Game show - quảng bá hay “thị trường hóa” nghệ thuật?

(PLO) - Để mở rộng nội dung và đổi mới liên tục, các game show đã đưa vào chương trình nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau, từ ca nhạc, hài kịch, cải lương, nhảy múa và cả… opera. Liệu truyền hình thực tế có đang góp phần quảng bá các thể loại nghệ thuật, hay khiến nhiều bộ môn nghệ thuật trở nên lệch lạc và rẻ tiền trong mắt người xem?
Một tiết mục cải lương trong game show  “Cùng nhau tỏa sáng”.
Một tiết mục cải lương trong game show “Cùng nhau tỏa sáng”.

Không vui dù được tôn vinh

Mới đây, trên facebook cá nhân của mình, soạn giả Hoàng Song Việt đã khẳng định, ông không muốn bất cứ vở cải lương nào của mình xuất hiện trong các game show truyền hình nữa vì cảm thấy cải lương không phù hợp để biểu diễn trong các chương trình game show. Tuy không phải đại diện cho tiếng nói của các nghệ sĩ cải lương, nhưng soạn giả Hoàng Song Việt đã nói lên nhận định của khá nhiều người trong ngành. 

Trước đó, khi cải lương bắt đầu lấn sân vào truyền hình thực tế với những chương trình bước đầu như  những trích đoạn cải lương trong chương trình “Hội ngộ danh hài”, “Danh hài đất Việt” hay các chương trình thiên về cải lương như “Tài tử tranh tài”, “Cùng nhau tỏa sáng”… nhiều lo ngại cũng đã được đặt ra. Nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội như nghệ sĩ Kim Tử Long, NS Ca Lê Hồng… đã bày tỏ những kì vọng đây cũng là một cách làm mới, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ cải lương tiếp cận công chúng và đưa cải lương đến gần khán giả hơn. 

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm sau khi cải lương “phủ sóng” truyền hình thực tế, nhiều tiếng nói ngược từ phía khán giả và các nghệ sĩ sân khấu đã cất lên. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, cách thể hiện của cải lương trong chương trình truyền hình thực tế hiện nay không phải đang giúp cải lương quảng bá mà đang bóp méo nghệ thuật cải lương, khi các vở diễn không còn giữ được màu sắc nguyên bản của mình mà đã bị biến thể thành những thể loại tổng hợp bao gồm cả hài, ca nhạc, kịch, cải lương với những màn biến tấu và chọc cười thô thiển… Và không chỉ có soạn giả Hoàng Song Việt, nhiều soạn giả cải lương có tiếng khác cũng thẳng thắn từ chối việc đưa vở diễn của mình vào game show.

Không chỉ có cải lương, múa cũng là một bộ môn nghệ thuật rất phổ biến trong các game show truyền hình. Bên cạnh việc đan cài vào trong các game show thi thố tài năng hay game show hài, nhiều chương trình còn chuyên biệt dành về nhảy múa như “So you think you can dance”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “Bước nhảy ngàn cân”… Ở khía cạnh tích cực, chính các game show này đã giúp khán giả có điều kiện tìm hiểu và tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật múa từ cổ điển đến hiện đại, từ múa dân tộc đến các điệu nhảy, múa quốc tế. Tuy nhiên, những người tâm huyết với nghệ thuật nhảy, múa cũng đồng thời lo lắng khi thấy nghệ thuật múa đôi khi bị biến tấu quá đà trong các chương trình truyền hình thực tế, khiến khán giả có nguy cơ nhận thức sai về ngành nghệ thuật này.

Một giảng viên Trường Múa TPHCM chia sẻ, đúng là game show đã tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ được thể hiện tài năng của mình, nhưng đồng thời, với sức ép nhu cầu thị trường, cũng dễ khiến người nghệ sĩ đi lạc lối khỏi nghệ thuật chân chính. Nữ giảng viên từng đau lòng khi thấy những học trò giỏi của mình xuất hiện trong các chương trình game show và biến các điệu múa chính thống thành những tiết mục biểu diễn thuần giải trí, được lòng khán giả nhưng lại ít kĩ thuật và tính thiếu nghệ thuật. Điều đáng buồn là chính những học trò càng biến tấu múa khác đi so với nghệ thuật múa chân chính thì càng đạt những giải cao và nổi tiếng. Đồng thời, khán giả cũng có cái nhìn dễ dãi với nghệ thuật múa sau khi xem những chương trình như thế…

Trước đây, opera cũng từng được đưa vào game show mang tên “Chinh phục đỉnh cao” và đã nhận nhiều phản ứng trái chiều từ phía người xem lẫn giới chuyên môn. Với sự pha trộn nhiều thể loại âm nhạc, game show khiến khán giả có nguy cơ hiểu nhầm về opera truyền thống. Nhiều người cho rằng, opera đang được trình diễn trong chương trình là loại nhạc “nhại opera” để thí sinh biểu diễn và câu khán giả, chứ không thật sự là opera. Vì nhiều lý do, chương trình đã kết thúc chóng vánh sau vài mùa thi ngắn ngủi.

Đừng vì lợi nhuận mà bước quá ranh giới

Để tăng sự sinh động nhằm thu hút khán giả, các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế đã đưa vào game show hầu hết các bộ môn nghệ thuật, từ kịch, cải lương, opera, tuồng, rock, dân ca, nghệ thuật múa, hội họa… Trong quá trình ấy, cũng đã giúp quảng bá và đưa nhiều loại hình nghệ thuật đến với khán giả hơn. Những trào lưu nghe lại nhạc xưa, hát lại dân ca, tìm hiểu về khiêu vũ… phần nhiều cũng bắt nguồn từ game show. Nhiều nghệ sĩ tài năng “ẩn mình” cũng đã bước ra công chúng, được thừa nhận thực lực.

Nhưng, trong quá trình khai phá nghệ thuật để phục vụ giải trí truyền hình, game show cũng đã khiến không ít loại hình nghệ thuật bị hiểu sai, bị lai tạp và biến thể, khiến nhiều nghệ sĩ lạc lối từ nghệ thuật chân chính chạy theo nhu cầu của thị hiếu đám đông. 

Trong nghệ thuật, có những thứ ranh giới không bao giờ nên xóa nhòa, bởi, nếu vì lợi nhuận mà bước quá những ranh giới ấy, thì người ta rất có thể sẽ bóp méo nghệ thuật, biến những tác phẩm giá trị thành những sản phẩm đơn thuần của thị trường. Đối với những người hoạt động nghệ thuật và làm giải trí, đó còn là trách nhiệm, đối với khán giả và với đời sau.

Đọc thêm