Cô gái nhớ “tất tần tật” mọi chuyện từ khi chào đời

Căn bệnh kỳ lạ đã mang lại cho cô gái trẻ 25 tuổi người Úc một bộ nhớ khổng lồ khiến cô có được ký ức kể từ khi mới 12 ngày tuổi.
Cô gái nhớ “tất tần tật” mọi chuyện từ khi chào đời
Rebecca Sharrock là một trong số 80 người mắc phải hội chứng trí nhớ siêu phàm hyperthymesia (hay HSAM) hiếm gặp. "Tôi nhớ mẹ đặt tôi ngồi vào ghế trong xe ô tô rồi chụp ảnh lại khi tôi mới 12 ngày tuổi," Rebecca kể. "Đó là ký ức sớm nhất của tôi".
Kể từ đó, từng sự kiện xảy ra xung quanh như thời tiết có đẹp hay không đều được bộ não Rebecca ghi lại tỉ mỉ và không bao giờ xóa đi. Rebecca không những có thể nhớ được gần như mọi giấc mơ mình từng có mà ngay cả những việc viển vông vặt vãnh từ nhiều năm trước cũng nằm im trong trí nhớ như thể vừa mới xảy ra cách đây mấy phút thôi. Bởi vì trí nhớ của Rebecca luôn luôn "mới mẻ" nên ngay cả những cảm xúc gắn liền với nó cũng được lưu trữ lại rất rõ ràng.
"Tôi nhớ đầu gối bị trầy xước vì ngã ở nhà ông bà lúc 3 tuổi. Bây giờ nghĩ lại, đầu gối tôi giống như lại có chút nhưng nhức," Rebecca nhớ lại.
Tuy nhiên vì não phải xử lý quá nhiều suy nghĩ và ký ức cùng một lúc nên Rebecca lúc nào cũng căng thẳng. Không những thế, cô cũng không biết những ký ức thỉnh thoảng lại ùa về một cách bất ngờ là đẹp hay xấu.
"Ở trường tôi khá là ít nói và không giao tiếp mấy nên hay bị bắt nạt," cô nói. "Khi tôi trở lại trường dự lễ tốt nghiệp của em gái, những hình ảnh đó đột nhiên hiện lên khiến tôi bật khóc và phải rời đi”.
Cứ mỗi khi những ký ức và suy nghĩ trở nên quá tải, Rebecca lại đọc thuộc lòng truyện Harry Potter để trấn tĩnh lại. Đến nay, cô đã thuộc nhằm lòng cả bảy quyển sách!
Không ai biết Rebecca bị mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm cho đến khi mẹ cô vô tình xem một tập phim về những bệnh nhân của hội chứng kỳ quái này.
"Tôi liền biết ngay là con bé cũng bị hội chứng này. Ký ức của nó sinh động đến nỗi đôi khi nó trả lời những câu hỏi mà tôi còn chưa kịp nói ra khỏi miệng chỉ vì nó vẫn nhớ những đoạn đối thoại từ bao nhiêu năm trước đó”, bà Janet Barnes, mẹ của Rebecca, cho biết.
Bà Janet Barnes sau đó đã liên lạc với các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học California, Mỹ, để đưa Ms Sharrock đi xét nghiệm. Đa số những người bị hội chứng này đều có độ tuổi trên 40 nên việc một ‘bộ não trẻ’ như Rebecca tham gia vào nghiên cứu đã giúp ích rất nhiều.
Trước đây Rebecca vẫn tự ti vì nghĩ rằng đây là khiếm khuyết của bản thân, nhưng sau khi biết về nguyên nhân và tình trạng thực tế của mình, Rebecca đã trở nên tự tin và có thể làm được nhiều việc một cách độc lập.

Đọc thêm