Game show đang làm “hỏng” nghệ sĩ?

(PLO) - Không phải từ khi nghệ sĩ Hương Lan có phản ứng mạnh mẽ về tiết mục hài “siêu nhảm” của cặp vợ chồng danh hài Việt Hương thì nhiều người mới giật mình nhận ra sự đi xuống trong thị hiếu thẩm mỹ biểu diễn hiện nay. Đây là một vấn đề mà nhiều người, cả trong và ngoài nghề nhận thấy đã lâu, nhưng “lực bất tòng tâm”, hoặc phó mặc vì miếng cơm, manh áo. 
Game show đang làm “hỏng” nghệ sĩ?

Có thể nhận thấy, trong vòng mấy năm gần đây, nếu nhắc đến hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng trong làng giải trí, có lẽ khán giả sẽ nghĩ ngay đến “truyền hình thực tế”.

Nếu như trước kia, thước đo của những nghệ sĩ là tác phẩm nghệ thuật, và thời gian hầu hết của nghệ sĩ đều dành cho việc biểu diễn nghệ thuật cũng như tâm sức để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật được công chúng yêu thích, thì nay, hoạt động quan trọng và thường xuyên nhất của nghệ sĩ, có lẽ không gì bằng việc tham gia game show truyền hình thực tế.

Gameshow truyền hình thực tế thời gian qua đúng nghĩa là một “cơn lốc”. Với mức độ chương trình “đẻ” ra liên tục đến mức không nhớ hết như hiện nay, thì việc các chương trình cần đến một lượng sao “khủng”, luôn đổi mới là đương nhiên. Đó cũng chính là lý do các nghệ sĩ đủ mọi lĩnh vực lần lượt xuất hiện trên chương trình truyền hình thực tế, từ ngôi sao ăn khách của thị trường, diva gạo cội, nghệ sĩ hải ngoại, người mẫu, hoa hậu, ca sĩ nhí, ca sĩ mới vào nghề cho đến nghệ sĩ âm nhạc dân tộc...

Không chỉ thế, nhiều nghệ sĩ còn phủ sóng ở hầu hết các chương trình, đến nỗi khán giả bật kênh truyền hình nào cũng thấy mặt, như Trấn Thành, Hoài Linh, Trường Giang, Việt Hương.

Thiếu thốn và nhu cầu luôn đổi mới lực lượng sao tham gia ghế nóng game show đã khiến các nhà tổ chức huy động hầu hết những gương mặt già trẻ. Đó cũng chính là lý do của sự xuất hiện một lượng giám khảo “chín ép”, tay nghề còn chưa “thử lửa”, chưa vững vàng mà đã được “làm thầy” trên ghế nóng, để nhận xét trình độ, hướng dẫn nghệ thuật cho các thí sinh.

Guồng quay vô tận của truyền hình thực tế đã kéo gần các ngôi sao với công chúng, và hệ lụy tất yếu, đó là nó “làm hỏng” không ít người nghệ sĩ. Những nghệ sĩ non tay ngồi bình luận về khả năng của thí sinh (mà nhiều người còn tài năng hơn giám khảo) dần dà bị ảo tưởng về vị trí của mình; những nghệ sĩ vốn kín kẽ, chuyên tâm với nghệ thuật bị lôi ra “làm mồi” cho dư luận chỉ với vài phát ngôn vụng về.

Và, quan trọng hơn là một nghịch lý mà ai cũng thấy: Càng đắt show gameshow, nhiều nghệ sĩ lại càng “mất chất”, xuống tay nghề, càng ít đem lại những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cho công chúng. Điều này đúng với cả các nghệ sĩ gạo cội. Nhiều danh hài được coi là hàng đầu Việt Nam hiện nay, nhưng cả năm, vài năm không ra mắt được tiểu phẩm hài nào có giá trị, có chăng chỉ chọc cười trên truyền hình.

Có những ca sĩ hàng đầu, nhưng vì “chăm chỉ” ngồi ghế nóng, nên chẳng có sản phẩm âm nhạc nào ra hồn trong một thời gian dài. Đó cũng chính là lý do khiến một số nghệ sĩ chân chính luôn “nói không” với ghế nóng, cho dù lời mời của nhà sản xuất có hấp dẫn đến đâu.

Game show, rút cục rồi cũng chỉ “mua vui vài trống canh”, trong khi đó, mặt trái thì thấy rõ, đó là chất lượng nghệ thuật ngày càng đi xuống, đó là khi nghệ sĩ tự “ngủ quên”, tự hạ giá trị biểu diễn của mình xuống. Và thảm họa biểu diễn ngày càng nhiều trong một thị trường nghệ thuật bát nháo.