Đến lúc phim chiếu mạng lên ngôi?

(PLO) - Lễ trao giải Ngôi Sao Xanh lần thứ 5 - năm 2018, sẽ diễn ra 5/1/2019 đã thay thế hai hạng mục phim truyền hình trong nước và nước ngoài được khán giả yêu thích bởi hai hạng mục: web drama hay nhất và diễn viên web drama xuất sắc nhất. Điều này cho thấy web drama, hiện đang là xu hướng giải trí trên toàn cầu và ở Việt Nam, ngày càng được tôn vinh như một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, đi cùng với trào lưu lại là những mặt trái nhức nhối...
Hình minh họa
Hình minh họa

“Cơn bão” web drama

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, phim chiếu mạng hay còn gọi là web drama, đã trở thành một lựa chọn phổ biến với giới làm phim từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, được phần lớn khán giả ưa chuộng.

Từ những bộ phim online với kinh phí thấp, đến nay các nhà sản xuất cũng chia sẻ họ đã đầu tư cho bối cảnh đẹp, phục trang, âm nhạc, nội dung không hề kém cạnh khi so với những tác phẩm chính thống. Một trong những nghệ sĩ trẻ đi đầu trong làn sóng web drama ở Việt Nam, nam diễn viên hài Huỳnh Lập chia sẻ, web drama đình đám của anh “Ai chết giơ tay” được đầu tư gần 4 tỉ đồng, không hề thua kém so với phim điện ảnh. 

Ngày nay, không khó để tìm thấy các bộ phim được chiếu trên Youtube đạt tới vài triệu đến vài chục triệu lượt xem như Nam Phi Liên Hoàn Kế, Thập Tam Muội, Cơm nguội, Ký túc xá, Biệt đội 1-0-2: Lật mặt showbiz, Cảm ơn Sensei, Thiên ý, web drama âm nhạc - Glee phiên bản Việt, Nụ hôn ký ức…

Dù chỉ chiếu mạng, các web drama cũng quy tụ được dàn sao lớn như NSƯT Thành Lộc, Thu Trang, Ưng Hoàng Phúc, Angela Phương Trinh, Rocker Nguyễn, Hòa Minzy, Bích Ngọc Idol, Thái Trinh, Hải Triều… bên cạnh những cái tên “hot teen” sáng giá như Khánh Vũ KVD, Nhi Katy, Pinky Bảo Trân, Lãnh Thanh, hai streamer Misthy và PewPew… 

Nếu phim truyền hình chỉ công chiếu trên màn ảnh nhỏ ti-vi, phim chiếu rạp được công chiếu đầu tiên ở các rạp chiếu phim; thì web drama được phát sóng trên Internet có nhiều ưu điểm vượt trội ở tính tương tác và tính linh hoạt cao. Ví như, tương tác trực tiếp với khán giả qua lượt bình luận, lượt chia sẻ trên mạng xã hội giúp nhà sản xuất đo lường được phản hồi và điều chỉnh ở những tập sau cho phù hợp với thị hiếu công chúng. Hay về tính thuận tiện về mặt thưởng thức, với một bộ phim, khán giả có thể xem đi xem lại, không bị giới hạn về mặt thời gian hay vị trí mà lại hoàn toàn miễn phí. 

Mặt khác, nội dung của phim cũng không bị hạn chế như dòng phim truyền hình, hay phim điện ảnh. Phần lớn web drama xuất phát từ giới trẻ; vì thế, nội dung phim sát với cuộc sống đời thường, dễ gây được sự đồng cảm, hứng thú với khán giả trẻ. Dần dần, khi những nhà làm phim chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp cũng “lấn sân”, nội dung đã không còn “bó hẹp” ở chuyện học đường mà mở rộng ra đủ loại chủ đề đa dạng như showbiz, tấu hài, cổ trang, kiếm hiệp, đồng tính, phim âm nhạc, kinh dị...

