Độc đáo kiến trúc những ngôi nhà Tulou

(PLO) -Những ngôi nhà hình tròn hoặc hình chữ nhật to lớn ở tỉnh Phúc Kiến, phía Tây Nam Trung Quốc được thiết kế trông giống như những đấu trường La Mã, là một trong những kiến trúc lịch sử tuyệt vời nhất của đất nước này. Nhưng hiện nay những ngôi nhà này đang trong tình trạng bị đe dọa vì không được trùng tu, bảo vệ. 
Hình ảnh kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà Tulou Phúc Kiến.
Hình ảnh kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà Tulou Phúc Kiến.

Tulou có nghĩa là “tòa nhà bằng đất”, bất khả xâm phạm. Các Tulou được xây dựng từ giữa thế kỷ 12 đến thế kỷ 20, tọa lạc ở vùng núi hiểm trở phía Nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

“Vương quốc nhỏ” với 800 người sinh sống

Một Tulou thường rộng, gồm nhiều tầng nhà và được xây hướng vào nhau theo hình tròn hoặc hình vuông. Tòa nhà có hình tròn giống hệt chiếc bánh rán vòng vì có sân rộng ở vị trí trung tâm và có thể chứa tới 800 người hoặc 80 hộ gia đình khác nhau. Các bức tường bên ngoài là một khối vững chắc được tạo ra từ hỗn hợp đất sét, gia cố bằng gỗ và những khuôn tre lớn. 

Thường một Tulou có 3 hoặc 4 tầng, toàn bộ khu nhà chỉ có một lối vào duy nhất dẫn vào sảnh chính và cửa sổ chỉ xuất hiện ở các tầng trên. Các gia đình ít người sinh sống tại các tầng thấp, còn các gia đình đông người lại sinh sống ở các tầng trên cao.

Một nhà Tulou như vậy thường gồm một tổng hòa nhiều gia đình nhỏ cùng sinh sống trong suốt nhiều thế hệ. Một số nhà Tulou lớn còn là nơi ở của một dòng họ duy nhất. Tất cả các gia đình trong một quần thể Tulou đều tồn tại trong một thể thống nhất và cùng được bảo vệ che chở lẫn nhau. 

Tất cả các phòng “nhà” đều xoay mặt vào nhà thờ tổ tiên, tượng trưng cho mối quan hệ bền chặt giữa người đang sống với người quá cố. Đặc biệt, các phòng trong nhà Tulou đều được xây dựng cùng kích cỡ, cùng các loại nguyên vật liệu, cùng cách thức trang trí ngoại thất, cùng cách kiến trúc cửa sổ và cửa nhà chính, không hề có kiểu nhà tôn quý trong kiến trúc của dạng nhà này. 

Bên cạnh không gian nhà ở như bản thân của nó, nhiều tiện nghi đi kèm như giếng nước, phòng thờ, các nhà tắm, phòng giặt ủi, kho chứa vũ khí đều được thiết kế nằm trong lòng nhà Tulou, thậm chí đất đai và các nông trại bao quanh nhà Tulou thì các thành viên cùng sinh sống trong nhà Tulou cùng chia sẻ hưởng lợi với nhau. Cư dân sinh sống tại nhà Tulou hầu hết đều làm nông nghiệp. Mỗi một gia đình nhỏ tại Tulou đều có các tài sản của riêng mình.

Hình ảnh kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà Tulou Phúc Kiến.
Hình ảnh kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà Tulou Phúc Kiến. 

Kiến trúc độc đáo

Các Tulou được xây dựng để chống lại những tên cướp có vũ trang tàn phá miền Nam Trung Quốc từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19. Người dân phía Nam tỉnh Phúc Kiến là những người đầu tiên xây dựng một Tulou như một pháo đài vững chắc. 

Các bức tường nhà Tulou trông hiên ngang, vững chãi như một tòa cung điện, hoàn toàn vô hiệu hóa khi súng thần công tấn công. Mặt khác, cổng chính của nhà Tulou Phúc Kiến còn được sử dụng làm nơi phòng ngự hết sức kiên cố. Phần khung cổng được xây dựng bằng một khối đá granite cứng rắn, 2 cánh cổng nhà còn được làm từ một loại gỗ hết sức quý dày đến 13 cm, đã vậy mặt ngoài cổng nhà lại còn được gia cố thêm một lớp vách sắt tạo thành thứ áo giáp không gì công phá nổi. 

Nền nhà Tulou Phúc Kiến được dựng bằng đá, riêng phần mái nhà được kết dính vững như bàn thạch thường gồm 2 đến 3 tầng mái. Ngoài ra còn có một máng nước mưa hình tròn nằm trên đỉnh mái của nhà Tulou, mái này có tác dụng phòng ngừa nước mưa tạt vào làm hư hỏng tường nhà.

