Có nên làm gameshow về rap cho trẻ em?

(PLVN) - Nhạc Rap có dành cho trẻ nhỏ? Trẻ con có nên tham gia các chương trình gameshow về rap? Đây là đề tài đang được tranh luận sôi nổi trong làng giải trí thời gian này. Với những bất cập đã diễn ra từ các gameshow dành cho trẻ trước đây thì mối lo của người lớn dành cho Rap Kids không phải là vô cớ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Rap Kids, cuộc chơi có dành cho trẻ nhỏ?

Thời gian gần đây, rap bỗng trở thành trào lưu của cộng đồng âm nhạc khi xuất hiện hẳn những gameshow đình đám trên truyền hình về rap. Rap Việt, một chương trình nổi tiếng với lượt xem cao cũng vừa kết thúc. Mới đây, cuộc thi Rap Kids được công bố chiêu mộ “tài năng rap nhí Việt Nam” và đã nhận nhiều phản ứng từ dư luận. Trong đó, phần nhiều bày tỏ sự phản đối.

Giới “mê” rap thì cho rằng, khó lòng những đứa trẻ có thể tham gia thi rap thực thụ, vì đây là cuộc chơi đòi hỏi rất nhiều yếu tố: tự viết lời bài hát, sáng tạo flow (nhịp chảy) bài hát. Phần lời đòi hỏi ở các em tư duy về ngôn ngữ, sự trải nghiệm cuộc sống. Còn phần nhịp chảy đòi hỏi ở các em kiến thức về âm nhạc nói chung và rap nói riêng.

Tan Lie, một rapper trẻ, cho biết, cộng đồng rap được quyền “nghi ngờ” rằng một khi tham gia cuộc thi rap đòi hỏi nhiều yếu tố thế này, thì những thí sinh nhỏ tuổi liệu có thể trở thành “con rối” để người lớn sắp đặt, biểu diễn theo những gì đã được sắp xếp?

Nhiều người cho rằng, cuộc thi thực sự không phải là “tìm kiếm tài năng rap” trong thế hệ thiếu nhi Việt Nam, mà là “ăn theo” sự nổi tiếng của các chương trình rap dành cho người lớn để tạo ra một chương trình giải trí có lượng xem cao, thu lợi nhuận. 

Trên một diễn đàn về nuôi dạy con, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, từ trước đến nay, mặt tiêu cực của các chương trình gameshow dành cho thiếu nhi đã có thể nhận diện rõ, như việc các em bỏ bê học hành, áp lực lớn từ tranh đua quyết liệt, áp lực của việc bỗng dưng nổi tiếng. Thậm chí có em còn trở nên trầm cảm, khép kín sau những cú sốc từ chỉ trích của mạng xã hội. 

Vậy có cần thiết cho ra đời thêm một chương trình gameshow dành cho thiếu nhi nữa hay không, khi vốn dĩ đã rất nặng tính giải trí, phục vụ sự tò mò của các khán giả người lớn, không rõ có đem lại lợi ích gì cho đời sống tinh thần của các em?

Cạnh đó, khán giả cũng lo ngại việc trẻ em phải sớm tiếp xúc với những mặt trái của rap: những trận tranh cãi nảy lửa, những xích mích trong giới underground ngoài đời... Số ít ý kiến, trong đó có một số rapper thì cho rằng nên cho các em thử sức để phát hiện tài năng, khuyến khích tư duy âm nhạc cho trẻ em. 

Mảng tối của rap Việt

Phía ban tổ chức cuộc thi Rap Kids cũng có phản hồi nhằm bảo vệ quan điểm nên tổ chức cuộc thi. Tuy nhiên, những phản hồi được đưa ra trên trang chính thức của Rap Kids càng khiến các bậc phụ huynh lo ngại hơn.

Lý do là ngôn ngữ của người đại diện ban tổ chức diễn đạt mang tính gây hấn, rối rắm và sai chính tả trầm trọng. Nó thể hiện phần nào tư duy và tính chuyên nghiệp của một cuộc thi. Khi bị phản ứng, phía Rap Kids cho rằng “sai chính tả là đặc sản của Rap Kids”.

Thực tế, các chương trình Rap đang nổi đình nổi đám hiện nay có không ít khán giả là thiếu nhi, thiếu niên. Với sự phát triển của công nghệ, các em dễ dàng tiếp cận nhiều chương trình, thể loại âm nhạc khác nhau. Các em cũng là fan hâm mộ của nhiều rapper trong và ngoài nước. 

Không thể phủ nhận tài năng của nhiều rapper hiện nay. Ở họ có sự nhạy bén trong tư duy âm nhạc, sự phong phú về ngôn ngữ và khả năng ứng biến, tính sáng tạo cao. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, bên cạnh đó, rap trong nước vẫn còn tồn tại những mảng tối. Đó là những xu hướng tục, bậy, chửi rủa trong ngôn ngữ rap, là sự phóng túng, bất cần đời trong lối sống của một bộ phận không nhỏ rapper. 

Ngay trước thềm chung kết cuộc thi Rap Việt đình đám MCK, một rapper được coi là “nhân tố thú vị”, đã có những phát ngôn thiếu văn hóa trên trang cá nhân khiến nhiều khán giả đang yêu mến trở nên tức giận. Không chỉ vậy, để đáp trả những công kích, rapper này còn viết thêm 1 bài thách thức dư luận với toàn những câu “chửi thề” chen ngang.

Nhiều người cũng biết một sự thật, trước đó, không ít thí sinh của các cuộc thi đang đình đám từng là những rapper “nói bậy có tiếng”, vì tham gia cuộc thi, họ đã tạm khóa những phát ngôn hay bài rap ngông cuồng của mình trước đây.

Chị Lê Nguyễn Vi An, ngụ quận 4, TP HCM, phụ huynh có con đang học lớp 6, chia sẻ: “Thấy con mê rap tôi cũng thấy bình thường, vì xem rap trên truyền hình thấy cũng hay hay. Nhưng mấy hôm trước, con tôi xem một bạn rapper nổi tiếng livestream, tôi tình cờ nghe thì bạn ấy trò chuyện thế này: Các bạn hỏi gu bạn gái của mình là gì, để mình trả lời nhé, gu của mình là mẹ bạn”, tôi giật mình và nghĩ mình phải lọc lại việc xem rap, hâm mộ rapper của con”.

Thời gian gần đây, nhiều người hâm mộ Việt phấn khởi vì sự xuất hiện của những chương trình hay về rap và một thế hệ những rapper văn minh. Tuy nhiên, phía tối của rap thì vẫn còn đó, và đó cũng là lý do mà cộng đồng kêu gọi cần có sự cân nhắc đến một chương trình về rap dành cho thiếu nhi.