eSports không chỉ là game, đó là cơ hội lớn!

Ngày 17/4, Thể thao điện tử (eSports) đã có một bước tiến nữa để trở thành một bộ môn thể thao olympic chính thức khi hãng Ailbaba đã hợp tác với Hội đồng Olympic châu Á đưa thể thao điện tử vào Asian Games 2018 tại Jakarta, Indonesia và Asian Games 2022 ở Hàng Châu, Trung Quốc. 
Các giải đấu eSports được tổ chức chuyên nghiệp và người thi đấu cũng là tuyển thủ chuyên nghiệp.
Các giải đấu eSports được tổ chức chuyên nghiệp và người thi đấu cũng là tuyển thủ chuyên nghiệp.

eSports là hình thức tổ chức thi đấu trò chơi điện tử trực tuyến giữa nhiều người với nhau, theo đó người tham gia là những tuyển thủ chuyên nghiệp. Các thể loại trò chơi phổ biến nhất trong thể thao điện tử thường có nội dung liên quan đến tính chiến thuật và đồng đội như: dòng game MOBA (Multiplayer Online Battle Arena) có game Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2…, dòng game FPS (First Person Shooter) có game Counter-Strike: Global Offensive, Crossfire, Halo hay Overwatch. 

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp game, các game có yếu tố eSports càng được đầu tư, đặc biệt là việc tổ chức thường xuyên các giải đấu. Thực tế cho thấy, với số lượng người theo dõi các bộ môn thi đấu ngày càng tăng cao; số tiền thưởng lớn và eSports ngày càng được thừa nhận như 1 môn thể thao chính danh để thi đấu trong các hệ thống giải thể thao tầm châu lục và thế giới, do đó các giải đấu ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp hơn.

Việt Nam chính là mảnh đất màu mỡ cho eSports đâm chồi nhờ một lượng người trẻ có hiểu biết và quan tâm đến eSports. Qua đó, ngoài việc phát triển thị trường đem lại những cú hích về phát triển ngành game, nhiều hiệu quả về kinh tế, eSports còn là cánh cửa để Việt Nam chiếm lĩnh các ngôi đầu tại các kỳ tranh tài thể thao quốc tế đỉnh cao như Asiad hay thậm chí cả Olympic nhờ một lượng game thủ chuyên nghiệm được đào tạo bài bản. Vì thế việc chuẩn bị nền móng cho eSports phát triển tại nước ta một cách chính thức với nhiều giải đấu lớn, các cơ hội cọ xát chuyên nghiệp là bước đi rất đáng hoan nghênh.

Sẽ vượt “thể thao vua”

eSports phổ biến nhất với nam giới thuộc thế hệ Y (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội). Theo thống kê, có tới 22% nhóm người này thường xuyên xem eSports tại Mỹ.

Tại Việt Nam, từ những năm 2006, 2007 đã có khá nhiều giải đấu eSports thu hút người tham dự và cổ vũ. Các giải đấu gần đây, như ở bộ môn 3Q của VNG, LoL của Garena từ giải trong nước đến mở rộng với các đội quốc tế đều thu hút hàng ngàn người đến xem, cổ vũ.

Cách thức tổ chức chuyên nghiệp với các bình luận viên sắc sảo, màn hình theo dõi lớn và nhiều góc quay… đã khiến cuộc thi đấu hấp dẫn và có không khí hào hứng như mọi môn thể thao đối kháng khác.

Với lượng “fan” đang lớn lên từng giờ này, nhiều người đã nghĩ đến một lúc, lượng người hâm mộ eSports sẽ vượt cả môn thể thao vua - bóng đá, trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Lợi đến từ nhiều phía

Thống kê từ việc thi đấu game chuyên nghiệp đã thu được 621 triệu USD trên toàn thế giới. Trong đó, châu Á đã chiếm 374 triệu USD. Hầu hết số tiền này đến từ quảng cáo và các nhà tài trợ, bản quyền truyền trực tiếp và quà lưu niệm. Theo nghiên cứu của Newzoo, eSports sẽ đạt thu về khoảng 765 triệu USD và thu hút 165 triệu game thủ trung thành trong năm 2018. Đến năm 2020, eSports sẽ đem về khoản doanh thu dự kiến 1,8 tỷ USD.

Thống kê thu nhập qua tiền thưởng của các tuyển thủ eSports trên Thế giới
Thống kê thu nhập qua tiền thưởng của các tuyển thủ eSports trên Thế giới

Thế nhưng, chỉ đến cuối năm 2016, doanh thu đạt được từ đồ lưu niệm, bán vé, bản quyền truyền thông, quảng cáo và tiền tài trợ của eSports đã xấp xỉ 500 triệu USD/năm. Sau khi vô địch vòng chung kết vô địch DOTA 2 thế giới The International 2016, Wings Gaming, đôi vô địch đã nhận được hơn 8 triệu USD tiền thưởng (đã trừ thuế).

Theo ông Mathieu Dallon, người sáng lập giải đấu Electronic Sport World Cup, hiện trên thế giới có khoảng 300 người chơi chuyên nghiệp có thu nhập trên 100.000 USD mỗi năm, trong đó có khoảng hơn một chục người kiếm được tới trên một triệu USD mỗi năm. 

Những mối lợi không chỉ đến cho các game thủ chuyên nghiệp mà còn thúc đẩy cả một ngành công nghiệp game, tạo ra các thặng dư từ phong trào chơi game chuyên nghiệp, từ đó thu hút nhiều nhân lực ở nhiều mảng công nghệ cao và đào tạo ra các tài năng thi đấu.

Khẳng định vị thế thể thao Việt Nam 

Vào cuối năm 2015, sau cuộc trưng cầu dân ý những người sử dụng Internet tại nước mình, chính phủ Pháp đã công bố việc sửa đổi một số bộ luật kiểm soát mạng và game. Với những thay đổi này, chính phủ Pháp đã trở thành chính phủ đầu tiên trên thế giới công nhận eSports là một bộ môn hoặc một nhóm các bộ môn thể thao chính thống. 

Ngoài việc eSports sẽ được đưa vào Asiad như đã nói lúc đầu, thì IeSF - Hiệp hội thể thao điện tử Thế giới tuyên bố đã đạt được những thành công nhất định trong việc đề xuất Ủy Ban Olympic xem xét đưa Thể thao điện tử vào thành một hạng mục thi đấu tại Thế Vận Hội Olympic vào năm 2020.

Ngay trong những năm đầu tiên tiếp xúc với eSports, thể thao điện tử Việt Nam có được những thành tích khả quan như vị trí thứ 3 World Cyber Game Asian Championship 2006. Các bộ môn FIFA, Warcraft, DotA, CS… vốn quen thuộc trên thế giới đều được yêu chuộng và có các game thủ chuyên nghiệp và tài năng tại Việt Nam. Với thành tích tại các giải đấu mở rộng tầm khu vực và quốc tế gần đây ở các bộ môn như MOBA, các game thủ Việt nam đã chứng minh mình có tiềm năng để đến với sân chơi thế giới.

Với sự thừa nhận ngày càng lớn và chính danh ở các tổ chức thể thao thế giới cùng tiềm năng về công nghệ, độ tuổi, trình độ và tỉ lệ tiếp xúc với internet tại Việt Nam, không gì có thể cản niềm tin Việt Nam sẽ trở thành cường quốc eSports vào thời gian tới.

Đọc thêm