Cây đa ba gốc chứa những lời nguyền

(PLO) - Đền Bách Linh tọa lạc trên khu đất rộng bằng phẳng ở ven dòng sông Hát (sông Đáy ngày nay - PV). Theo các cao niên trong vùng kể lại thì ngôi đền này thờ bài vị của 100 vị thần. Phía trước cửa đền có một cây đa ba gốc, ẩn chứa không ít câu chuyện huyền bí.
Cận cảnh ngôi đền thiêng thờ 100 vị thần.
Cận cảnh ngôi đền thiêng thờ 100 vị thần.
Chuyện quanh đền Bách Linh
Đền Bách Linh hay còn gọi “Bách Linh từ” là một ngôi đền linh thiêng nằm trên địa bàn thôn Dư Xá Thượng (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Trong đền thờ 100 vị thần (Thần Hoàng làng) của 47 xã thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Hạ trước đây. Tên của các vị thần được ghi trong bia đá cổ hiện lưu giữ tại đền.
Trong số 100 vị thần thì 4 vị là có tượng thờ: Đinh Tiên Hoàng đế, Thái Đường hoàng đế, Hữu Nghi Tu hoàng đế, Nội Nghi Nhị Vị quốc vương, những vị thần còn lại không có tượng và chỉ được thờ bài vị trong đền. 
Theo các cụ cao niên thôn Dư Xá Thượng kể thì xưa kia Đinh Tiên Hoàng xuất quân từ Hoa Lư (Ninh Bình) đi qua các địa danh: chợ Vài, Ải, An Phú,… rồi mới ra tới Dư Xá Thượng. Khi tới thôn Dư Xá Thượng Vua đóng quân tại vị trí đền Bách Linh ngày nay và cho xây dựng đền. Mỗi năm tại ngôi đền này ngài đều tổ chức cầu mưa giúp dân làng chống hạn.
Trước đây, đền Bách Linh có rất nhiều bia đá. Nhưng từ đợt cải cách ruộng đất, những tấm bia đá trong đền bị người dân địa phương mang ra đồng làm cầu, làm đường; một số người mang bia đá về nhà đập lúa. Chỉ có duy nhất hậu cung là không ai dám phá nên vẫn còn nguyên. Hiện đền Bách Linh chỉ còn lại vài tấm bia đá cổ. 
Cụ Nguyễn Kim Toán (phải) và cụ Nguyễn Phúc Toản kể về sự linh thiêng của ngôi đền Bách Linh và cây đa ba gốc.
Cụ Nguyễn Kim Toán (phải) và cụ Nguyễn Phúc Toản kể về sự linh thiêng của ngôi đền Bách Linh và cây đa ba gốc. 
Cụ Nguyễn Kim Toán (79 tuổi) là hội viên Hội Người cao tuổi thôn Dư Xá Thượng nói: “Lúc đó là nhất đội, nhì giời nên khi đội cải cách bảo khuân đi là dân mới vào đền khuân. Thời gian sau những người phá đền cũng liểng xiểng, chết hết đấy”. 
Trước đây, khu vực đền Bách Linh rậm rạp nên nhân dân trong thôn đều rất sợ hãi, không ai dám vào đền. Mỗi khi đi qua là phải kính cẩn ngả nón, cúi chào. Cụ Toán cho hay: “Ngày xưa đi qua đây, thi thoảng lại thấy đốm lửa đỏ lập lòe”. 
Cụ từ Nguyễn Như Tơ trông nom đền Bách Linh.
Cụ từ Nguyễn Như Tơ trông nom đền Bách Linh. 
Còn cụ từ Nguyễn Như Tơ (70 tuổi) mới ra trông đền được 6 năm nói: “Tôi thì gặp đàn lợn trắng, mới bảđêm hôm đàn lợn nhà nào ra và bắt đầu tôi đuổi, thấy con lợn chạy vào đền, tôi bảo đây là lợn của ngài nên tá hỏa chạy về nhà. Ngài hiện lên những lúc đêm khuya thanh vắng, những lúc tĩnh mịch nên người ta hay nhìn thấy”.
