Formosa Hà Tĩnh ảnh hưởng nặng nề đến Du lịch miền Trung

(PLO) - Du lịch vốn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, thời gian qua, sự cố ô nhiễm môi trường biển từ việc xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là du lịch biển.
Formosa Hà Tĩnh ảnh hưởng nặng nề đến Du lịch miền Trung

Để hỗ trợ khôi phục các hoạt động du lịch ở các tỉnh miền Trung, Tổng cục Du lịch đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số giải pháp cụ thể triển khai từ nay cho tới hết năm 2016. 

Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Du lịch miền Trung được rất nhiều du khách trong, ngoài nước yêu thích bởi nét đẹp hoang sơ cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài việc hấp dẫn du khách bởi các di sản văn hóa như: Thánh địa Mỹ Sơn; phố cổ Hội An, kinh thành Huế hay khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha-Quảng Bình..., du lịch miền Trung còn nổi tiếng với những bờ biển xanh trong dọc theo chiều dài đất nước. 

Tuy nhiên, sự cố ô nhiễm môi trường biển từ việc xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh (hồi tháng 4/2016 vừa qua) đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch của các tỉnh miền Trung. Đặc biệt, lượng du khách đến nghỉ dưỡng tại các bãi biển nổi tiếng như Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Thuận An... giảm sút nghiêm trọng so với cùng kỳ mọi năm.

Thậm chí, đã có những bãi tắm từ hơn 2 tháng nay rất ít khách. Hệ thống cơ sở lưu trú nhà nghỉ, khách sạn, các khu du lịch, resort và các dịch vụ phục vụ du khách như nhà hàng, chế biến hải sản, bán đồ lưu niệm, vận chuyển ở các khu du lịch này bị ảnh hưởng rất nhiều. Hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp không có việc làm.

Những điều này tác động tiêu cực tới hình ảnh, thương hiệu du lịch biển của khu vực, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan và đời sống của nhân dân.

6 tháng đầu năm 2016, trong khi tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,7 triệu lượt, tăng 21%, khách du lịch nội địa đạt 32,4 triệu lượt, tổng doanh thu từ ngành Du lịch hơn 200.000 tỷ đồng, thì lượng khách du lịch đến với khu vực Bắc Trung bộ sụt giảm mạnh. Công suất sử dụng buồng phòng thấp hơn nhiều so với các năm 2014, 2015.

Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Bình chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2015. Tình hình kinh doanh du lịch khó khăn đã tác động lớn đến đời sống của hơn 4.000 lao động trực tiếp và 7.300 lao động gián tiếp.

Tại Quảng Trị, có 679.825 lượt khách đã đến tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khách nội địa 596.098 lượt, giảm 20,5% và khách quốc tế 83.727 lượt, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu kinh doanh dịch vụ du lịch, xã hội đạt 683 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại Hà Tĩnh, tuy lượng khách du lịch văn hóa và sinh thái tự nhiên vẫn tăng theo chiều hướng khả quan nhưng lượng khách du lịch biển lại giảm sút.

Nghệ An tuy không nằm trong 4 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường biển nhưng lượng khách sụt giảm từ 13-15%, doanh thu dịch vụ du lịch cũng giảm từ 17-20% so với cùng kỳ năm 2015.

Chủ động tìm giải pháp

Trước thực trạng khó khăn trên của du lịch biển miền Trung, Tổng cục Du lịch cũng đề xuất một loạt giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn nhằm vực dậy hoạt động du lịch ở khu vực này. 

Theo đó, Tổng cục Du lịch đã lập đoàn khảo sát đánh giá tác động, thiệt hại, tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập kế hoạch hỗ trợ, khôi phục du lịch của các tỉnh này. Tổng cục sẽ xây dựng chương trình tour du lịch trọn gói với giá ưu đãi đưa du khách đến với khu vực Bắc Trung bộ, tăng chất lượng hiệu quả của kích cầu du lịch nội địa, quốc tế.

Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ cho các tỉnh quảng bá ở nước ngoài. Đồng thời có những giải pháp, ứng phó đối với những vùng ảnh hưởng, thiệt hại về du lịch do cá chết gây ra. Trong các giải pháp có giải pháp làm ngay và có những giải pháp thực hiện trong thời gian kéo dài. 

Dự kiến trong tháng 8, 9, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức hội nghị đánh giá lại thực trạng du lịch khu vực Bắc Trung bộ trước các ảnh hưởng của sự cố thủy, hải sản và đề xuất các biện pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, hỗ trợ du lịch Bắc Trung bộ ổn định, phục hồi.

Từ nay đến tháng 10, Tổng cục Du lịch dự định tổ chức ít nhất 2 đoàn famtrip, presstrip (du lịch làm quen và du lịch dành cho báo chí) đến khảo sát thực tế, ghi nhận tình hình du lịch tại Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát, quảng bá các sản phẩm du lịch trên đất liền khu vực Bắc Trung bộ như du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử cách mạng, hang động, khám phá…

Cùng với các cơ quan chức năng, các địa phương có hoạt động du lịch bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển cũng tích cực đưa ra các chương trình kích cầu du lịch. Chẳng hạn như tỉnh Quảng Bình đã đưa ra các chương trình kích cầu du lịch, giảm giá các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, giảm 30% vé tham quan cho khách đến các động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường...