Giữ khí phách, Vua dạy con làm yên ngựa kiếm sống

(PLO) - Trong ba ông vua triều Nguyễn bị lưu đày, Thành Thái là vị vua sống gian nan vất vả nhất, sự long đong còn truyền đến thế hệ con và cháu. Rõ ràng, nhất quán, dù bị lưu  đày khổ ải, vua Thành Thái luôn thể hiện ý chí, tinh thần dân tộc, chống Pháp đến cùng. Nhà vua chấp nhận ở nhà thuê, sống bằng nghề làm yên ngựa, không chịu ở nhà do Pháp cấp, không cho con đi học trường Tây, dạy tiếng Việt và duy trì tập quán người Việt trong gia đình.
Bá quan đứng chầu trước điện Cần Chánh
Bá quan đứng chầu trước điện Cần Chánh
Những hoàng tử đi làm thợ nề, công chúa làm thợ điện
Khi mới sang đảo Reunion, Pháp bố trí cho vua Thành Thái ở trong một biệt thự cùng với gia đình. Pháp cấp chi phí sinh hoạt cho gia đình Vua một cách đầy đủ, với điều kiện đi kèm là Vua không được tự ý ra các bến tàu, sân bay. Mỗi khi có vật dụng nào trong nhà hỏng hóc, nhà Vua phải báo cho đại diện của Pháp ở Reunion đến sửa chữa. 
Không chấp nhận cách đối xử đó, vua Thành Thái đã phản kháng. Sau 2 năm ở trong ngôi biệt thự mà thực dân Pháp cấp cho, vua Thành Thái đã thuê một căn nhà ở thành phố Saint Denis. Hành động của vua Thành Thái khiến cho thực dân Pháp giảm bớt tiền trợ cấp cho ông và gia đình, khiến cuộc sống vô cùng chật vật, khó khăn.  
Cuộc sống của cha con vua Thành Thái khá chật vật. Các bà cung phi đi theo vua Thành Thái, vì không hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đảo Reunion nên thường xuyên bị đau ốm, thêm vào đó vua Thành Thái lại quá đông con cái, nên cuộc sống của vua Thành Thái và vợ con luôn khá chật vật, nheo nhóc.
Vì không chịu được cuộc sống khó khăn, chật vật ở đảo Reunion, cũng vì khí hậu khắc nghiệt, nên bà Nguyễn Thị Định (mẹ vua Duy Tân) đã quyết định về nước, giảm bớt phần nào gánh nặng cho vua Thành Thái.
Bá quan đứng chầu trước điện Cần ChánhCựu hoàng Thành Thái vẫn giữ quốc phục ngay lúc đi đày ở đảo Reunion
 Bá quan đứng chầu trước điện Cần ChánhCựu hoàng Thành Thái vẫn giữ quốc phục ngay lúc đi đày ở đảo Reunion
Vua Thành Thái không cho con cái đến học ở trường Pháp, không cho chơi với người Pháp. Vua cho các hoàng tử đi học nghề thợ nề, thợ mộc và hàng ngày chỉ được giao tiếp với người bản xứ, người Trung Quốc. Vua Thành Thái còn bắt vợ con phải tuân thủ một số quy định nghiêm ngặt, trong đó có việc phải mặc quốc phục trong các dịp lễ Tết, phải giữ gìn bản sắc dân tộc và nhất là phải nói tiếng Việt.
Cuộc sống khá vất vả và gia đình nhà vua đã phải làm nhiều nghề để sinh sống: Mộc, nề, sơn, điện… Vua, hoàng hậu, các hoàng tử, công chúa đều làm việc. 
Công chúa Lương Mỹ trở thành một thợ điện gia dụng có tiếng trên đảo, rồi bà mở tiệm chụp hình “Sài Gòn Photo”, mở tiệm bán rượu và đồ hộp đều đắt khách.
Trong nhiều nghề sinh sống, gia đình vua Thành Thái nổi tiếng nhất với nghề làm yên ngựa và điều này đã được viết trong một số sử sách. 
Làm yên ngựa phải tùy thuộc vào từng con ngựa, thợ Tây làm đồng loạt nên không vừa với một số con, ngựa bị cấn xương sống không thể chạy nhanh. Gặp những con ngựa như thế thợ Tây chịu và phải cậy đến anh em cựu hoàng tử. Yên ngựa do anh em ông làm lắp vào con ngựa nào cũng thít chặt, êm, ngựa chạy trở nên hay. Anh em ông còn đóng móng ngựa, may hia cưỡi ngựa.
Từ làm yên ngựa đi tới mua những con ngựa khỏe nhưng bị Tây chê vì không biết đóng yên vừa với nó, những con ngựa đó bán rẻ về tay anh em ông Vĩnh Giu (con của vua Thành Thái) đã thành ngựa đắt tiền và gia đình vua Thành Thái có chuồng nuôi ngựa đua. Ông Vĩnh Giu kể, anh của ông là hoàng tử Vĩnh Chương đã sống bằng nghề đua ngựa.
