Cánh diều vàng 2015: ‘Hoa vàng cỏ xanh’ không có đối thủ

Không có nhiều khác biệt giữa danh sách tranh giải điện ảnh Cánh diều vàng 2015 và Bông sen vàng LHP Việt Nam 2015. Khả năng giành chiến thắng của “Hoa vàng cỏ xanh” là rất lớn.
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" từng thắng giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 19 năm 2015. Khả năng bộ phim lặp lại chiến thắng tại Cánh diều năm nay là rất lớn. Ảnh: Galaxy
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" từng thắng giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 19 năm 2015. Khả năng bộ phim lặp lại chiến thắng tại Cánh diều năm nay là rất lớn. Ảnh: Galaxy

Cánh diều vàng là giải thưởng thường niên do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, với mục đích tôn vinh các tác phẩm thuộc nhiều thể loại như phim truyện, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình… Tuy nhiên, giải thưởng mảng điện ảnh luôn thu hút nhiều sự quan tâm nhất của công chúng, và có nhiều lúc Cánh diều được so sánh vui là “Oscar của Việt Nam”.

Năm nay, tiêu chí của giải thưởng Cánh diều là: “Đề cao các tác phẩm điện ảnh, truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.

Dựa trên tiêu chí đó, có 18 tác phẩm được xếp vào danh sách tranh giải Cánh diều vàng mảng điện ảnh, tức ít hơn hai phim so với Bông sen vàng trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt nam lần thứ 19 diễn ra hồi cuối năm 2015.

Nhóm phim tranh giải bao gồm: Trên đỉnh bình yên, Cuộc đời của Yến, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Người trở về, Quyên, Siêu trộm, Trúng số, Ngày nảy ngày nay, Bộ ba rắc rối, 49 ngày, Trót yêu, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Gái già lắm chiêu, Ám ảnh và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Nhìn vào danh sách, công chúng có thể chia các tác phẩm ra thành ba nhóm: nhóm “chiếu trên” gồm các tựa phim nổi tiếng, đạt doanh thu cao và được giới truyền thông công nhận; nhóm “chiếu dưới” gồm các phim thương mại thuần túy, có thể không được đánh giá cao về khía cạnh nghệ thuật; và nhóm “ẩn số” là các phim không thực sự được trình chiếu rộng rãi.

Nằm ở “chiếu trên” chắc chắn là hai tác phẩm đã “càn quét” giải thưởng Bông sen 2015: Cuộc đời của Yến và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Bộ phim của Victor Vũ dựa trên truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh không những nhận được nhiều phản hồi tích cực, mà còn đạt doanh thu phòng vé lên tới hơn 90 tỷ đồng - một con số mà ngay cả các tác phẩm thuần giải trí của điện ảnh Việt Nam cũng không dễ gì đạt được.

Cuộc đời của Yến từng "bội thu" giải Bông sen tại LHP Việt Nam lần thứ 19 năm 2015, nhưng lại thua chính Hoa vàng cỏ xanh ở hạng mục quan trọng nhất là Phim truyện xuất sắc. Ảnh: Galaxy

Cuộc đời của Yến từng "bội thu" giải Bông sen tại LHP Việt Nam lần thứ 19 năm 2015, nhưng lại thua chính Hoa vàng cỏ xanh ở hạng mục quan trọng nhất là Phim truyện xuất sắc. Ảnh: Galaxy

Bản thân Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng đoạt Bông sen vàng, tức giải thưởng cao nhất dành cho mảng điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Trong khi đó, Cuộc đời của Yến cũng giành được tới 5 giải Bông sen, và được đánh giá là một tác phẩm có chất lượng tốt so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Bộ phim hài hước - cảm động Trúng số của đạo diễn Dustin Nguyễn cũng có thể được xếp vào nhóm “chiếu trên”, bởi đây là tác phẩm đại diện cho Việt Nam dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2016.

Song, tại thời điểm tháng 10/2015, có ý kiến cho rằng nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khởi chiếu sớm một tuần thôi, thì đó mới là tác phẩm nhận được vinh dự. Chính thức khởi chiếu từ ngày 1/10/2015, Victor Vũ và các cộng sự buộc phải chờ đợi cơ hội tại Oscar 2017 theo luật mà Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ đề ra.

