Đừng xâm phạm quyền riêng tư của hoa hậu!

(PLO) -Một xã hội không tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân là một xã hội “nghẹt thở”. Về nguyên tắc, luật pháp Việt Nam chưa có quy định rõ rằng người nổi tiếng sẽ phải có ít quyền riêng tư hơn người bình thường.
Hình minh họa
Hình minh họa

Đối với nhiều khán giả Việt Nam, cuộc sống của người nổi tiếng thuộc về công chúng. Mỗi lần một cuộc thi nhan sắc kết thúc, trên báo chí, mạng xã hội đều tràn ngập các thông tin “bới móc” về quá khứ, cuộc sống trước và sau cuộc thi của các hoa hậu, á hậu; cùng với hình ảnh, thông tin của gia đình, họ hàng, bạn bè của họ.

Thậm chí, nhiều tài khoản facebook giả mạo được lập ra để ăn theo, đưa ra hàng loạt tin đồn thất thiệt, vô căn cứ và phản cảm liên quan đến các cô gái này. Trong con mắt của những người hiếu kì, dù thông tin giả hay thật thì vẫn hấp dẫn.

Hiện tượng trên cho thấy, nhiều người Việt Nam còn chưa nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan tới quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Cần phải hiểu rõ rằng những hành vi đưa tin liên quan đến sao có dấu hiệu vi phạm pháp luật, và vì thế hoàn toàn có thể bị xử phạt, từ xử phạt hành chính tới khởi kiện dân sự đòi đền bù thiệt hại, hay thậm chí khởi tố hình sự trong trường hợp nghiêm trọng. 

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được Điều 21 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 công nhận là quyền bất khả xâm phạm của cá nhân. Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ xin phép cá nhân liên quan khi “thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”.

Theo quy định ở Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015, nếu cá nhân bị xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín có thể yêu cầu khởi tố hình sự cá nhân phạm tội. Ở Điều 155 và 156 của Bộ luật Hình sự 2015, việc đưa tin đồn thất thiệt hay bình luận mang tính xúc phạm danh dự cá nhân người nổi tiếng hay người thân của họ đều có thể bị khép vào tội vu khống và tội lăng nhục người khác, hình phạt tù có thể lên tới 7 năm cho tội vu khống, 5 năm cho tội lăng nhục. Các hành vi này nếu thực hiện trên môi trường mạng thì có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 72/2013/NĐCP và Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Trả lời báo chí, TS Đặng Hoàng Giang, tác giả cuốn “Thiện, ác và smartphone” nêu nhận định: “Chúng ta cần phân biệt giữa nhu cầu thông tin chính đáng của dư luận và sự tò mò, tọc mạch của đám đông. Điều đem lại cảm giác làm người là quyền được tự kiến tạo số phận của mình, được tự do quyết định và lựa chọn ai được biết gì, được chứng kiến hành vi nào của mình.

Khi quay lén một ai đó, người quay lén đã tước khỏi người kia cái quyền này. Những hình ảnh quay lén bữa tối của một hoa hậu không phục vụ cho lợi ích chính đáng của cộng đồng; ngược lại, nó là một sự tấn công vào nhân phẩm của cô. Xã hội không cần những “thông tin” dạng đó để vận hành để trở nên tốt đẹp hơn”.

Theo chia sẻ của một Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, cuộc sống của một hoa hậu sau khi đăng quang hoàn toàn thay đổi so với trước đó. Ngoài việc được tài trợ nhà ở, quần áo, phụ kiện, vật dụng cần thiết, hoa hậu còn được trả lương, cũng như những nghề nghiệp khác. Vì vậy, đổi lại những điều kiện trên, nhiệm vụ trọng yếu của hoa hậu là những hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng, gắn liền với danh hiệu của họ như Hoa hậu Trái Đất, Hoa hậu Biển, Hoa hậu Nhân ái… Bên cạnh đó, hoa hậu còn phải đại diện cho thương hiệu của cuộc thi và các đơn vị tài trợ; phải tham gia các sự kiện xã giao, quảng bá, văn hóa, nghệ thuật…, phải giữ gìn sức khỏe, nhan sắc trẻ trung và hình ảnh trước công chúng.

Còn ở Việt Nam, ngày càng nhiều cuộc thi hoa hậu, ngày càng ít thấy các hoa hậu Việt Nam “mặn mà” với trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng, hoặc đại diện, quảng bá cho quốc gia, mà đa phần đều vì những lý do cá nhân. Nhiệm vụ các hoa hậu sau đăng quang chủ yếu chỉ để “trả ơn” cho các nhãn hàng và ban tổ chức cuộc thi, sau đó họ muốn làm gì thì làm.

Có những hoa hậu chọn cuộc sống viên mãn và bình yên với hạnh phúc gia đình như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Phạm Thị Mai Phương… Cũng có nhiều hoa hậu gặp phải trắc trở, sóng gió trong hôn nhân và cuộc sống như Phan Thu Ngân, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy… Nhiều hoa hậu lại chọn con đường tiến sâu vào làng giải trí như Hoa hậu Mai Phương Thuý, Trần Thị Thùy Dung, Đặng Thị Ngọc Hân… Cũng có một số cô hoa hậu khác vướng phải bê bối, thị phi, lao lý. 

Mỗi danh hiệu hoa hậu, á hậu vốn bao hàm trong đó mục đích và sứ mệnh khác nhau với tổ chức, cộng đồng, xã hội. Vì vậy, dư luận xứng đáng được thông tin về những hoạt động của hoa hậu đối với cộng đồng. Họ cũng có quyền được biết một cô hoa hậu có xứng đáng với danh hiệu đó hay không.  Và ngoại trừ những thông tin đó ra thì mọi hành động tung tin đồn thất thiệt, bình luận phản cảm, xúc phạm danh dự, xâm phạm quyền riêng tư của hoa hậu cũng như người thân của họ đều là các hành vi vi phạm pháp luật. 

Đọc thêm