Dân mình rất dễ bị lừa…

(PLO) - Cái gì lên hình dường như đều long la long lanh nên thị giác bị đánh lừa, dẫn đến rất dễ bị lú khi đưa ra một quyết định đúng đắn. Nhiều cô cậu lạm dụng photoshop, nhiều người nhờ phần mềm chỉnh sửa ảnh biến vịt giời thành thiên nga lòe thiên hạ. Ấy vậy nhưng cũng khối người tin, rồi cứ hồn nhiên theo dõi facebook mà không thể hình dung một ngày đẹp trời bắt gặp gương mặt mộc của thần tượng lại “xấu kinh” đến thế.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Nhưng trong bài này, Thị Nếp lại muốn nói đến một sự kiện khác mà cũng lừa thiên hạ đến… phát hờn. Nhiều người hờn thật khi đến tham dự rồi ra về với một nỗi bực mình tê tái. Cũng là lên báo, lên mạng với những hình ảnh đẹp lung linh, kỳ ảo đến khó cưỡng, kèm theo đó là những lời quảng cáo: “Lễ hội đèn lồng khổng lồ đến từ… Hàn Quốc”. Lễ hội này được tổ chức tại Công viên LePARC by Gamuda và theo như quảng cáo thì nó kéo dài tận 51 ngày. Không tin thì bạn có thể lên Google tìm kiếm cụm từ Lễ hội đèn lồng khổng lồ 2016 thì sẽ được cả đống kết quả hình ảnh “thiệt là đẹp”… Nhưng có đến đó rồi nhiều người mới hỡi ôi rằng mình bị bịp!?.

Trên một diện tích đất nền bụi bặm rộng  50.000m2  là những chiếc đèn mô phỏng các kỳ quan thế giới như tháp Eiffel của Pháp, tháp truyền hình Nhật Bản, tháp nghiêng Pisa... Rồi các con giáp, những nhân vật hoạt hình, và một con rồng dài trong khuôn viên. Tất cả được bày biện một cách lộn xộn, rời rạc và những chiếc đèn thì được làm một cách không tinh xảo, nếu như không muốn nói là xấu và cẩu thả. Trong “lễ hội”, còn có nơi bày bán, ăn uống và cả sân khấu tạp kỹ với các chương trình bốc thăm trúng thưởng và ca nhạc với những giọng ca, ban nhạc không tên tuổi.

Nhưng “chát” nhất là vé vào cổng. Người lớn phải trả 80.000đ/người, và trẻ em là 50.000đ/vé. Thà bỏ tiền ra để xem một chương trình văn hóa nghệ thuật thị giác có chất lượng thì không ai kêu ca làm gì. Đằng này vừa lội bụi, vừa xem mấy chiếc đèn lồng và ca nhạc ất ơ, làm cho người xem liên tưởng đây là một hội chợ lô tô thường thấy ở các vùng quê xa xôi. Và ai vào lội một vòng, chụp choẹt mấy cái ảnh thì đều ngao ngán lắc đầu ra về với một niềm tin rằng: Một đi không trở lại.

Thị Nếp hỏi chuyện một anh tên Đạt ở Lò Đúc, anh nói: “Dân mình dễ bị lừa thật, mình mới mua vé vào đã thấy ngán và muốn về ngay, chẳng hiểu thế này mà người ta trụ được 51 ngày thì giỏi quá. Từ vụ này, chắc mình phải cảnh giác hơn với những hình ảnh quảng cáo trên báo và trên mạng…”.

Chốt lại dân mình vốn dễ tin, nhưng chả nhẽ cứ để niềm tin bị đánh cắp mãi thế? Niềm tin ấy còn có thể quy ra thóc. Tiền mất vào những điều ất ơ là thứ khiến người ta cảm thấy bực dọc hơn cả. Ai còn có ý định đi xem đèn lồng khổng lồ thì hãy tỉnh táo để không chuốc bực vào mình!.

Đọc thêm