Các bộ phim như Quyên, Bộ ba rắc rối, Siêu trộm, Ngày nảy ngày nay, 49 ngày, Trót yêu, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Gái già lắm chiêu hay Ám ảnh đều là những đầu phim mang tính thương mại nhiều hơn là nghệ thuật, đều đã được trình chiếu rộng rãi trong suốt một năm qua.

Trong số này, có những phim từng phải hứng chịu “mưa gạch đá” từ báo chí và công chúng. Nhưng cũng có tác phẩm có chất lượng tốt, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà lại không tiếp cận được với đông đảo khán giả. Chẳng hạn như trường hợp của Siêu trộm do đạo diễn Hàm Trần thực hiện.

Được đánh giá là có kỹ thuật làm phim không kém gì Hollywood, nhưng tác phẩm lại không thể gây tiếng vang tại phòng vé trong mùa phim Tết chật chội, vốn còn có sự tham gia của nhiều bom tấn Hoa ngữ và Hollywood. Cơ hội dành cho Siêu trộm tại giải Cánh diều 2015 có lẽ nằm ở các hạng mục liên quan tới kỹ thuật làm phim nhiều hơn.

49 ngày của Trường Giang và Nhã Phương từng gây ồn ào dư luận nhờ chuyện “phim giả tình thật” giữa hai diễn viên chính, cũng như đạt doanh thu cao tại phòng vé. Nhưng không ít người cho rằng nội dung phim quá giống với một tác phẩm của điện ảnh Hàn Quốc là Hello Ghost (2010). Đó có thể là cản trở không nhỏ trong việc chinh phục giải thưởng Cánh diều năm nay của 49 ngày.

Nhóm phim cuối cùng và đặc biệt hơn cả là các tác phẩm điện ảnh có vốn đầu tư Nhà nước, gồm Trên đỉnh bình yên (xoay quanh cuộc sống của người dân tộc Chăm), Nhà tiên tri (kể về quãng thời gian Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc 1947 - 1951), Mỹ nhân (phim dã sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh), Đường xuyên rừng (hành trình vượt qua trận càn Junction City năm 1967 tại chiến trường miền Nam của một nhóm lính giải phóng bị lạc trong rừng sâu), và Người trở về (phim về những bi kịch của người phụ nữ Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc).

Tuy mang chủ đề chiến tranh không mới, nhưng "Người trở về" vẫn gây cảm xúc mạnh cho khán giả. Tiếc là bộ phim không được trình chiếu thương mại rộng rãi trong năm qua. Ảnh: Hãng phim Quân đội

Tuy mang chủ đề chiến tranh không mới, nhưng "Người trở về" vẫn gây cảm xúc mạnh cho khán giả. Tiếc là bộ phim không được trình chiếu thương mại rộng rãi trong năm qua. Ảnh: Hãng phim Quân đội

Bộ phim Mỹ nhân từng được trình chiếu rộng khắp, nhưng lại bị nhớ đến nhiều hơn qua scandal phục trang có in hình phim hoạt hình Vua sư tử. Trong số này, Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền hoàn toàn có khả năng gây bất ngờ. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn Người ở bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh và từng khiến nhiều khán giả trong buổi công chiếu hồi cuối mùa hè 2015 phải rơi lệ.

Trên thực tế, 2015 là năm tương đối khởi sắc với nền điện ảnh nước nhà, khi có những bộ phim nội đạt doanh thu tới cả trăm tỷ đồng. Các hãng phim tư nhân cũng mạnh dạn tham gia cuộc chơi, bắt tay với nhà nước để tạo ra các tác phẩm hấp dẫn, đảm bảo cả yếu tố nghệ thuật lẫn doanh thu.

Tuy nhiên, sự chênh lệch về mặt chất lượng giữa các tác phẩm dự tranh Cánh diều 2015 vẫn là điều dễ nhận thấy. Nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh giành giải Cánh diều vàng năm nay, đó hẳn không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Đọc thêm