'Câu khách' bằng chuyện riêng tư, thiếu văn hóa hay mờ mắt vì lợi nhuận?

(PLO) - Hàng loạt gameshow hẹn hò bị tố phản cảm, giả dối đã dấy lên một câu hỏi: Phải chăng những nhà sản xuất đã thiếu đề tài đến mức đem chuyện tình yêu nam nữ vốn duyên dáng, riêng tư trở thành một trò chơi méo mó để câu view, kiếm lợi? Phải chăng vốn văn hóa của những nhà sản xuất đang có vấn đề hay họ đang bị lợi nhuận làm cho mờ mắt?
Cảnh hôn bị chỉ trích dữ dội trong chương trình “Date and kiss”.
Cảnh hôn bị chỉ trích dữ dội trong chương trình “Date and kiss”.

Kết nối tình cảm hay làm trò?

Khởi điểm của các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam về hẹn hò có lẽ là hai chương trình Love Bus - Hành trình kết nối những trái tim và Bạn muốn hẹn hò. Với “Love Bus”, trên một chuyến hành trình dài nhiều tháng có sự tham gia của các cô gái, chàng trai trẻ. Họ có cơ hội tiếp xúc, tương tác và nảy sinh tình cảm với nhau, để rồi tỏ tình và quyết định có gắn bó với nhau hay không.

Về “Bạn muốn hẹn hò”, Chương trình sẽ lọc ra những người có cùng điều kiện, sở thích, mong muốn và kết đôi họ với nhau trong một chương trình trò chuyện giấu mặt khá thú vị với đôi MC vui tính, sau đó cả hai nhìn mặt nhau rồi quyết định có hẹn hò hay không. Có thể nói đây là hai phiên bản chương trình hẹn hò được yêu thích nhất với khán giả, vì nó không quá lố, đủ duyên dáng và đã góp phần kết nối cho nhiều cặp thành đôi với những câu chuyện lý thú đằng sau.

Tuy nhiên, sau thành công của một số phiên bản, thì hàng loạt phiên bản gameshow về hẹn hò cũng xuất hiện, với tính chất ngày càng gây sốc hơn: “Vì yêu mà đến”, “Khúc hát se duyên”, “Lựa chọn của trái tim”, hay mới đây nhất là “Date and kiss”. Với Chương trình “Vì yêu mà đến”, khán giả được chứng kiến cảnh ghép đôi giữa một bên là dàn sao nổi tiếng với một bên là những bạn trẻ thông thường.

Sự chênh lệch thực lực làm những màn tỏ tình trở nên khiên cưỡng và kết quả cũng giả tạo, vì hầu hết chỉ là “diễn” trên sân khấu để rồi “đường ai nấy đi”. Các chương trình khác như “Lựa chọn của trái tim” hay “Khúc hát se duyên” cũng “làm lố”, sến sẩm với những trò chọn người hẹn hò như chọn một món hàng dựa trên tiêu chí là nhan sắc, hoặc giọng hát khiến người xem ngán ngẩm.

Chưa hết, sự thiếu chân thực, nặng tính “biểu diễn” ở các chương trình mang danh truyền hình thực tế này còn được thấy ở việc những gương mặt “ăn khách” thường xuyên xuất hiện ở hết chương trình hẹn hò này đến chương trình hẹn hò khác. 

Thậm chí, một đôi hotboy, hotgirl nổi lên nhờ ngoại hình đẹp và chuyện tình đáng yêu từ một chương trình hẹn hò sau đó đã bị công chúng phát hiện là “yêu vờ”, hết chương trình thì cũng nhanh chóng chia tay. Cặp đôi này sau đó đã thú thật là họ tham gia gameshow hẹn hò không phải với mục đích tìm tình yêu đích thực cho mình mà chỉ mượn chương trình để xuất hiện trên sóng và làm bàn đạp để trở nên nổi tiếng và họ đã đạt được mục đích. 

Cổ suý cho tình yêu thực dụng, sống gấp?

Chưa dừng lại ở đó, các gameshow hẹn hò càng ngày càng đi quá xa tới mức phản cảm, khi mà chuyện hẹn hò yêu đương đáng ra dễ thương, duyên dáng lại bị biến thành những trò thực dụng và mang tính xác thịt. Mới đây, gameshow “Anh chàng độc thân” phiên bản Việt (bản gốc The Bachelor) vừa ra mắt đã khiến khán giả phải “tròn mắt”.

Với cách xây dựng chương trình là một anh chàng “độc thân hấp dẫn” sẽ bước vào cuộc hẹn hò lần lượt với 24 cô gái xinh đẹp để tìm ra người tâm đầu ý hợp, sẽ không có gì quá đáng nếu như chương trình không xuất hiện cảnh những cô gái biểu hiện quá lố để chiếm cảm tình của một người đàn ông.

Trong một tập của chương trình, như phim cung đấu, 24 cô gái trẻ xinh đẹp vì người đàn ông điển trai mác Việt kiều mà cãi cọ, giành giật, nói xấu và hãm hại nhau để giành lấy sự chú ý của anh chàng. Chương trình không có giá trị gì khác ngoài việc cho thấy phụ nữ đang rẻ rúng mình như thế nào trong cuộc chiến hẹn hò.

Bị phản ứng mạnh trong thời gian này chính là gameshow “Date and Kiss”, một chương trình thực tế chỉ phát sóng trên Youtube. Đây là một chương trình dù đã dán nhãn 18+ nhưng vẫn làm cho người xem bị sốc bởi mức độ nhạy cảm và phản cảm của nó. Tham gia trò chơi, những ứng viên thay vì tìm hiểu nhau bằng cách trò chuyện thì lại tìm người phù hợp thông qua tiếp xúc thân thể như đụng chạm, ôm ấp, hôn.

Những nụ hôn và màn đụng chạm thân mật của những người chơi mới gặp nhau lần đầu khiến người xem phải “đỏ mặt”. Thậm chí, một cô gái tham gia cuộc chơi đã bị gia đình từ mặt vì những hành vi vượt giới hạn. Ngay sau khi bị chỉ trích, chương trình này vẫn tiếp tục tung ra một tập khác có nụ hôn đồng tính trước khi bị cấm hẳn.

Không thật, sến súa, chiêu trò và vượt quá thuần phong mỹ tục, dường như các gameshow hẹn hò đã không còn dừng lại ở mục đích kết nối tình cảm để những trái tim tìm đến với trái tim. Giờ đây, các nhà sản xuất chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm sao để thật sốc, thật câu khách, để lượng xem nhiều và chương trình thu thật nhiều lợi nhuận. Bất chấp sự đi ngược chiều văn hoá, bất chấp việc cổ suý cho những mối quan hệ đầy thực dụng, cho việc yêu nhanh, sống gấp và đem tình yêu làm “mồi câu danh vọng”.