Nguyễn Phước Vĩnh Giu đã kể chi tiết về cuộc sống của gia đình trong thời gian lưu đày như sau: “Tôi sinh năm 1922 tại số nhà 92, một căn nhà thuê ở Saint Denis, đảo Réunion. Ba tôi khi đến đảo đã từ chối sự ban ơn của Pháp là được ở trong một villa sang trọng. Ông chỉ chấp nhận ở trong một căn nhà thuê của một người dân sống tại đó.
Tôi lớn lên với chúng bạn toàn người Phi, nói toàn tiếng Pháp, nhưng khi về nhà thì ba má tôi lại buộc nói tiếng Việt. Tôi được ba tôi cho học trong một chủng viện Thiên Chúa giáo tên là Saint Denis dành cho người nghèo và người bản địa. Về nhà, má tôi ngoài việc bếp núc còn đảm nhận vai trò cô giáo dạy anh chị em tôi học chữ Việt và học nhạc.”
Ông kể tiếp: “Khi tôi vừa tròn 12 tuổi, một hôm cùng ba má đi dạo, ba tôi cầm tay tôi nói: "Một ngày nào đó khi trở lại Việt Nam, con sẽ đi trên những con đường quê hương, sẽ đọc thấy những con đường mang tên Thành Thái, Duy Tân, dù hôm nay con vẫn chưa biết Thành Thái và Duy Tân là ai. Rồi lịch sử và nhân dân sẽ ghi nhận và chứng minh cho con biết". 
Đến khi trưởng thành, tôi mới biết ba tôi là vua Thành Thái và anh tôi là vua Duy Tân, cả hai người đều bị lưu đày trên đảo Réunion này”
Ông vua sống nghèo, quyết giữ khí phách người Việt
Sau khi Hiệp định Vịnh Hạ Long được ký kết ngày 8/3/1948, Pháp trao trả Việt Nam cho Quốc trưởng Bảo Đại dưới chiêu bài “Quốc gia Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp”. Dưới danh nghĩa Việt Nam độc lập, Luật sư Vương Quang Nhường (con rể của cựu hoàng Thành Thái trong chức vụ Phó Thủ tướng, Thủ lĩnh Luật sư đoàn Sài Gòn), đã vận động với Cao ủy Pháp ở Đông Dương và Tổng thống Pháp cho Cựu hoàng Thành Thái được hồi hương sau 33 năm bị lưu đày ở đảo Reunion. 
Ngài được con gái là bà Vương Quang Nhường sang tận đảo Reunion đón về vào cuối năm 1948 và chỉ được sinh sống tại Vũng Tàu. Sau một thời gian ngắn, ngài đã tự ý vào Sài Gòn sống với người con trai út là Ông Vĩnh Cầu trong một căn nhà nhỏ hẹp.
Có thông tin cho rằng Bảo Đại từng có lần đến thăm viếng cựu hoàng Thành Thái tại Sài Gòn và tặng cho cựu hoàng nhiều tặng phẩm tiền bạc nhưng cựu hoàng Thành Thái từ chối những quà cáp, trợ cấp; khuyên Bảo Đại rằng hãy dành số tiền ấy cho sự nghiệp của quốc dân.
Ông Vĩnh Giu kể lại cuộc sống khó khăn khi trở về Việt Nam như sau: “Khi tôi chuẩn bị đi thực tập thì nhận được tin chính quyền bảo hộ cho gia đình tôi trở về Việt Nam bằng tàu thủy. Tôi sống chung với ba má được 3 năm thì chính quyền bảo hộ đề nghị ba má cho phép tôi làm việc phụ tá cảnh sát trưởng Vũng Tàu. 
Ngày tôi đi làm, ba căn dặn: "Con đừng bao giờ cộng tác với Pháp và chính quyền bù nhìn. Chế độ ấy không do dân lập ra, nó chỉ do bên ngoại quốc dựng nên, thế nào rồi cũng sụp đổ, đừng bao giờ can dự". 
Cực khổ, cay nghiệt đến như vậy nhưng cựu hoàng Thành Thái vẫn chịu đựng rất khí phách làm bọn Pháp rất e sợ. Trong hơn 50 năm lưu đày trong đó có hơn 20 năm sống ở Nam Bộ, ông chỉ được trở lại Huế cúng viếng tổ tiên một lần duy nhất vào năm 1953, một năm trước khi từ trần. Điều quan trọng nhất kế thừa sự nghiệp yêu nước của ông, hoàng tử Vĩnh Sang cũng là một tấm gương yêu nước và khí phách.