ĐBSCL, bao giờ hết cảnh “đi một nơi, biết cả vùng”?

(PLO) - Để tránh điệp khúc “lên xuồng, xuống ghe, vô vườn, nghe đờn ca tài tử”, các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ráo riết “làm mới mình”, nhất là Năm Du lịch quốc gia 2016 Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long đang tới gần.
Ngoài thế mạnh du lịch sông nước, hiện nay sản phẩm du lịch của ĐBSCL vẫn rất nghèo nàn, đơn điệu.
Ngoài thế mạnh du lịch sông nước, hiện nay sản phẩm du lịch của ĐBSCL vẫn rất nghèo nàn, đơn điệu.
Nhàm chán du lịch “dập khuôn”
Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) có cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình và quyến rũ, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường trong lành, tài nguyên thiên nhiên phong phú kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm.  Nhưng những năm gần đây, du khách đến chơi khi ra về đều bày tỏ thái độ thất vọng bởi sự nghèo nàn của các sản phẩm du lịch. 
Dễ nhận thấy các tuyến du lịch ở ĐBSCL đều tương tự giống nhau. Sau vài giờ lênh đênh sông nước, du khách nhận ra rằng văn minh sông nước miệt vườn ở Vĩnh Long chẳng khác gì Tiền Giang hoặc Bến Tre, với môtip quen thuộc: xuống đò qua cù lao, đi xuồng vào các kênh rạch nhỏ, tham quan vườn trái cây, lò kẹo dừa, lò bánh tráng, đi xem chợ nổi, tham quan lò gạch ngói, ăn trái cây và... nghe đờn ca tài tử.
Điệp khúc “lên xuồng, xuống ghe, vô vườn, nghe đờn ca tài tử” vẫn ngân dài trải khắp 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Du khách loay hoay khám phá trong đơn điệu, trùng lắp, nhàm chán bởi “đi một nơi, biết cả vùng”. 
Một giám đốc công ty lữ hành cho hay, những người làm du lịch sông nước ở các tỉnh không muốn đầu tư sáng tạo. Bởi chỉ cần đưa ra sản phẩm du lịch mới chưa đầy tuần lễ là các nơi đã sao chép nguyên xi. Khi du lịch Cồn Phụng (Bến Tre) đưa chương trình “Về quê tát mương bắt cá”, “Một ngày làm nông dân”, Cái Bè (Vĩnh Long) với loại hình du lịch “Home-Stay” hay Cần Thơ với “Du lịch bằng xe đạp” đã rất thành công trong việc tạo ra sự mới lạ cho du khách thì ngay lập tức hầu như các tỉnh lân cận đều “dập khuôn” đưa chương trình này vào tour, tuyến tham quan của mình. 
Chương trình phục vụ du khách của một số tỉnh bị trùng lắp, dễ gây nhàm chán. Các nội dung khác chưa được khai thác đúng mức (resort trên bãi biển, trên núi, lặn biển, picnic, cắm trại, đi xe đạp xuyên ĐBSCL…). Vì vậy, không ít du khách chỉ có thể khám phá vùng đất sông nước 1, 2 ngày là… hết chỗ chơi!
Đẩy mạnh tour, tuyến mới
Để đa dạng hóa tour, tuyến điểm, ngoài du lịch sông nước, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện du lịch như: lễ hội Vía bà Chúa Xứ ở An Giang, lễ giỗ Anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, lễ hội Nghinh Ông ở Trà Vinh, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, Trà Vinh… Hiện các tỉnh ĐBSCL đang nâng cấp các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan, du lịch, di tích văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ du khách. 
Về lâu dài, ĐBSCL định hướng phát triển du lịch theo cụm. Trong đó, cụm trung tâm (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang) phát triển du lịch sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) phát triển loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer. 
Cụm duyên hải phía đông (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh) phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp) phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước Đồng Tháp Mười. 
Năm Du lịch quốc gia 2016 Phú Quốc – ĐBSCL với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô tầm quốc gia và quốc tế. Chuỗi 65 chương trình, sự kiện xuyên suốt Năm Du lịch quốc gia 2016 sẽ là sự đầu tư rất lớn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng 13 tỉnh ĐBSCL đồng hành với nỗ lực của nhà đăng cai tổ chức - tỉnh Kiên Giang. 
Các sản phẩm du lịch chính gồm nhiều nhóm như: sản phẩm sinh thái gắn với biển, đảo; sản phẩm gắn với làng nghề; sản phẩm gắn với lễ hội, tín ngưỡng… Trên cơ sở đó, các tour, tuyến du lịch mới trong nước, quốc tế đã được hình thành. Trong đó đáng chú ý là tour kết nối “3 quốc gia 1 điểm đến” với Campuchia, Thái Lan… 
Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Những trưng bày trong Tuần văn hóa du lịch kết hợp cùng buổi tọa đàm và triển lãm giới thiệu về văn hóa và ẩm thực tại tỉnh Kiên Giang chắc chắn sẽ thu hút khách du lịch khám phá Phú Quốc – ĐBSCL với nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong cảnh và ẩm thực độc đáo”.

Đọc thêm