Danh hài - một phút huy hoàng rồi vụt tắt?

(PLO) - Có những cuộc thi xướng tên những người “ngoại đạo” chỉ vài chục lần họ diễn trên sân khấu. Thế nhưng, cũng có những người phải khổ luyện rất nhiều năm mới có thể đạt đến danh hiệu đấy. Vậy thì ai mới là danh hài thực sự, ai mới là người có sức bền để đi xa trên con đường mang tên “danh hài”?
Nam Thư được “sủng ái” sau cuộc thi hài nhưng để giữ được hào quang này dài lâu hay không lại là
 chuyện khác.
Nam Thư được “sủng ái” sau cuộc thi hài nhưng để giữ được hào quang này dài lâu hay không lại là chuyện khác.

Ai cũng có thể thành danh hài?

Chưa bao giờ các cuộc thi hài trên sóng truyền hình lại bùng nổ như hiện nay. Đồng ý rằng có những người đến với cuộc thi dù chưa qua đào tạo nhưng thật sự để lại dấu ấn bởi họ có cái duyên với nghiệp. Tuy nhiên, cái duyên ấy thì hiếm mà cái đại trà thì lại rất nhiều.

Bằng chứng là trong “thế giới” hài ở Việt Nam chính là có một số diễn viên được đào tạo bài bản, nhưng không nổi tiếng bằng các diễn viên trẻ, thậm chí là nghiệp dư. Bởi bằng sự nhạy bén với thời cuộc, thế hệ “chưa” chuyên ấy biết bám lấy các cuộc thi, các gameshow hài trên sóng truyền hình để đến được gần hơn với người xem.

Dẫn chứng như chị Dần rõ ràng chỉ là “ngoại đạo” nhưng sau chương trình “Thách thức danh hài” và “Cười xuyên Việt” thì phủ sóng trong giới hài nhiều hơn cả những diễn viên hài chuyên nghiệp tại các nhà hát.

Hay như Nam Thư cô diễn viên trẻ của sân khấu kịch Nụ cười mới (TP HCM). Cô rõ ràng đã mất rất nhiều năm khổ luyện trong môi trường nghệ thuật tại đây và từng tham gia đóng phim, diễn kịch một thời gian dài nhưng vẫn chưa được khán giả quen mặt, nhớ tên. Nhưng rồi chỉ sau khi tham gia “Cười xuyên Việt” với danh hiệu được chương trình phong tặng là “Kiều nữ làng hài” ngay lập tức, Nam Thư đã trở nên đắt sô.

Và chỉ một phút lóe sáng trên sóng nhà đài bằng một tiết mục hấp dẫn, một giải thưởng giành được tại cuộc thi, các gương mặt trẻ đã được nhớ đến. Đồng thời, sự phát triển của mạng xã hội facebook, youtube cũng đã hỗ trợ đưa những tiết mục của các thí sinh đến gần với công chúng hơn. Và cứ như vậy, mọi thứ cộng hưởng lại với nhau khiến cho sự nghiệp bỗng “lên như diều gặp gió” điều một vài nghệ sĩ khác vẫn chưa “chạm” vào được dù mất rất nhiều năm rèn luyện. 

Có rất nhiều cái “lợi” có nhìn thấy rõ ràng nhất khi mà tên tuổi được xướng lên tại cuộc thi tìm kiếm danh hài. Con đường đến với sự nghiệp hài được rộng mở hơn. Đồng nghĩa với việc được nhiều người biết đến và tên tuổi đang “nóng” thì việc được nhà sản xuất nhắm cho những vai trò mới như: diễn viên, đạo diễn, giám khảo/giám khảo khách mời... là chuyện dĩ nhiên. 

Lóe sáng như que diêm?

Những lập luận ở trên một lần nữa chứng minh hiện nay đang có rất nhiều người đi “tắt” để có thể đến được với danh hiệu “danh hài”. Nhưng họ quên mất rằng, chỉ một lần vụt sáng không thể đưa họ đến được với ngôi vị đó. Hay nói cách khác, nếu thật sự không có tài năng thì việc bị đào thải là chuyện một sớm một chiều. Để trở thành một danh hài chân chính, đó là một quá trình khổ luyện đầy gian nan. Và để đi sâu được vào lòng công chúng đôi khi chữ hài cũng phải đi kèm với chữ duyên.

NSƯT Thúy Ngần - Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đã từng trả lời báo chí rằng: “Lứa nghệ sỹ chúng tôi đã phải lần từng bước gian truân trong nghệ thuật. Rất hiếm nghệ sỹ được khán giả nhớ tới theo kiểu “một phút lóe sáng” như hiện nay mà tất cả đều phải tích cóp, cống hiến dài lâu”.

NSƯT Thúy Ngần cũng khẳng định, thông thường, một nghệ sỹ được khán giả yêu mến phải có cả chục năm tôi luyện và thử thách với nghề. Đương nhiên, khi đã được khán giả biết mặt biết tên thì thường rất bền lâu, hầu như không có những ồn ào, tranh cãi liên quan đến chuyên môn.

Rõ ràng là như vậy, không ai bàn cãi tài năng và sự cống hiến của Xuân Bắc, Tự Long... dù khán giả không biết họ đã tham gia cuộc thi nào để thử sức tài năng của mình hay chưa. Nhưng Lê Dương Bảo Lâm quán quân của “Cười xuyên Việt 2015” lại đầy tranh cãi.

Thậm chí sau cuộc thi người ta còn chả nhớ nổi tên quán quân và sau đó khán giả cũng chả nhớ được nhân tố đó đã cống hiến được gì sau khi bước ra khỏi cuộc thi. Ấy thế mới nói, trở thành danh hài sau cuộc thi chưa chắc đã có thể dài hơi mà giữ lấy danh hiệu đó. Chứ chưa kể đến, trong cuộc thi được gọi là danh hài nhưng bước ra khỏi cuộc thi rồi danh hiệu cũng mất hút luôn.

Con đường trở thành danh hài không dễ dàng và cần được thử thách qua thời gian. Việc bằng lòng quá sớm rất dễ khiến diễn viên trẻ lặp lại chính mình, cạn kiệt tài năng, làm nên các tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng, thậm chí là nhảm nhí. Chính vì thế, không cách gì khác, chỉ khi còn giữ lửa nhiệt huyết và tôi luyện với nghề, các danh hài mới mong tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.

Đọc thêm