Đôc đáo lễ hội 'cõng vợ' của những ông chồng thèm bia

(PLO) -Cuộc thi diễn ra vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 7, ở thành phố Sonkajarvi, phía bắc thủ đô Helsinki, Phần Lan. Trong dịp lễ hội, những người đàn ông sẽ cõng cô vợ hoặc người yêu của mình trên vai và vượt qua những chướng ngại vật trong thời gian ngắn nhất để giành chiến thắng. 
Một số hình ảnh sôi động của lễ hội cõng vợ ở Phần Lan.
Một số hình ảnh sôi động của lễ hội cõng vợ ở Phần Lan.

Điểm độc đáo của lễ hội này có lẽ là tính chất hài hước của nó. Trong thời gian diễn ra cuộc tranh tài giữa các cặp đôi, cả người tham gia và người xem đều cảm nhận được sự vui vẻ và hứng khởi mà không phải lễ hội nào cũng mang lại được. 

Bắt nguồn từ tục cướp vợ

Lễ hội cõng vợ này dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân địa phương. Có rất nhiều giả thuyết về lễ hội hài hước này, theo đó, truyền thuyết kể lại rằng, vào thế kỷ thứ 19, có một tên cướp khét tiếng tên là Rosvo-Ronkainen sống trong rừng và thành lập một băng cướp.

Vì muốn rèn luyện sức khỏe cho các thành viên trong băng đảng của mình, Ronkainen đã tổ chức một khóa học vô cùng khó khăn: Yêu cầu các thành viên phải đeo bao tải nặng hay những con thú rừng trên lưng, chạy thật nhanh để tăng cường năng lực bản thân về sự nhanh nhẹn, sức mạnh và sức chịu đựng cho họ. 

Theo một giả thuyết khác lại cho rằng, lễ hội này lấy cảm hứng từ phong tục cướp vợ của một bộ tộc thời xa xưa ở Phần Lan. Những thanh niên trai tráng sẽ lẻn vào các ngôi làng lân cận để ăn cắp vợ của người khác (thường cõng trên lưng), sau đó buộc cô gái phải bỏ vị hôn thê trước đó để kết hôn với người “bắt cóc” mình. 

Từ nguồn gốc của lễ hội, dân làng đã kết hợp 2 truyền thuyết để đưa ra ý tưởng và sáng tạo ra cuộc thi cõng vợ vui nhộn này. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992, thu hút hơn 40 cặp vợ chồng và hơn 10.000 khán giả.

Ngay ở cuộc thi đầu tiên, sự cạnh tranh cũng diễn ra vô cùng gay cấn giữa Phần Lan và đất nước Estonia. Trong khoảng thời gian từ năm 1998-2008, cặp đôi Margo Uusorg và Birgit Ulricht của Estotian luôn dẫn đầu trong các cuộc đua và thời gian kỷ lục là 55,5 giây.

Nhưng từ năm 2009 trở đi, Phần Lan bắt đầu giữ vị trí đầu bảng. Cũng có một số nước trên thế giới tham gia vào lễ hội để cạnh tranh, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu tay đôi giữa Phần Lan và Estonia. 

Vượt chướng ngại vật

Trước khi lễ hội diễn ra, các cặp đôi có ý định tranh tài sẽ phải rèn luyện sức khỏe từ trước đó một cách nghiêm túc và chăm chỉ, đòi hỏi một tinh thần nỗ lực rất cao từ cả hai phía. Ban tổ chức cuộc thi cũng khuyến khích: “Để chuẩn bị tốt cho cuộc thi duy nhất trong năm, cánh đàn ông có thể tập luyện cõng vợ mọi lúc mọi nơi, trong nhà, ở siêu thị, ở khu giải trí hay trong trung tâm tập thể hình...”. 

Cuộc đua của những cặp đôi này không hề đơn giản. Ban tổ chức sẽ tạo ra những thử thách và chướng ngại vật khác nhau để tạo nên sức hấp dẫn và làm cho cuộc chơi thêm phần sôi động và gay cấn. Người đàn ông sẽ phải cõng vợ của mình trên lưng và chạy qua quãng đường dài 253.5 mét 2 lần với nhiều thử thách cam go để vượt qua những chướng ngại vật từ trên cạn lẫn dưới nước. Trong đó có một chặng đường mòn, một chặng đường dốc đầy cát, những hàng rào gỗ và lội qua một hồ nước sâu 1m.

Cuộc thi diễn ra vô cùng lành mạnh, hầu như không có chuyện các đội chơi “chơi xấu” nhau vì tất cả các cặp đôi sẽ không chạy cùng một lúc mà chia nhỏ thành từng nhóm 3 cặp đôi một để thi đấu. Ban tổ chức sẽ dựa vào số thời gian để quyết định người chiến thắng, cặp đôi nào chạy trong khoảng thời gian nhanh nhất sẽ trở thành nhà vô địch. 