Cụ từ Nguyễn Như Tơ nói tiếp: “Khoảng giữa năm 2013, trong thôn có anh Phú, là người to béo, nhà ở gần đền, khi mặc quần đùi, cởi trần, vào sân đền tập thể dục, đã bị các ngài quở phạt cho đau bụng, mếu máo mấy ngày trời. Lúc đi xem mới biết là chạm mặt các ngài nên sẵm lễ mang ra đền xin nên về nhà mới khỏi. Tại đền Bách Linh có nhiều người đến cầu là được, chủ yếu là cầu về đường học hành, thi cử. Còn ở đền, ai hợp với các ngài thì ở được, ngoài ra thì các ngài không cho ở, ngủ không yên với các ngài”.
Chuyện về cây đa có ba gốc
Trước cửa đền Bách Linh khoảng chừng 10 mét có một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Điều khác biệt so với những cây đa khác, đó là cây đa này có tới 3 cái gốc, bám sâu xuống đất. Nói về cây đa cổ thụ, cụ Toán kể: “Trước đây, thôn Dư Xá Thượng rất giàu có. Ngoài đình, ngoài quán có nhiều cây đa cổ thụ, nhưng đến nay đều bị chặt phá hết. Hiện chỉ còn lại cây đa ba gốc ở đền Bách Linh là cổ thụ nhất”. 
Cận cảnh cây đa ba gốc
Cận cảnh cây đa ba gốc 
Còn cụ Quy (trên 80 tuổi) là người đã từng đi xin công nhận di tích cho đền Bách Linh cho biết thêm: “Khi chúng tôi lớn lên cây đa đã như thế này rồi. Cây đa có 3 gốc và thường gọi là cây đa ba chân, nó tóe ra trông rất hài hòa”.
Theo lời cụ Toán, ngày xưa, dưới gốc cây đa có một tảng đá to, về sau hợp tác xã khuân tảng đá ra đồng để làm cầu, làm đường. Một vài năm sau thì chính cái ông chỉ đạo khuân tảng đá bị thánh quở phạt cho đến chết. Thời Pháp thuộc, cây đa ba gốc thiêng lắm không ai dám bén mảng đến. Dưới gốc cây đa có một cái miếu, trên thân cây đa có một cây cọ mọc xanh tốt. Về sau, cây cọ bị các tua của cây đa cuốn chết”.
Cụ từ Nguyễn Như Tơ nói về một trường hợp mà ông gặp tại đền: “Hôm tôi về đây gặp con rắn hổ mang to lắm, dài hơn 2m, trông như cái đòn càn gánh lúa. Nó nằm ngang dưới đất, phía sau bệ đá dưới gốc cây đa. Tôi ra thì nó cứ nằm. Thế tôi mới bảo: “Con này mà bắt về mang ra chợ bán cũng được vài trăm”. Sau hôm đấy tôi bị ốm, phải nhờ bà đồng trong làng xuống làm lễ mới khỏi”.
“Tại đền Bách Linh còn có một trường hợp người vào ngồi dưới gốc cây đa. Không biết là các ngài bắt ngồi hay quở phạt thế nào mà người đó ngồi mãi ở gốc cây đa mà không đi đâu. Về sau, người này ốm, cứ hóa điên, hóa rồ rồi chết. Còn một ông khác cũng ra đấy ngồi nhưng về mang lễ ra cúng nên mới khỏi” - cụ từ Nguyễn Như Tơ nói.
Hiện nay dân cư đông đúc, việc vào đền không còn sợ như trước. Người dân vào đền nhiều hơn để xin lộc các thần; cầu mong những điều tốt lành cho gia đình. Học sinh vào những dịp thi cử cũng đến cầu mong được đỗ đạt. Cây đa ba gốc trước cửa đền vẫn xanh tốt, là cây cao bóng cả của thôn Dư Xá Thượng. 
Hiện người dân địa phương mong muốn được chính quyền quan tâm, làm hồ sơ đề nghị được công nhận là cây di sản Việt Nam để cùng có phương án bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ. Cây đa ba gốc là cây cao bóng cả của làng và được nhiều người nhắc đến mỗi khi đến thắp hương đền Bách Linh. Nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh của làng quê.