Chất lượng phim không 'đến' từ kinh phí

(PLO) - Điện ảnh Việt và quốc tế rất nhiều lần chứng kiến nghịch lý: Những bộ phim kinh phí khổng lồ biến thành “bom xịt”, trong khi đó, phim làm với số tiền ít ỏi lại thắng lớn…
Chất lượng phim không 'đến' từ kinh phí

Sự cố chấp “làm nên chuyện” của người trẻ

Nhắm mắt thấy mùa hè đang là một "hiện tượng" của phim Việt bởi đây là một bộ phim hiếm hoi của nhóm làm phim độc lập, kinh phí không cao nhưng chất lượng tốt và đang tạo sốt phòng vé. Điều khiến nhiều người "nể" ở nhóm làm phim độc lập của Nhắm mắt thấy mùa hè là một tinh thần rất "độc lập" của những người trẻ yêu điện ảnh thật sự. Cao Thuý Vy, đạo diễn của bộ phim (đây cũng chính là phim đầu tay của đạo diễn trẻ này) đã từ chối khá nhiều đề nghị hợp tác vì đối tác yêu cầu thêm những chi tiết ăn khách như diễn viên hot, yếu tố hài hay cảnh nóng... Ekip làm phim đã tuân thủ mục tiêu ban đầu mình đặt ra, là làm một bộ phim cho tuổi trẻ của chính mình, vì thế, bất chấp nguy cơ phá sản ý tưởng vì không có nhà đầu tư, phải nợ nần, cầm cố, họ vẫn đi đến cùng và cho ra mắt một bộ phim hoàn toàn trong trẻo, duyên dáng đúng chất của tuổi trẻ.

Không quá khi nói Nhắm mắt thấy mùa hè là một "hiện tượng", bởi hoàn toàn không có diễn viên nổi tiếng, hàng sao. 70% diễn viên trong phim là người Nhật. 30% còn lại là các diễn viên mới, lạ. Vai nữ chính cũng thuộc về diễn viên lần đầu chạm ngõ điện ảnh. Không có hài, hài nhảm, không có cảnh nóng hay đồng tính, các yếu tố câu khách xuất hiện hầu như liên tục trong phim Việt gần đây. Thế nhưng phim vẫn kéo được lượng lớn khán giả đến rạp, tạo được sốt và thắng về mặt doanh thu. Nhóm làm phim trẻ có thể nói đã tạo nên một cú hích mạnh mẽ, mới lạ trong nền điện ảnh Việt.

Cũng câu chuyện kinh phí thấp, mới đây đạo diễn Lương Đình Dũng, cha đẻ của tác phẩm điện ảnh đoạt giải xuất sắc châu Á “Cha cõng con” đã công bố kinh phí "siêu thấp" cho dự án điện ảnh mới nhất của mình: 1 tỉ đồng cho phim “Thành phố ngủ gật”. Đây có lẽ là dự án điện ảnh đạt kỉ lục về kinh phí thấp của điện ảnh Việt Nam. Con số này cũng gây không ít tò mò, không kém những con số kinh phí "khủng" của nhiều dự án phim khác. Bởi về mặt ý tưởng và tay nghề thì khán giả hoàn toàn có thể kì vọng ở Lương Đình Dũng. Phần còn lại là sự háo hức không biết đạo diễn tài năng này sẽ xử lý một bộ phim ra sao với mức kinh phí chỉ dành cho một clip như thế.

"Công thức" không phải bao giờ cũng đúng

Trong một vài năm gần đây, dường như đã có một "công thức" sẵn để cho ra đời một bộ phim có thể "làm mưa làm gió" thị trường: Kinh phí triệu đô, diễn viên "hot" và yếu tố câu khách (ngôn tình, hài, cảnh nóng...). Nếu nói tìm ra một bộ phim Việt ra rạp có kinh phí dưới 10 tỉ, có lẽ không nhiều. Những con số mà các nhà sản xuất đưa ra đều khá "khủng": 20 tỉ, 25 tỉ, 30 tỉ... cho một bộ phim. Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp phim thành công, mức doanh thu tương xứng chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, không ít trong số đó ngã ngựa với doanh thu khổng lồ của mình.

Phim Quyên chi phí hơn 20 tỉ, quảng cáo rầm rộ, nhưng thu về chưa đến 1/3 vốn. Phim “Lửa Phật” kinh phí triệu đô, đầu tư mạnh về kĩ xảo như thất bại nặng nề về doanh thu. Phim “Giấc mơ Mỹ” của Mai Thu Huyền kinh phí cũng xấp xỉ triệu đô với 60% cảnh quay ở khắp nước Mỹ, nhưng bị chê thậm tệ và nghe đâu doanh thu chỉ hơn 1/10 kinh phí...

Ngược lại, không ít phim có kinh phí từ thấp đến trung bình, diễn viên không quá nổi tiếng, nhưng lại thắng lớn. Đó là trường hợp của Em chưa 18, Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Tháng năm rực rỡ...

Tất nhiên, để một bộ phim thành công còn phải thêm nhiều yếu tố ngoài chất lượng: Đó là thời điểm ra mắt, là tâm lý khán giả và nhiều yếu tố bất ngờ khác. Tuy nhiên, nếu không làm tốt thì chắc chắn sẽ không có "yếu tố bất ngờ" nào xảy ra. Dù kinh phí cao, kịch bản có vẻ hấp dẫn, kĩ xảo đặc sắc... nhưng nếu là một bộ phim rời rạc, nhiều sạn hoặc không mang lại cảm xúc thật, khán giả chắc chắn sẽ không bị đánh lừa.

Ngược lại, không cần quá đẹp, quá trau chuốt hay tập hợp nhiều yếu tố đình đám, một bộ phim chỉ cần chạm đến cảm xúc người xem, thì khả năng thành công rất cao. Đó không chỉ là kinh nghiệm của thị trường phim Việt. Các nền điện ảnh nổi tiếng như Holliwood, châu Âu, Trung Quốc hay Hàn Quốc đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp phim kinh phí kỉ lục thì "ngã ngựa", phim kinh phí cực thấp, tưởng chừng "làm chơi" mà lại "ăn thật", thậm chí vào danh sách phim kinh điển của nền điện ảnh.

Bởi thế, trong làm phim, không có công thức nào đúng hoàn toàn. Công thức duy nhất có thể áp dụng, có lẽ chính là "làm phim với cả trái tim".