Giai thoại thú vị về bức tượng cậu bé đứng tè ở Bỉ

Đến Bỉ, ngoài những hộp chocolate xinh xắn đủ màu sắc, một vật lưu niệm mà hầu như du khách nào cũng muốn mang về là bức tượng chú bé đứng tè tại thành phố Brussels.
Giai thoại thú vị về bức tượng cậu bé đứng tè ở Bỉ
Bức tượng be bé đó cũng chính là biểu tượng của thủ đô Brussels. Và hàng năm, ngành công nghiệp không khói của nước này thu về hàng chục triệu euro từ việc bán tượng chú bé ngộ nghĩnh ấy.
“Manneken Pis” - tên gọi của tượng chú bé đứng tè cao 61cm, được đặt trên đường Rue de l' Etuve 31 (Lievevrouwbroersstraat 31, 1000 Brussels, Bỉ), nằm sau tòa nhà thị chính Grand Place 2 con phố tại thủ đô Brussels. Dẫu có nhiều dị bản xung quanh câu chuyện về chiếc tượng đồng xinh xắn đáng yêu này, song điều lớn lao hết thảy là nó biểu trưng cho tinh thần ái quốc của người dân nơi đây.
Có nhiều giai thoại quanh câu chuyện về tượng cậu bé đứng tè, song tôi và nhiều bạn bè ở Bỉ thích nhất câu chuyện cậu bé đứng tè dập tắt ngòi nổ khối bộc phá lớn chuẩn bị thiêu trụi cả thủ đô Brussels. Chuyện kể rằng, khi rút quân khỏi Brussels, quân Tây Ban Nha định dùng bộc phá cực lớn cho nổ đốt toàn bộ thành phố này. Đường dây dẫn để châm ngòi bộc phá đã được nối, bỗng từ đâu, có một chú bé chạy qua, ung dung đứng tè vào đường dây cháy chậm của quả bộc phá. Ngay lập tức, quả bộc phá bị ướt và không thể đốt cháy được.
Tất nhiên, trong những câu chuyện cổ tích của các em học sinh tiểu học nơi đây, còn lưu truyền về một giai thoại khác, ít được lòng người lớn hơn, đó là có một cậu bé vì ghét sự hung dữ của mụ phù thủy, đã đứng trên mái nhà, lén tè vào đầu mụ khi mụ cưỡi chổi bay về nhà…
Một trí thức Việt kiều Bỉ, chuyên ngành hóa học, sinh ra và lớn lên tại Bỉ cho tôi hay, những đứa con bé bỏng của chị vẫn thích câu chuyện cậu bé đứng tè vào ngòi nổ khối bộc phá hơn, mặc dù thế giới của các cháu vẫn còn ngập trong những câu chuyện cổ tích, ghét cái ác, yêu quí cái thiện.
Năm 1619, bậc thầy điêu khắc Jérome Duquesnoy của Bỉ đã nặn thành công tượng Manneken Pis, song đến năm 1817 thì tượng được thay bằng nguyên liệu đồng cho đến ngày hôm nay. Nếu hình dung về một bức tượng phải là to lớn và đặc sắc lắm, hẳn bạn sẽ dễ có chút thất vọng khi chen chân đi bộ trên phố Rue de l' Etuve 31 để đến gần tượng. 
Nó chỉ nhỏ bé, được đặt khiêm tốn trên độ cao tầm 2 mét, xung quanh có hàng rào sắt bao bọc. Du khách chỉ có thể đứng ngoài hàng rào cách vài mét xem và… chụp hình lưu niệm. Hết. Thế nhưng, những điều thú vị liên quan đến chú bé đứng tè ấy lại nằm trong các quầy lưu niệm dọc lối dẫn vào tượng.
Vô số những bức tượng giả đồng hình cậu bé được làm thành cái mở bia, khui rượu. Không chỉ nâng biểu tượng thành một nhân vật lịch sử, luôn có mặt tại các lễ hội của địa phương, người dân nơi đây còn biết cách chế tạo nhiều kỷ vật tinh xảo từ hình ảnh chú bé đừng tè một cách ngộ nghĩnh, hóm hỉnh và đáng yêu nhất. Hằng năm, ngành công nghiệp không khói nơi đây thu về hằng chục triệu euro từ mỗi việc bán quà lưu niệm bằng hình ảnh này. 
Và trên thế giới, hầu như nước nào cũng có sử dụng hình ảnh cậu bé đứng tè này để đặt cho vui mắt tại chốn công cộng nào đó. Ở Việt Nam không thiếu quán cà phê, nhà hàng có tượng này, phần lớn được làm bằng thạch cao trắng.
Người Bỉ rất yêu quí và dành thiện cảm đặc biệt với những gì liên quan đến Manneken Pis. Bằng chứng là khi rời Brussels, tôi mang theo 15 cái mở bia, khui rượu là hình cậu bé làm quà lưu niệm, song đã quên bỏ vào hành lý ký gửi do vật nhọn và có độ nguy hiểm cao. Thế nhưng, sau khi soi hành lý xách tay, soạn tung ra và thấy 13 cái mở rượu nhọn hoắt không mấy an toàn nằm ngay trong túi xách tay, tần ngần một lát, hải quan ở Brussels đã vui vẻ cho qua với lời chúc thượng lộ bình an.

Đọc thêm