Chẳng có bộ phim, bài hát Việt nào gây ấn tượng?

(PLO) - Tại Việt Nam, khi nói đến công nghiệp văn hóa, mọi người hay nghĩ một cách hẹp, đó chỉ là văn hóa truyền thống, là vấn đề bản sắc... Chưa có con số thống kê nào cụ thể cho biết doanh thu hoặc lợi nhuận từ kinh doanh văn hóa. Chính vì vậy, văn hóa, giải trí Việt rất mờ nhạt trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy là một chặng đường gian nan đầy thử thách…
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy là một chặng đường gian nan đầy thử thách…

Chẳng có bài hát, bộ phim nào gây hiệu ứng mạnh trên thế giới

Các nước phát triển coi công nghiệp văn hoá là “nơi sản sinh” ra tiền hùng mạnh chỉ đứng sau ngành tài chính. Hơn nữa, đây là mảnh đất giàu tiềm năng cho các nhà sáng tạo, phát triển các sản phẩm trí tuệ chất lượng cao. 11 ngành được liệt vào danh sách công nghiệp văn hoá đó là: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. 

Rất nhiều nước trên thế giới kiếm “lợi tức” từ 11 ngành này. Ở Hongkong, 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu từ công nghiệp văn hoá: dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo. Ở Nhật Bản chỉ riêng bộ phim hoạt hình Doremon ngoài việc bán bản quyền cho truyền hình, xuất khẩu ra nước ngoài, các nhà kinh doanh Nhật Bản còn xuất bản truyện tranh, làm quà tặng lưu niệm... tổng doanh thu lên đến hơn 2 tỷ USD.

Ở châu Âu, ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 3% GDP của EU, tương đương 500 tỉ euro một năm và mang đến việc làm cho khoảng 6 triệu người. . Những bộ phim Hollywood với sức công phá “bom tấn” thu về hàng trăm triệu USD/tác phẩm; những show diễn đẳng cấp đủ quyền năng để hình thành nên các thương hiệu tầm vóc… Chỉ một bài hát, điệu nhảy thôi nhưng Gangnam Style của nghệ sĩ Hàn Quốc PSY đã khiến Hàn Quốc lan tỏa thế giới và thu về hàng triệu USD. Những bộ phim truyền hình ngàn tập của Ấn Độ kiếm bộn tiền và hình ảnh Ấn Độ được nhân rộng bởi đã làm cho người dân nhiều quốc gia mê mệt.

Còn tại Việt Nam, khi nói đến công nghiệp văn hóa, mọi người hay nghĩ một cách hẹp, đó chỉ là văn hóa truyền thống, là vấn đề bản sắc... Chưa có con số thống kê nào cụ thể cho biết doanh thu hoặc lợi nhuận từ kinh doanh văn hóa. Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm- là những lĩnh vực đã tương đối định hình ở Việt Nam. Tuy nhiên, các lĩnh này vẫn còn đang loay hoay tìm vị trí của mình trên “bản đồ” văn hoá giải trí trên thế giới.  Các vấn đề vi phạm bản quyền, sự quan liêu kết hợp cùng nhau đã làm giảm sự tự tin và gây tác động tiêu cực, “dập tắt” tinh thần doanh nghiệp trong kinh doanh văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực tới đóng góp của lĩnh vực văn hóa cho kinh tế - xã hội trong nước.

Năm 2015, điện ảnh Việt Nam ghi nhận thành công vang dội về doanh thu của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Hàng loạt hiệu ứng khác từ bộ phim này cũng mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Thậm chí, dấu vết phim trường ngay lập tức đã trở thành một địa điểm du lịch thu hút hàng ngàn du khách đến với Phú Yên để khám phá xứ sở hoa vàng, cỏ xanh.

Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL Phú Yên, khách du xuân ở Phú Yên tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, được coi là đột biến nhất từ xưa tới nay. Tuy nhiên, đó chỉ là hiệu ứng với người Việt, còn ở thế giới, họ không mấy biết “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng ít quan tâm tới Phú Yên qua bộ phim này.

Còn một số bộ phim điện ảnh dù đoạt giải thưởng tại khu vực, châu Á cũng chỉ trình chiếu trong các buổi giao lưu, liên hoan tại nước ngoài. Lẻ tẻ khán giả quốc tế, Việt kiều mang theo giấy mời tới xem chứ không kiếm tiền được từ những tấm vé bán. Hay một vài hiện tượng nhạc sĩ, ca sĩ trẻ nổi lên trong V-pop nhưng cũng chỉ loanh quanh trong bản đồ chữ S. 

Có thế nói, bao nhiêu năm qua, Việt Nam chưa hề có bộ phim, bài hát hay mốt thời trang nào gây hiệu ứng mạnh mẽ tới khu vực Đông Nam Á chứ đừng nói tới thế giới. 

Đừng phủ định thị trường văn hóa

Khó khăn cơ bản của Việt Nam không chỉ là thiếu tiền mà là hàng loạt vấn đề đặt ra cần giải quyết về nhận thức. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho rằng, ngay từ bây giờ, phải thay đổi tư tưởng coi sự nghiệp văn hóa là ngành nghề phi sản xuất, không thể đem lại của cải cho xã hội. Tiếp theo là phải nhìn đúng các vấn đề xuất hiện trong thị trường văn hóa. Pháp luật, cơ chế, thể chế và ý thức quần chúng đang vào thời kỳ biến đổi nhanh chóng. Trong thị trường văn hóa khó tránh khỏi xuất hiện các vấn đề phức tạp nhưng không vì thế mà phủ định thị trường văn hóa.

“Đổi mới tư duy, coi công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần, đồng thời đóng góp GDP và tạo việc làm cho xã hội” là một trong những quan điểm quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ VHTTDL trình Chính phủ tháng 8/ 2016 và đã được Chính phủ đồng ý phê duyệt.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% GDP; đến năm 2030 đóng góp 7% GDP. Trong đó, doanh thu của điện ảnh đến năm 2020 đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD), đến năm 2030 điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt 125 triệu USD). Doanh thu ngành nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 đạt 16 triệu USD và 31 triệu USD đến năm 2030. Doanh thu ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt 80 triệu USD năm 2020 và 125 triệu USD đến năm 2030. Doanh thu ngành quảng cáo đến năm 2020 và 2030 đạt khoảng 3200 triệu USD. Doanh thu từ khách du lịch đến 2020 đạt 18.000- 19.000 triệu USD và đến 2030 đạt khoảng 40.000 triệu USD…

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy là một chặng đường gian nan đầy thử thách…