Phần móng nhà có chiều cao từ 1 đến 2 mét, tùy thuộc vào mực nước dâng trong vùng vào mùa lụt lội. Các vách tường nhà còn được được gia cố bằng đất cát, gạo nếp với các thanh tre dùng để dát lên tường khiến cho tường nhà không bị ẩm và mối mọt, kỹ thuật xây dựng nhà kiểu này hiện diện dưới thời nhà Tống.

Các cầu thang lên xuống nằm xung quanh các hành lang, thường 4 góc nhà có 4 cầu thang lên xuống như thế. Mỗi cầu thang dựng từ mặt đất lên đến tầng cao nhất của khối nhà. Hệ thống các giếng nước công cộng thường từ 2 hoặc 3 giếng được đào ngay tại trung tâm của giếng trời, nhiều nhà Tulou giàu có còn trang bị cả giếng nước ngay trong nhà ở dùng cho sinh hoạt của các thành viên.

Hình ảnh kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà Tulou Phúc Kiến.
Hình ảnh kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà Tulou Phúc Kiến. 

Cải tạo và kêu gọi giúp đỡ

Tháng 7/2008, 46 ngôi nhà Tulou lớn nhất và quan trọng nhất đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và Tulou Phúc Kiến là thuật ngữ chính thức do UNESCO đặt cho. UNESCO chỉ ra rằng, những ngôi nhà Tulou là một dạng kiến trúc độc đáo, vừa nhằm mục đích phòng thủ lại vừa khuyến khích lối sống cộng đồng gắn kết bền chặt.

Mỗi một quần thể hình tròn hoặc hình chữ nhật như thể một ngôi làng, tất cả mọi người cùng sinh hoạt, vui chơi, nấu nướng… trong “vương quốc nhỏ bé” này. Không những thế, các nghi lễ như thờ cúng tổ tiên, đám cưới, đám giỗ… đều được tổ chức dưới sảnh chính. 

Hiện có khoảng hơn 20.000 Tulou như vậy đang tồn tại ở tỉnh Phúc Kiến, trong khi đó chỉ có 3.000 Tulou mới chính thức gọi là Tulou Phúc Kiến mà thôi và đang ở trong tình trạng bị bỏ rơi. Rất nhiều ngôi nhà Tulou hư hỏng nặng vì những người dân địa phương bỏ lên thành phố để làm ăn sinh sống. Được biết, từ năm 1990, nhiều người đã bắt đầu rời khỏi những ngôi nhà Tulou này và hiện nay chỉ còn khoảng 30 người từ 14 gia đình sinh sống ở đây mà thôi. 

Ông Lin Lusheng, người lớn lên trong một tòa nhà Tulou có tên Tòa nhà Taoshu ở làng Neilong của Phúc Kiến cũng lo lắng trước tình trạng này, “Tulou là một nơi vô cùng ý nghĩa đối với cuộc đời của tôi và những người đã và đang sống ở đây. Chúng tôi chung sống như những người thân trong một nhà, khi cha mẹ phải đi làm việc thì con cái của họ có thể ở nhà hàng xóm, trẻ con thường gõ của nhà nhau để cùng nhau ăn uống, vui chơi... trong khi xã hội hiện đại ngày nay, trẻ em thường không cảm nhận được sự vui vẻ đó”. 

Hiện nay, du lịch là nguồn hỗ trợ cho nhiều người dân sống trong những ngôi nhà Tulou, trong khi người khác đang có xu hướng tới những thành phố sầm uất để làm ăn và chỉ trở về nhà vào các ngày lễ, tết để đoàn tụ các thành viên trong gia đình. 

Trước thực trạng đáng lo ngại như vậy, người đàn ông 34 tuổi này đã nảy ra một ý tưởng về dự án “Hao Cuobian”. Bắt đầu từ năm 2015, ông đã tự bỏ tiền, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ để cải tạo những tòa nhà Tulou đang ở trong tình trạng hư hại, đồng thời giáo dục người dân còn lại sinh sống ở đây tự ý thức bảo vệ và giữ gìn di sản tuyệt vời mà chỉ người Phúc Kiến mới có. 

Cho đến nay, thông qua những nỗ lực kêu gọi tài trợ, ông Lin Lusheng đã có được số tiền là 17.400 USD để thực hiện việc cải tạo những tòa nhà Tulou và hiện công việc này vẫn đang được tiếp tục tiến hành.

Ngoài việc thực hiện các dự án cải tạo, ông Lin Lusheng còn tổ chức các khóa học ngoại khóa tại chính những tòa nhà Tulou nơi ông lớn lên, dạy cho khoảng 60 trẻ em biết về lịch sử, kiến trúc tuyệt vời của các Tulou nhằm tăng thêm phần tự hào và thúc đẩy dự án bảo tồn và giữ gìn Tulou cho thế hệ sau.../.