Độc nhất vô nhị keo vật “trai rốt”…

(PLO) - Câu chuyện huyền thoại về mảnh đất thiêng, về những nắm đất được trát lên người chàng trai họ Đoàn khiến chàng tránh được mọi mũi tên, súng đạn của kẻ thù ngày nay vẫn được truyền tụng vào mỗi dịp tổ chức Lễ hội vật võ Liễu Đôi ở xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
Độc nhất vô nhị keo vật “trai rốt”…
Hàng năm, vào ngày mùng 5 Tết, các cụ ở xã lại cùng với thanh niên  trong làng chuẩn bị cho Hội vật. Giải thưởng chỉ là 30.000 đồng, 50.000 đồng, thắng thua đều nhận được phần thưởng nhưng điều mà người ta thấy thích thú là sau vài keo vật ngay trên mảnh đất thiêng ấy, dân làng đều cảm thấy có thêm sức mạnh để bước vào một vụ cày cấy mới.

Vật vài keo lấy may đầu năm…

Anh Lại Quốc An- một trai làng đã thoát được cảnh con trâu cái cày - cho biết, năm nào về ăn Tết với bố mẹ, anh cũng ra sới, vật vài keo lấy may cho cả năm. Người dân ở bốn làng thuộc vùng văn hoá Liễu Đôi từ già đến trẻ đều không từ chối lời mời từ Ban tổ chức, sẵn sàng cởi quần áo, quấn quanh người chiếc đai được chuẩn bị sẵn để vào sới, vật vài keo lấy hên. Ai cũng có thể đăng ký vật, bất kể đó là người vùng nào. Một số cao niên kể rằng, nhiều năm Hội vật võ Liễu Đôi khá to, thu hút cả các đô vật từ vùng Nghệ An, Quảng Bình vào sới, dẫu không phải mục đích tối thượng là để khoe tài.
Tinh thần thượng võ ở lễ hội vật
Tinh thần thượng võ ở lễ hội vật 
Sới vật Liễu Đôi được đặt trên mảnh đất tương truyền chính là nơi ông tổ của lò vật Liễu Đôi nhận được thanh gươm và vuông khăn đào của đất trời. Chuyện kể rằng, một ngày tối trời, cả khu vực Liễu Đôi tự nhiên phát sáng, dân làng không ai dám ra xem, chỉ riêng chàng trai họ Đoàn bước ra, nhận được thanh gươm báu và vuông khăn đào. Hiểu được ẩn ý của hai vật báu, chàng trai họ Đoàn liền tập hợp nghĩa quân rèn luyện sức mạnh để đem quân ra giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đó chính là tiền thân của hội vật võ Liễu Đôi ngày nay.
Dân làng thuộc vùng văn hoá này truyền khẩu cho nhau, nếu năm nào xã không đứng ra tổ chức hội vật võ, ông tổ họ Đoàn - được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Tiên- sẽ quở trách bằng cách khiến cho dân làng năm ấy làm ăn thất bát, mất mùa.
Chị Bùi Thị Liên- một người dân ở vùng sới vật - cho biết: “Cứ ba năm Hội lại tổ chức to một lần, có giải thưởng cho các đô vật, còn hàng năm dân làng vẫn tổ chức hầu Thánh vài keo. Bình thường tổ chức 8 ngày nhưng nay rút xuống còn ba ngày. Nếu không phải là năm được tổ chức to thì buổi sáng tổ chức rước từ đền Thánh về sới, buổi chiều sẽ tổ chức vật để cầu Thánh cho dân làng làm ăn được mùa”.

Tranh nhau vật keo “Trai Rốt”

Hội vật võ Liễu Đôi được bắt đầu bằng 5 keo vật “Trai Rốt”. Năm nào cũng vậy, hai gia đình sinh con trai sau cùng của làng Tháp và làng Đống Cầu được gọi là "trai rốt" và được phục vụ tất cả các công việc của Hội vật. Dân làng bảo rằng, nhà nào có con trai sinh vào dịp gần cuối năm là thấp thỏm không yên vì sợ lại có một đứa trẻ trai khác sinh ra, cướp mất của họ danh hiệu Trai rốt, họ sẽ không được phục vụ các công việc hậu cần của Hội như  chuẩn bị nước, khăn lau mặt, quần và đai cho các đô vật; quan trọng hơn, con trai họ sẽ không được lớn nhanh và làm ăn thành đạt như các trai rốt khác.
2 người ông phải thay 2 người bố vật keo Trai Rốt đầu năm
 2 người ông phải thay 2 người bố vật keo Trai Rốt đầu năm
Anh Trần Văn Đệ – một trai rốt - cho biết, cả nhà anh rất vui vì được vật vài keo trai rốt để mở đầu cho Hội vật. Mặc dù phải huy động cả nhà ra phục vụ lễ hội, bỏ cả buổi cấy mạ nhưng gia đình anh vẫn rất phấn khởi.  Ở Hội vật Liễu Đôi, 5 keo vật trai rốt không bao giờ thiếu bởi  các ông bố dẫu có làm ăn xa cũng vẫn cố gắng thu xếp về ăn Tết để ra Tết thay con ra sới, vật vài keo hầu Thánh.
Người làng kể rằng, có một năm, bố của trai rốt ở xa không về được, ông nội phải ra vật thay. Ông già đến mức cứ xong một keo (dù không phải vật để lấy thắng thua) ông lại phải đứng nghỉ và con cháu lại phải đỡ ông nếu không ông  sẽ ngã vật xuống đất. Mệt, lắm công nhiều việc nhưng gia đình nào ở hai làng ấy cũng cầu mong gia đình mình là trai rốt của làng.
Sau 5 keo vật truyền thống là đến lượt các thiếu niên, trẻ em trong làng vào sới. Chúng không được học các thế vật bởi dân làng lo ăn học cho con cái đã rất khó khăn. Nhưng bọn trẻ con lại rất hiểu và thấm nhuần tinh thần hội vật đầu năm của quê hương chúng. Chúng vào sới vật rất hăng, quyết liệt nhưng không hề cự nự nhau khi hết trận và bước ra khỏi sới; xong trận lại ngồi xem, lại tán thưởng các trận đấu sau đó.
Cứ như thế, sau một trận đấu các đô vật nhận tiền thưởng ngay và sau ba ngày thi đấu, đô vật nào không để thua một trận đấu nào sẽ nhận được giải cọc trị giá 500.000 đồng. Với người dân ở đây, đó đã là một phần thưởng khá lớn rồi. Nhưng đó không phải là mục đích lớn nhất, bởi với họ, hội vật này chính là lễ vật để họ dâng lên Đức Thánh Tiên để cầu một mùa làm ăn bội thu và may mắn…/.

Đọc thêm