Được hay mất khi nghệ sĩ 'bắt tay' với doanh nghiệp?

(PLO) - Thực tế, dù băng rôn, poster xuất hiện dày đặc trên các con phố thì cũng không thu hút sự chú ý bằng một hình ảnh được người nổi tiếng lăng xê trong các MV ca nhạc.
Một MV lồng quảng cáo điện thoại
Một MV lồng quảng cáo điện thoại

Với các “ông lớn”, đây là sự đầu tư khôn ngoan và có lợi ích lâu dài bởi so với việc mời một mẫu quảng bá sản phẩm thì đầu tư vào MV ca nhạc để sản phẩm của mình xuất hiện tạo được hiệu ứng rộng rãi và “sống” lâu hơn. 

Hãng giày “hồi sinh” nhờ MV

Thời đại Digital Marketing ở Việt Nam đã bắt đầu được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ đầu tư cho các nghệ sĩ để họ ra các MV ca nhạc chỉ cần nghệ sĩ đó chịu để các sản phẩm của họ được lồng ghép một ít giây trong sản phẩm của họ.

Nghệ sĩ vừa ra được MV lại chả mất gì có khi còn kiếm thêm được tiền từ doanh nghiệp, ngại gì không “bắt tay”. Sau dần, các ông lớn sẽ  đầu tư, chi phối sự xuất hiện của “con đẻ” trong MV ca nhạc của các nghệ sĩ đó.Một số hãng điện thoại đã chọn gương mặt thương hiệu như: Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Đông Nhi, Isaac làm người mẫu quảng cáo cho mình...

Thực tế mà nói, việc doanh nghiệp bắt tay với nghệ sĩ để quảng cáo sản phẩm là mối quan hệ cộng sinh hai bên cùng phát triển và tăng lợi nhuận 

Hay như một hãng giày khi họ sắp buộc phải “khai tử” bởi quy luật của thị trường thì họ lại được cứu sống bởi một nhãn hàng xuất hiện trong MV ca nhạc của Sơn Tùng MTP – một ca sĩ có tầm ảnh hưởng về truyền thông nhất hiện nay. Màn cứu sống ngoạn mục này được nhiều người đánh giá cao bởi hãng giày đã có một hơi thở hoàn toàn mới khi liên tục “cháy hàng” dù bây giờ đã là nửa năm tính từ thời điểm Sơn Tùng ra MV.

Từng đó thôi đã đủ để người đọc có thể nhận ra được ý nghĩa của việc doanh nghiệp và nghệ sĩ bắt tay cùng nhau làm quảng cáo. Tuy nhiên, khi mà một MV mang tính thương mại hóa quá cao, tức là nghệ sĩ làm MV theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp chứ không còn là sản phẩm sáng tạo của họ nữa. Nghĩa là MV đó đã không còn được đặt tính nghệ thuật lên hàng đầu nữa. Mà nghệ thuật không lấy “tính nghệ thuật” đặt lên làm đầu thì nghệ thuật sớm muộn gì cũng sẽ bị ăn mòn bởi thương mại hóa.

Nghệ thuật đang dần thương mại hóa?

Đạo diễn Vũ Lâm người chuyên đạo diễn các MV quảng cáo tiết lộ với báo chí rằng, nhà tài trợ thường có quyền quyết định 50% trong video và “vai trò của đạo diễn lúc này là phải... ngoan, vì họ bỏ tiền ra thì phải được thứ họ muốn”. Đạo diễn Vũ Lâm cũng cho biết thêm, bản thân nhãn hàng có khi không cần biết tương lai MV đó sẽ đi về đâu, chỉ cần bảo vệ bằng mọi giá hình ảnh sản phẩm của mình. Cũng chính vì vậy, nhiều nhà tài trợ đang có xu hướng chọn đạo diễn họ thích để làm việc cho dễ.

Nếu thật sự điều này xẩy ra và đang có xu hướng lan rộng thì dần dần các MV ca nhạc sẽ không còn được ra đời để phục vụ người xem về nghệ thuật cũng như giải trí nữa mà thay vào đó sẽ là phục vụ cho lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi đạo diễn, kịch bản, nội dung nghệ sĩ đều không được quyết định, không được sáng tạo. Bởi thực tế khi phía nhãn hiệu đầu tư số vốn càng lớn thì bên ca sĩ càng bị hạn chế về quyền tự chủ và nội dung MV cũng bị chi phối bởi xu thế càng xuất hiện nhiều hình ảnh sản phẩm càng tốt. Thế mới có chuyện MV ca nhạc không khác gì như đang quảng cáo trá hình. 

Điển hình như MV mới đây của Sơn Tùng là để quảng cáo hãng trà nên dù lượt view rất cao nhưng khán giả không để lại một chút bình luận nào về tính nghệ thuật của MV. Cũng giống như MV của Đông Nhi là để quảng cáo điện thoại, Bảo Thy lại là mỹ phẩm trong MV. Các MV “đặt hàng” này được đánh giá không hề mang tính nghệ thuật dù hình ảnh của ca sĩ được đầu tư hết sức kĩ lưỡng. Và hơn cả là còn làm cho khán giả cảm thấy khó chịu khi MV không còn là sự lồng ghép quảng cáo nữa mà nghệ sĩ còn công khai tên thương hiệu trong sản phẩm âm nhạc của mình.

Sở dĩ khán giả khó chịu cũng là đúng thôi bởi khi mà các MV ca nhạc đang có xu hướng bị thương mại hoá bởi các thương hiệu quảng cáo, khán giả là người chịu ảnh hưởng sau cùng. Bởi lẽ, khán giả chính là những người đưa cũng như ủng hộ các nghệ sĩ trẻ trên con đường hoạt động nghệ thuật của họ để họ có được như ngày hôm nay. Chính vì vậy, càng về sau họ càng muốn được thưởng thức những đứa con tinh thần của thần tượng mình một cách hoàn thiện và xuất sắc hơn. Ấy thế nhưng sau tất cả lại là những clip quảng cáo trá hình mang tên thần tượng. 

Thừa nhận lợi nhuận là yếu tố sống còn ngay cả với ngôi sao hạng A trong showbiz nhưng nếu quá dễ dãi để thương hiệu chi phối, thao túng nội dung MV, các nghệ sĩ đang “lừa” hàng loạt khán giả bằng thứ nghệ thuật đội lốt thương mại này. Lừa dối chính khán giả đã đưa mình đến với ngày hôm nay thì nghệ sĩ chắc hẳn rồi sẽ mất nhiều hơn được.

Đọc thêm