với tốc độ “kinh dị”

Phim kinh dị luôn là món ăn tinh thần giúp khán giả thoát ly hoàn toàn khỏi thế giới thực tại, quên bẵng đi những căng thẳng, vất vả thường nhật, dù chỉ là trong chốc lát. Nó đã khuấy động những sợ hãi tiềm thức của người xem. Đơn giản con người ta luôn muốn thấy những thứ mà mình sợ, càng sợ càng muốn xem mà tò mò vốn là thứ bản năng lâu đời nhất của con người. Phim kinh dị Việt Nam đã xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ 20. Khi đó, từng có một vài bộ phim thực sự kéo người xem đến rạp như “Lệ đá” (1971), “Con ma nhà họ Hứa” (1973). Vào đầu thập niên 1990, khán giả yêu điện ảnh Việt bắt đầu được chứng kiến sự trở lại của thể loại phim kinh dị với “Ngôi nhà oan khốc” và “Chiếc mặt nạ da người” của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín. 

Đầu những năm thế kỷ XXI, những bộ phim kinh dị đua nhau trình làng để hù dọa người xem. Có thể điểm tên: “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Mười”, “Suối oan hồn”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Giữa hai thế giới”, “Ngôi nhà trong hẻm”, “Giao lộ định mệnh”, “Biết chết liền”, “Bóng ma học đường”, “Cột mốc 23”, “Scandal - Bí mật thảm đỏ”, “Đoạt hồn”, “Scandal - Hào quang trở lại”, “Mất xác”, “Bẫy cấp ba”, “Chung cư ma”, “Thám tử Hênry”, “Ngủ với hồn ma”, “Oan hồn”, “Ma dai”, “Hợp đồng bắt ma”, “Con ma nhà họ Vương”, “Chết lúc nửa đêm”, “Bẫy cấp 3”, “Những con búp bê”, “Mùa Noel năm ấy”, “Cô hầu gái”, “Linh Duyên” và mới đây là “Lời nguyền gia tộc”. Các bộ phim kinh dị vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Điểm mặt tất cả các phim, có thể thấy chất liêu trai thấm đẫm trong hầu hết các chuyện tình giữa ma và người, cộng thêm một vài linh hồn oan khuất lởn vởn đòi nợ máu; những cảnh ma trong phim đều hiện lên giữa một không gian với những ngọn nến leo lét, ánh trăng mờ ảo, không khí lạnh lẽo, âm u... kèm theo những tiếng gào thét, tiếng rên la ghê rợn. Đó chỉ là yếu tố, còn sử dụng chúng như thế nào để tạo nên logic cho câu chuyện và cảm giác sợ hãi thật sự cho khán giả là cái tài của mỗi nhà làm phim.

Không khéo thành phim “dị nghị”

Đối với các nhà sản xuất, phim kinh dị chưa bao giờ là dễ làm. Cái khó đầu tiên là truyền được nỗi sợ hãi đến với khán giả vì xem phim kinh dị mà không sợ là thất bại. Có nhiều cách để làm, chẳng hạn như hiệu ứng quay phim, cách kể chuyện, diễn xuất của diễn viên, thắt nút các sự kiện… Dù nhiều bộ phim kinh dị đã “lên tay” nhưng vẫn rơi vào những “hạt sạn” không đáng có. Một số đạo diễn đã lạm dụng thủ pháp gây giật mình một cách bừa bãi gây nhàm chán cho người xem. Đó là chưa kể mạch phim rời rạc, cốt truyện lủng củng, khó hiểu, bất hợp lý.

Trong khi tại Hollywood rất nhiều phim kinh dị được xây dựng trên các câu chuyện có thực. Những câu chuyện này hoặc đã được đưa lên báo chí, hoặc được chính người trong cuộc viết thành tự truyện. Yếu tố này trước hết đảm bảo cho tính chân thực. Và qua bàn tay nhào nặn của các nhà sản xuất, đạo diễn họ có thể “thêm, bớt” để câu chuyện cuốn hút hơn mà không hề vi phạm nguyên tác. Nhưng tại Việt Nam, hầu hết phim kinh dị, các con ma chỉ xuất hiện ở… những giấc mơ. 

Cái khó của các nhà làm phim kinh dị Việt đó là để qua được cửa kiểm duyệt. Luật Điện ảnh không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan. Bộ phim phải khẳng định ma quỷ không có thật, tất cả chỉ là ảo giác con người tạo ra. Vì những hạn chế này, hầu hết các phim chọn hướng pha lẫn nhiều thể loại, giảm nhẹ độ kinh dị hoặc sử dụng các thủ pháp khác nhau. 

NSƯT Nguyễn Chánh Tín (Hãng phim Chánh Tín) từng thốt lên: “Làm phim kinh dị ở Việt Nam quá phức tạp và gian khổ, do phải trải qua quá nhiều khâu xét duyệt từ khi xin giấy phép cho đến khi hoàn tất hậu kỳ. Đó là chưa kể khi phim ra rạp lại bị cắt xén những hình ảnh, phân đoạn hấp dẫn, gây khó hiểu cho người xem”. 

Còn nghệ sĩ Phước Sang - Giám đốc Hãng phim Phước Sang thẳng thừng: “Làm phim kinh dị ở Việt Nam không khéo sẽ thành phim “dị nghị”, phim tốn tiền đầu tư mà khi chiếu thì bị cắt bỏ hết các phân đoạn bị cho là “mê tín dị đoan”, chiếu lên không “ép phê” gì hết, khán giả chê không xem”.  

Đạo diễn Lê Bảo Trung cũng cho rằng đã là phim kinh dị thì coi phải sợ, phải ám ảnh. Nhà quản lý văn hóa thường lo phim kinh dị làm khán giả sợ quá thì ảnh hưởng tới người xem. Làm phim ma nhưng không được nói đó là con ma mà phải là... gì đó không phải là ma! 

Có thể thấy, đây là vấn đề khó của các nhà làm phim Việt. Tuy vậy, phim kinh dị đang là mảnh đất màu mỡ của các nhà sản xuất. Dù khó nhưng các nhà sản xuất vẫn muốn sáng tạo nhiều bộ phim để đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim kinh dị của khán giả Việt.

Đọc thêm