Đề nghị đàn bầu là di sản văn hóa phi vật thể thế giới

(PLO) -Theo các chuyên gia âm nhạc, để có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đàn bầu - nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam, đồng thời khẳng định rõ ràng cây đàn bầu là của người Việt Nam, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, Nhà nước cần nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam.
 
NSND Hoàng Anh Tú với độc huyền cầm
NSND Hoàng Anh Tú với độc huyền cầm

Thế giới ngợi ca tính độc đáo...

Xuất phát từ một nhạc cụ dùng để kiếm sống của những người hát xẩm phiêu bạt khắp làng quê, góc phố nghèo, kẻ chợ... vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đàn bầu- “độc huyền cầm” tham gia một số dàn nhạc sân khấu chèo, tuồng. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đàn bầu được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh- tỳ-nhị và bầu trong dàn nhạc cung đình Huế. Trải qua những bước thăng trầm trong suốt quá trình lịch sử, ban đầu đàn bầu làm từ ống bương, ngựa đàn là mảnh sành, mảnh sứ hoặc miếng gỗ cứng, vòi đàn là một que tre dài làm bằng dây móc, dây gai, dây tơ, bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm hoặc vỏ gáo dừa khô... Cho đến khi, thân đàn làm bằng gỗ, vòi đàn làm bằng sừng, bầu đàn làm bằng gỗ tiện theo hình quả bầu nậm, dây đàn làm bằng hợp kim... Đàn bầu sau nhiều lần cải tiến, đến nay có thể tham gia hòa tấu với nhiều nhạc cụ khác cùng một lúc và có thể trình diễn trên sân khấu lớn.

Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu của Việt Nam được đánh giá là rất đặc sắc, độc đáo, bởi nó là cây đàn duy nhất phát ra âm bồi, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ, có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là kỹ thuật luyến láy… “Lắng tai nghe, đàn bầu/Thánh thót trong đêm thâu/Tiếng đàn bầu của ta/Cung thanh là tiếng mẹ/Cung trầm là giọng cha…”- tiếng đàn bầu Việt Nam phù hợp với tâm hồn, tình cảm và ngôn ngữ của người Việt. Âm thanh đàn bầu vang lên là âm bồi, tay trái bẻ cần đàn có thể tạo ra muôn vàn kiểu luyến láy mềm mại khác nhau kết hợp với các kỹ thuật cơ bản của đàn bầu như: rung, vỗ, lắc, hất, giật, luyến... thì hiệu quả của tiếng đàn bầu vô cùng phong phú.

Đàn bầu đã từ lâu loại nhạc cụ truyền thống này đã chiếm được trái tim của người nghe trong và ngoài nước. PGS.TS. NSƯT Nguyễn Bình Định  chia sẻ: “Nhiều người nước ngoài ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đã cho rằng, họ hiểu con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, qua tiếng đàn bầu. Nếu để chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ Việt Nam, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ chọn đàn bầu. Như vậy có thể coi, đàn bầu là một đại diện, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam”.  NSƯT Bùi Lệ Chi- Trưởng bộ môn đàn bầu, khoa Nhạc cụ truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đồng quan điểm khi cho rằng, với cấu tạo đơn giản nhưng hình dáng đẹp, cùng kỹ thuật gảy bồi âm cũng như âm sắc quyến rũ, đàn bầu đã trở thành một trong những cây đàn đặc sắc đại diện cho tâm hồn, bản sắc văn hoá, “máu thịt” của Việt Nam. Cây đàn bầu bình dị nhưng chứa đựng những thanh âm đắm say lòng người, chinh phục biết bao trái tim người nghe. Đàn bầu cũng là một trong số ít nhạc cụ Việt Nam đã được người nước ngoài nghiên cứu đến từ đầu thế kỷ XX như: Pháp, Đức, Australia, Nhật… Một nhà thơ người Pháp sau khi được nghe tiếng đàn bầu đã xúc động viết: “Cây đàn bầu thật giống/Như con người Việt Nam/Giản dị mà thanh cao/Đơn sơ mà phong phú”.

Nhưng trong nước bị lãng quên

Tuy nhiên, trước xu thế giao lưu, hội nhập âm nhạc như “vũ bão” của công nghệ, internet hiện nay, âm nhạc cổ truyền nói chung và đàn bầu dần bị giới trẻ quên lãng.  

Những năm gần đây, đàn bầu dần ít xuất hiện trong lễ hội, chương trình ca múa nhạc ngay cả trên sóng truyền hình, các dòng nhạc như pop, điện tử “thống trị”. Các chương trình dành cho các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc khan hiếm. Số người theo học đàn bầu giảm đáng kể, hầu như không có sân khấu chuyên nghiệp nào dành riêng để biểu diễn các nhạc cụ truyền thống, trong đó có đàn bầu.

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ chưa thật sự hấp dẫn đối với loại hình âm nhạc dân tộc. Mỗi năm có chỉ khoảng 20 sinh viên tốt nghiệp đàn bầu từ khối các trường văn hóa nghệ thuật. Đầu ra chính của những người học nhạc cụ truyền thống là các đoàn nghệ thuật truyền thống, nhưng những đoàn này chỉ có biên chế một người cho mỗi loại nhạc cụ dân tộc, nên không thể tuyển thêm. Những sinh viên ra trường sẽ chẳng biết đi về đâu. 

Thiếu đất diễn, nhiều người đã tự xoay xở thành lập một số ban nhạc, nhóm đàn bầu nhỏ lẻ để biểu diễn trong nhà hàng, khách sạn. Thế nhưng vì nhu cầu ít, một số ban nhạc, nhóm đàn bầu tan rã chuyển nghề.  Vì “cơm, gạo, áo tiền”, nghệ sĩ đàn bầu dù có tâm với nghề thì tài năng cũng dần mai một. 

Các chuyên gia âm nhạc còn lo ngại trước một số dấu hiệu xâm hại quyền sở hữu đàn bầu của Việt Nam ở nước ngoài.  Các nhà quản lý văn hóa cần sớm đưa ra những tài liệu nghiên cứu chính xác có tính thuyết phục để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với đàn bầu. 

Theo các chuyên gia âm nhạc, Nhà nước cần nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam, để có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đàn bầu - nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam, đồng thời khẳng định rõ ràng cây đàn bầu là của người Việt Nam, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Có đàn nhưng không có tác phẩm

Ngay cả việc sáng tác cho nhạc cụ này chưa được quan tâm đúng mức. Theo PGS. TS. Đỗ Xuân Tùng, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam: “Muốn duy trì và phát triển nghệ thuật đàn bầu, trước hết phải có tác phẩm. Toàn bộ chương trình đếm ra không hết 10 ngón tay bài nhạc, vậy lấy gì để học? Hơn nữa, những tác phẩm trong chương trình dạy nếu nghiêm khắc nhìn nhận mới ở trình độ trung cấp, rất thiếu bài trình độ cao”. Theo chuyên gia âm nhạc, để có những tác phẩm hay cho nhạc cụ dân tộc cũng cần được khích lệ bằng giải thưởng. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên phát động cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc nói chung, đàn bầu nói riêng, bổ sung tác phẩm trong giảng dạy và biểu diễn. Một nhạc cụ nếu không có tác phẩm, không được biểu diễn thì có hay ho đến mấy cũng không có lý do tồn tại.