“Cô Ba Sài Gòn”, “đánh thức” giá trị tà áo dài truyền thống

(PLO) -Sau khi bộ phim “Cô Ba Sài Gòn”  được công chiếu, đâu đó trong tâm thức của khán giả đã có cách nhìn mới, trân quý và đề cao hơn giá trị của tà áo dài Việt. Nó trở nên gần gũi và thân thuộc hơn đối với mọi tầng lớp trong xã hội.
“Cô Ba Sài Gòn”, “đánh thức” giá trị tà áo dài truyền thống

Tái hiện thời “vàng son” áo dài truyền thống

Mặc dù chỉ mới ra mắt và công chiếu một thời gian ngắn nhưng phim “Cô Ba Sài Gòn” đã gây “sốt” ở các rạp chiếu phim. Đây được xem là bộ phim mang đậm tính nhân văn khi giới thiệu và tôn vinh nét đẹp duyên dáng, kín đáo của trang phục áo dài truyền thống.

Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã đưa người xem trở về thập niên 60 - 70, thời đại “vàng son” của áo dài Việt. Mặc dù, lúc bấy giờ đã có sự du nhập văn hóa của các nước phương Tây với các trang phục đầm, váy hiện đại nhưng áo dài vẫn chiếm ưu thế.

Bối cảnh phim xoay quanh sự nghiệp gìn giữ truyền thống may áo dài qua 9 đời của nhà may Thanh Nữ. Hậu duệ đời thứ 9 là Thanh Mai (do Ngô Thanh Vân thủ vai) vẫn nhiệt huyết, đam mê và muốn gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.

Trong khi đó cô con gái “rượu” của bà Thanh Mai là Như Ý (do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai) có biệt danh là “Cô Ba Sài Gòn” thì chỉ đam mê thời trang phương Tây tân thời, muốn từ bỏ giá trị truyền thống của tà áo dài, đồng thời xem nó là một điều gì đó cũ kỹ, lỗi thời.

Cô khát khao trở thành một nhà thiết kế nhưng tuyệt nhiên không muốn trở thành nghệ nhân may áo dài như truyền thống gia tộc. Từ đó, dẫn đến những xung đột giữa mẹ con và đưa đến cao trào. Đây không đơn thuần là mâu thuẫn gia đình mà nó đã trở thành sự đấu tranh giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại.

Trang phục áo dài truyền thống
Trang phục áo dài truyền thống 

Bộ phim thật khéo léo khi giải quyết vấn đề nhờ vào miếng ngọc gia truyền có khả năng xuyên không đưa Như Ý đến tương lai năm 2017 để chứng kiến nhiều biến cố gia đình và sự thất bại của bản thân. Từ đó, dẫn đến những thay đổi về suy nghĩ và hành động…

Tại đây, cô phải làm công cho Helen (do Diễm My 9x thủ vai), một nhà thiết kế quyền lực nhất Sài Gòn và đối diện với “phiên bản già” tồi tệ của chính mình. Thoạt đầu có chút bỡ ngỡ nhưng rồi Như Ý lại bắt nhịp ngay với cuộc sống hiện tại cùng những mốt thời trang hợp thời.

Niềm đam mê thiết kế vẫn âm ỉ đâu đó trong lòng đã thôi thúc cô sáng tạo và thành công với những mẫu thời trang hiện đại. Nhưng rồi thách thức mới lại đặt ra với cô khi bị yêu cầu thiết kế một bộ sưu tập áo dài.

Trong phim có lẽ tình tiết nhiều người mong đợi nhất chính là lúc Như Ý thức tỉnh và nhận ra được giá trị thật sự của áo dài truyền thống. Những nét cổ điển mà ta vốn cho là xưa cũ, tưởng chừng như đã bị lãng quên tự bao giờ thực sự mới đẹp và đáng trân. Vốn là một người rất ghét áo dài nhưng chính áo dài đã cứu sống lại cuộc đời cô và đưa cô đến vinh quang. Từ đó thấy được cần dung hòa giữa hiện đại và truyền thống trong mọi mặt đời sống. 

Mượn lời nhân vật Thanh Mai, truyền nhân thứ 9 của nhà may Thanh Nữ, bộ phim đã khéo léo truyền tải đến khán giả “công thức” của một chiếc áo dài đẹp. "Một chiếc Áo dài hoàn chỉnh phải trải qua 5 giai đoạn: Đo, cắt, ráp, luồn vải, kết nút và ủi. Khâu nào cũng quan trọng hết, tất cả phải kết hợp nhuần nhuyễn, may ra cái áo dài mới đẹp. Người đo phải tinh ý gia giảm thể trạng người mặc, còn người cắt phải ăn ý với người đo".

Đồng thời "Vải có hoa văn thì phải canh chỉ cho đối xứng tà trước, tà sau. Nút muốn kết cho đẹp thì sợi chỉ phải trải đều, không được dồn cục, chiếc áo may ra có thể sắc sảo được". Nhờ vậy mà "áo dài bất kỳ ai mặc lên cũng đẹp".

Mang giá trị giải trí và giáo dục cao

Theo trào lưu và thị hiếu của người xem, để hút khách đa phần các bộ phim xoay quanh vấn đề tình yêu nam nữ ướt át, lãng mạn nhưng với “Cô Ba Sài Gòn” lại khác. Bộ phim thực sự đã mang lại cho khán giả vô vàn cung bậc xúc cảm mới mẻ qua những nét truyền thống và các giá trị giàu tính nhân văn.

Giữa cuộc sống, ồn ào vội vã nơi phố thị, “Cô Ba Sài Gòn” như một nét phá cách, mở một không gian yên tĩnh, lắng đọng để hoài niệm tìm về với những giá trị văn hóa của dân tộc vốn đang dần bị lãng quên. 

Áo dài tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng và quyến rũ của người phụ nữ
Áo dài tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng và quyến rũ của người phụ nữ 

"Cô Ba Sài Gòn" cũng là một thông điệp các nhà làm phim gửi đến giới trẻ: Trong cuộc sống, đôi lúc cần làm theo những điều mình thích nhưng không phải điều nào mình thích cũng đúng. Háo thắng, vội vã dễ dàng dẫn đến thất bại.

Và hơn cả, đó là thông điệp về sự trường tồn của vẻ đẹp truyền thống, của tà áo dài Việt Nam./.

Đọc thêm