Đồng hành với làn sóng web drama ở Hàn Quốc và Trung Quốc hiện nay, web drama Việt cũng đang trên đà “bùng nổ”, góp phần giúp cho thị trường phim ảnh Việt trở nên sôi động hơn. Đây thật sự là sân chơi với nhiều bạn trẻ có đam mê làm phim và diễn xuất, mong muốn được thể hiện cá tính và dần dần bước vào dòng phim nghệ thuật.  Tuy nhiên, đi cùng với trào lưu luôn có những mặt trái.

Mặt trái nhức nhối

Khi lượt xem, lượt chia sẻ là một đánh giá đáng tin cậy cho thành công, độ hot của một sản phẩm mạng, cũng đồng thời khiến các nhà sản xuất phải sử dụng đến những chiêu “sốc, sex, sến” để được “tồn tại” trong lòng khán giả. Không khó để tìm trên mạng các sê-ri lẫn các phim ngắn lẻ về bạo lực, đánh nhau, giới giang hồ như Thiếu niên ra giang hồ, Giang hồ chợ cá, Ông trùm dẹp loạn, Giang hồ đi cướp, Người trong giang hồ, Đại ca giang hồ học đường lần đầu gặp cô giáo Thảo…; nổi bật nhất là web drama Thập Tam Muội được đề cử Giải Ngôi sao xanh năm nay. Đến những web drama “thiếu vải” như Tân Kim Bình Mai, Giải cứu Măm my,…

Khác với phim ảnh nước ngoài, những cảnh đâm chém, uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn mặc hở hang phản cảm trong phim Việt đều không được xử lý, làm mờ, mà cứ phơi bày trực tiếp trước người xem trẻ tuổi. Cùng với đó là những ngôn ngữ thông tục, phản cảm, không phù hợp với độ tuổi, tạo nên trào lưu xấu cho các bạn trẻ học theo. Chính vì sự “tự do thái quá” trong nội dung và cách thể hiện, nhiều web drama đình đám trong thời gian qua đã nhận không ít “gạch đá” từ công chúng, đa phần đều là người lớn, phụ huynh.

Vẫn là vấn đề nhức nhối về quản lý nội dung mà lâu nay các cơ quan chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi chưa có sự kết hợp các bên để điều chỉnh nội dung sản xuất qua các trang mạng. Vì thế, hầu như các sai phạm ở lĩnh vực nội dung của sản phẩm mạng nặng nhất chỉ phạt hành chính và gỡ bỏ nội dung. 

Mà càng oái oăm hơn, với những web drama chủ ý câu view gây sốc, bị phạt còn là yếu tố “hấp dẫn, gây tò mò” với người xem hơn. Bởi bên cạnh các kênh mạng xã hội truyền thống như Facebook, Youtube; hiện có nhiều kênh streamer khác, trong và ngoài nước, đều có lượng truy cập nổi trội không kém như Vline, Azar, TalkTV, Bigo Live… Liệu các cơ quan quản lý có thể kiểm soát được hết từng sản phẩm trên tất cả các trang mạng xã hội hiện giờ hay không? 

Bởi thế, ngày nay “trọng tài” cho những bộ phim chiếu mạng mới chỉ dừng ở những nhu cầu và sự khắt khe của khán giả ngày càng cao, yêu cầu việc sản xuất phải chuyên nghiệp, sáng tạo phải chỉn chu, sản phầm làm ra, dù là nghệ thuật chính thống hay không, phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, thị hiếu của khán giả.  

Giới làm phim cho rằng dù là phim được trình chiếu miễn phí nhưng bản thân web drama cũng có những tiêu chuẩn và đòi hỏi nhất định nhưng cũng chưa xác định được rõ ràng ai hay cơ quan nào có đủ thẩm quyền để kiểm soát nội dung để đưa ra các chế tài phù hợp, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các bộ phim chiếu mạng, hoặc giữa dòng phim chiếu mạng và phim điện ảnh, phim truyền hình Việt.