Dặt dìu chợ tình Khâu Vai

(PLO) - Câu chuyện tình trắc trở giữa chàng Ba dân tộc Nùng và cô Út dân tộc Giáy là "bản nhạc buồn một nốt" với lần gặp nhau duy nhất 27/03 âm lịch hàng năm. Đây chính là nguồn cảm hứng để tạo nên phiên chợ tình Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đặc sắc bậc nhất nơi rẻo cao này…
Dặt dìu chợ tình Khâu Vai
Từ câu chuyện huyền thoại...
Sự tích bắt nguồn từ truyền thuyết về tình yêu của chàng Ba và cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ. Vì trắc trở đó họ đã phải chia tay trong đau khổ và tuyệt vọng. 
Ngày đó là ngày 27/03 âm lịch. Họ cắt máu ăn thề, hẹn rằng cứ đúng ngày này lại gặp nhau tại Khâu Vai, hát cho nhau nghe, kể những câu chuyện mà một năm qua cả hai trải qua. Ngày cuối cùng, họ gặp nhau bên gốc cây, tảng đá hẹn thề. Họ ôm chặt nhau và cùng ra đi vào cõi vĩnh hằng. Đó là lí do vì sao có nét văn hóa “Chợ tình Khâu Vai” đặc sắc hàng năm.
Ai có thể ngờ, trên những ngọn núi cao chót vót trùng điệp kia, vậy mà có một nét văn hóa nhân văn, độc đáo và sâu sắc đến vậy. Nhớ về quá khứ trong mỗi con người là một tâm lý hết sức bình thường, bởi cuộc sống đã kéo mỗi người đi một hướng khác nhau. Yêu nhau, không đến được với nhau nhưng trong tim luôn nghĩ về nhau. Và họ sẽ đến với chợ tình Khâu Vai, tìm gặp lại người xưa trong một đêm ngắn ngủi. C
hỉ một đêm trong một năm cũng làm ấm lại lòng những đôi trai gái yêu nhau thật sự nhưng không có duyên phận được sống bên nhau. Và phải bao dung đến mức, mỗi năm vợ chồng dắt nhau đến chợ tình Khâu Vai, rồi mỗi người đi về một hướng để tìm về với người yêu xưa thì thật là độc đáo, hết sức đáng trân trọng và hình như chỉ có ở cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao Hà Giang.
Anh Lầu A Pó, dân tộc Nùng và chị Pao Thị Mị, dân tộc Mông đã hẹn hò nhau được 4 năm mỗi dịp đi chợ tình về. Bị gia đình phản đối vì khoảng cách địa lí, hai nhà ở quá xa nhau, phong tục tập quán lại khác nhau. Pó và Mị không đến được với nhau, nhưng trong lòng họ vẫn nhớ về nhau và xem đó như những kỉ niệm đẹp thời trẻ của mình. 
Lầu A Pó chia sẻ: “Chúng tôi kể cho nhau nghe về những gì mình đã làm, chuyện gia đình của mỗi người, những tủi hờn đã phải trải qua, an ủi, động viên cùng nhau cố gắng và hứa với nhau phiên chợ tình năm sau sẽ lại đến đây để gặp nhau”.
May mắn hơn là đôi vợ chồng là anh Giàng A Sử và chị Mua Thị Máy đang nắm tay nhau tình tứ và hạnh phúc rời chợ tình Khâu Vai vào tối muộn. Hỏi chuyện mới biết hai anh chị đến từ các dân tộc khác nhau, hai năm về trước cũng đến Khâu Vai để chơi chợ tình cùng bạn bè, rồi gặp nhau và có cảm tình ngay từ những ánh mắt, cử chỉ lần đầu gặp gỡ. 
Máy chia sẻ: “Anh Sử xin số điện thoại, rồi thi thoảng nói chuyện, giữ liên lạc cho đến chợ tình sang năm gặp lại nhau và xin hai gia đình để được đến với nhau. Năm nay, tôi đến đây để thắp hương tạ ơn Miếu Ông – Miếu Bà đã se duyên cho vợ chồng”.
Tìm về chợ tình Khâu Vai
Năm nay, chợ tình Khâu Vai có những đổi mới để thu hút khách du lịch. Tối 25 tháng 3 âm lịch (tức ngày 13/05/2015) diễn ra Khai mạc Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội “Chợ tình Khâu Vai” năm 2015 và chương trình chung kết “Người đẹp miền cực Bắc lần thứ II”. Cuộc thi nhằm mục đích tôn vinh nét duyên dáng, nét dân tộc đặc sắc của mỗi người con dân tộc đến từ các vùng quê trong cộng đồng tỉnh Hà Giang.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa năm nay còn diễn ra rất nhiều chương trình, cuộc thi đổi mới so với năm trước các du khách khi đến đây sẽ được trải nghiệm hoạt động “Cưỡi ngựa về chợ tình”, “Thi đan nón lá, làm bánh dày của các dân tộc Giáy, Nùng”. Mỗi hội thi mang một ý nghĩa đầy nhân văn, nhằm khích lệ bà con dân tộc nơi đây làm nông nghiệp giỏi và phát huy, giữ gìn những nét truyền thống, làng nghề có từ ngàn đời nay. 
Vào những ngày này, bà con dân tộc nơi đây còn đến với chợ tình Khâu Vai để dâng hương ở Miếu Ông – Miếu Bà. Với những đôi lứa đang yêu nhau, người ta đến Miếu để cầu duyên, mong được sớm về chung một nhà, đồng thời cũng là dịp để những chàng trai, cô gái đã nên vợ, nên chồng sắm sính lễ về đây tạ ơn Miếu Ông – Miếu Bà đã se duyên cho họ và cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Rời Khâu Vai vào tối muộn, vẫn còn bên tai văng vẳng câu hát thiết tha: “Chàng ơi xuống núi cùng em/Nhớ mang theo ngựa và đi một mình/Em đây tuy chẳng còn xinh/Có ô che nắng chợ tình phong lưu...” như một lời gọi mời khó cưỡng khiến ai cũng lưu luyến, nhớ nhung…

Đọc thêm