Phần thưởng cho cặp đôi vô địch là một chiếc cúp lưu niệm và số bia bằng với cân nặng của người phụ nữ; tuy nhiên, đó không phải là cách duy nhất để giật giải trong cuộc đua cam go này. Bên cạnh giải vô địch còn có các giải phụ hấp dẫn như giải dành cho cặp đôi hài hước nhất, ăn mặc phong cách nhất hay người chồng cõng vợ khỏe nhất.

Phối hợp nhịp nhàng

Mặc dù lễ hội là một cuộc thi hài hước đối với người xem, nhưng đối với những người tham gia thì đây là một cuộc thi thật sự. Cũng giống như bất kỳ môn thể thao nào khác, họ cạnh tranh nhau một cách nghiêm túc để giành lấy chiến thắng, giành lấy vinh quang. 

Một trong những quy định của lễ hội này là người phụ nữ được cõng phải trên 17 tuổi và nặng ít nhất 49kg, nếu không phải đeo thêm ba-lô để đạt đủ trọng lượng này. Ngoài ra, thí sinh nam khi tham gia nếu như không có vợ hoặc bạn gái có thể “mượn” vợ của hàng xóm, bạn hoặc đồng nghiệp của mình, vì vậy có rất nhiều cặp đôi tham gia không phải là vợ chồng hay người yêu.

Chính vì không bắt buộc phải là vợ chồng hay người yêu nên hàng năm có rất nhiều phụ nữ tình nguyện đóng vai “vợ” để được tham gia cuộc đua kỳ thú này. 

Có 4 tư thế cõng “vợ” phổ biến được áp dụng trong cuộc đua: kiểu truyền thống (vợ vòng tay quanh cổ, chân quắp quanh eo chồng), kiểu “vác khoai tây” (vợ ôm một bên vai chồng), kiểu “lính cứu hỏa” (chồng cõng vợ bằng cả hai vai) và kiểu Estonian (người vợ lộn ngược, quặc chân lên cổ chồng). Các cặp đôi cũng có thể tự do sử dụng một kỹ thuật mới nếu họ thích, mặc dù nhiều người đã thử và thất bại. 

Những người đàn ông khỏe mạnh, vạm vỡ có thể sử dụng bất kỳ cách nào để cõng bạn chơi, nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là treo ngược chân người phụ nữ, sau đó quàng vào cổ mình, người phụ nữ có thể dùng tay ôm chặt lấy thân người đàn và dùng chân quặc chặt vào cổ để không bị rơi khi đang chạy. 

Để chiến thắng thì yếu tố quan trọng nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai người. Nếu như người vợ không bám chặt và rung lắc quá nhiều khi chạy sẽ khiến tốc độ chạy của cặp đôi bị ảnh hưởng. Người phụ nữ phải ôm người đàn ông thật chắc và thật khéo léo để khi chạy người đàn ông có thể thoải mái chạy mà không cảm thấy vướng víu. 

Khi tham gia cuộc chơi, để đảm bảo tính an toàn, ban tổ chức khuyến khích người phụ nữ nên mang mũ bảo hiểm, tránh trường hợp bị va đập vào đầu bởi bất kỳ tai nạn nào xảy ra đều không được bồi thường.

Dành cho tất cả mọi người

Tham gia lễ hội này không phải chỉ có những thí sinh là người dân đất nước Phần Lan mà bất kỳ người dân của nước nào muốn tham gia cũng được phép đăng ký tham dự. Người ta thống kê, mỗi năm có các thí sinh đến từ 15 quốc gia khác nhau như Australia, Mỹ, Hong Kong, Nhật Bản... cùng đổ về tham gia vào lễ hội vui nhộn này.  Ngoài ra, sẽ có hàng loạt cuộc thi khác như guitar, đá bóng trong đầm lầy hay ném điện thoại di động... diễn ra nhằm thu hút khách du lịch đến với Phần Lan.

Không chỉ có Phần Lan, cuộc thi cõng vợ đã du nhập đến nhiều nước trên thế giới. Ở Bắc Mỹ, cuộc đua này trở thành một môn thể thao và thậm chí được ghi nhận trong sách kỷ lục Guinness. Cặp đôi thắng cuộc cũng sẽ được mang về nhà số bia tương ứng với cân nặng của người vợ, nhưng kèm theo đó là một tấm vé đưa họ tới dự giải Vô địch cõng vợ Thế giới tại Phần Lan. 

Ở Dorking, Surrey (Anh), bạn sẽ được phen cười bể bụng khi chứng kiến cuộc tranh tài này. Các ứng viên tham gia cuộc thi cõng vợ phải chạy 380m, trèo dốc 15m, cõng “vợ” vượt qua nhiều chướng ngại vật. 

Cuộc thi là một hoạt động thể thao hết sức vui nhộn và bổ ích. Mục đích của lễ hội này không chỉ để rèn luyện sức khỏe và sự dẻo dai, nó còn là một cuộc thi mang lại một trải nghiệm thú vị để các cặp vợ chồng hâm nóng cuộc hôn nhân của mình…/.